ĐBQH đề xuất giảm giờ làm ở khu vực tư

31/10/2023 - 15:24

PNO - Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn), sau gần 40 năm đổi mới, số giờ làm ở khu vực tư không giảm trong khi giờ làm thêm tăng gấp 3 lần.

 

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, số giờ làm việc ở khu vực tư không giảm, trong khi giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, số giờ làm việc ở khu vực tư không giảm, trong khi giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần

 

Quyết liệt tăng năng suất lao động

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) cho hay, trong năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 - 4,76 (trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,0 - 6,0%). Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016 - 2018.

ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này. Tại các kỳ họp trước, nhiều ĐBQH cũng có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng.

Cùng với đó, ĐBQH cũng đề nghị điều chỉnh thời gian lao động ở khu vực tư. Ông cho hay, sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Ông đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/ tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Đồng quan điểm với ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, cụ thể để cải thiện, tăng năng suất lao động. ĐBQH chỉ ra, đây là năm thứ 3 liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu này. Năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là một thách thức lớn mà theo ĐBQH cần phải xem là vấn đề cốt lõi để cải thiện. “Năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng năng suất không chỉ phản ánh chất lượng tăng trưởng mà còn sức cạnh tranh của nền kinh tế” - ông nhấn mạnh.

Độ mở kinh tế quá cao có thể gây nhiều hệ lụy

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa đánh giá, Việt Nam có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Năm 2022, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 trên thế giới về quy mô kinh tế. Thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Tỉ trọng kim ngạch XNK trên GPD tăng liên tục từ 81% năm 1990 lên 111,4% năm 2000; 144,9% năm 2015 và 186,5% năm 2021 - đứng thứ 8 trên thế giới (các quốc gia đứng đầu chủ yếu là các đảo quốc nhỏ), đứng thứ 2 ASEAN (chỉ sau Singapore với 333%), đứng thứ nhất trong số 15 quốc gia có dân số trên 100 triệu.

Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy.

“Nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu” - ĐB phân tích.

ĐBQH đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế, xác định độ mở bao nhiêu là phù hợp cũng như nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế… Đồng thời, quan tâm tới tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa.

Theo ĐBQH, để làm được điều này, cần tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Ông nhất trí với đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% đến hết ngày 30/6/2024. Ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI