Đề án hỗ trợ hợp tác xã cho phụ nữ: Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

17/03/2023 - 14:18

PNO - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) Việt Nam khẳng định, Đề án 01 sẽ thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

 

Bà Hà Thị Nga khẳng định, đề án phát triển hợp tác xã do phụ nữ quản lý sẽ góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga khẳng định, Đề án 01 sẽ góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Phát huy hiệu quả kinh tế tập thể

Sáng 17/3, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội nghị khởi động Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) và phát động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ, kinh tế tập thể là 1 trong 4 thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước khẳng định xuyên suốt qua các kỳ đại hội.

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Hội LHPN Việt Nam đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023.

“Đây là đề án về phát triển kinh tế tập thể nhưng đặc thù riêng cho giới nữ mà Hội LHPN Việt Nam vinh dự được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện” - bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 HTX và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cho các cấp Hội phải phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm ra các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia HTX ở cả vai trò quản lý đến vai trò lao động.

Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là cơ sở quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Tạo sức sống mới cho nhiệm vụ không mới

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong quá trình triển khai, luôn phải tìm cách làm, đổi mới phương thức để phát triển hợp tác xã có sức sống mới

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong quá trình triển khai, luôn phải tìm cách làm, đổi mới phương thức để phát triển hợp tác xã có sức sống mới

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, bài bản của Trung ương Hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng “Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

Phó thủ tướng đề nghị Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, tham gia chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm; khắc phục những hạn chế thời gian qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong đề án. Phó thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Hội LHPN Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay gánh vác.

Trong quá trình triển khai, cần quán triệt nhận thức, phát triển HTX không phải là nhiệm vụ mới nhưng phải luôn trăn trở, tư duy, đổi mới phương thức, cách làm, làm sao để nhiệm vụ không mới nhưng luôn có sức sống mới.

Quá trình triển khai, theo Phó thủ tướng, phải lấy phụ nữ, người dân tham gia HTX là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện đề án từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cần kịp thời, nhạy bén, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết trong các tổ chức kinh tế tập thể và giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác.

Để sớm đưa Đề án 01 được triển khai đi vào cuộc sống, Phó thủ tướng chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, Hội LHPN Việt Nam - cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.

Các đơn vị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc cùng nhiều bộ, ngành khác cần quan tâm, phối hợp, hỗ trợ nguồn lực để cùng Hội LHPN khẩn trương triển khai đề án.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, phát huy những hiệu quả tích cực của các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 5 năm qua, năm 2023, Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc thi với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” nhằm khích lệ những ý tưởng, khởi nghiệp sáng tạo dựa trên phát huy những thế mạnh, lợi thế của địa phương mà thiên nhiên đã ban tặng.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kêu gọi toàn thể hội viên, phụ nữ, mạnh dạn tham gia, hưởng ứng cuộc thi với khát khao hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh, phát triển kinh tế theo tinh thần Khởi nghiệp quốc gia, vừa làm giàu cho gia đình, cho bản thân, cho cộng đồng, vừa đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI