Đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học

24/08/2021 - 17:58

PNO - Đây là một trong những nội dung tại Hội nghị Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Nguyễn Minh Tâm cho biết, để tuyển chọn được thí sinh phù hợp mục tiêu đào tạo, có nền tảng vững chắc, ĐH Quốc gia TPHCM đã ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng và đánh giá năng lực.

Trong đó, khi tuyển chọn bằng hình thức đánh giá năng lực, ban đầu chỉ có 7.000 thí sinh, đến năm 2021, gần 70.000 thí sinh đã thi đợt 1, gần 26.000 thí sinh đăng ký đợt 2. ĐH Quốc gia TPHCM còn chủ động chủ trì, cùng các cơ sở GDĐH hình thành nhóm lọc ảo phía Nam (hiện có trên 90 trường tham gia) với sự cho phép của Bộ GDĐT.

Giai đoạn 2021-2025, ĐH Quốc gia TPHCM định hướng giữ ổn định các phương thức hiệu quả trên. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng phương thức xét tuyển tích hợp các tiêu chí, tạo sự linh hoạt trong đánh giá thí sinh như kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn hoặc với thành tích đặc biệt trong thể thao, văn hóa nghệ thuật… 

Về tự chủ chuyên môn học thuật, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền chia sẻ, nhà trường chủ trì 7 nhóm trường ĐH kỹ thuật cùng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo kỹ sư mới, trong đó, tăng học trải nghiệm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên và sẽ triển khai đại trà từ năm học này.

Trong đề xuất, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh tính đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật và sự cần thiết một nền tảng báo cáo trực tuyến để hoạt động này hiệu quả hơn.

PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định, toàn ngành giáo dục đã nhanh chóng thích ứng và phát huy hiệu quả trong dạy học ở tất cả các cấp học, bằng cách chuyển đổi số. PGS Nguyễn Hoàng Hải còn lưu ý, chuyển đổi số phải đảm bảo điều kiện chất lượng; cân nhắc cho phép kiểm định chất lượng trực tuyến trong nước; xây dựng hệ thống học liệu chia sẻ chung trong các cơ sở GDĐH trong nước; đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra đánh giá trực tuyến; siết chặt đầu ra khi triển khai Đề án 89; Bộ phối hợp các trường có kế hoạch tài chính chặt chẽ khi triển khai đào tạo giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trước hết là tự chủ đại học. Theo đó, năm học tới tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả. “Tự chủ không gì khác là để đại học năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu, cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế để từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ thuận lợi cho tự chủ. Ngoài ra, muốn triển khai tự chủ đúng hướng, cần nâng cao nhận thức và thống nhất cách hiểu để áp dụng các quy định về tự chủ. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, một số trường đại học vẫn chưa thực hiện thấu đáo điều này.

“Thực thi quyền tự chủ phải làm sao để quyền đó lan tỏa đến được chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học. Có làm được điều đó, tự chủ đại học mới đầy đủ và có chiều sâu”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo, trong năm học mới, cần tăng cường công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, trong đó vai trò kiểm soát thông qua các bộ công cụ của cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố quan trọng.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt và sẽ làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn. Ngoài ra, sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác hậu kiểm định.

Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, Bộ trưởng cũng nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, song song đó kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.

Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, 2 Đại học Quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới trong thời gian sắp tới.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI