Đạo diễn Chu Thiện: Chỉ một câu “hết sức, hết lòng”

09/08/2020 - 15:12

PNO - Một điều mà bạn bè và những người trong giới vẫn luôn nhớ về Chu Thiện: dù ở vai trò nào - nghệ sĩ sân khấu, diễn viên hay đạo diễn phim truyền hình - anh cũng đều có những dấu mốc “để đời”. Gần ba thập niên gắn mình với nghệ thuật, Chu Thiện vẫn chọn con đường làm “người đứng sau”, lặng lẽ ẩn mình…

Gặp lại "người cũ" của ''Mùi ngò gai'', ''Gia đình phép thuật''

Kể từ bộ phim Trận đồ bát quái (phát sóng trên đài THVL1 năm 2016), đạo diễn Chu Thiện hoàn toàn vắng bóng màn ảnh nhỏ. Anh làm phim không nhiều, nhưng phim nào cũng “đình đám” theo cách riêng. Ngày Chu Thiện trở lại với phim Yêu trong đau thương trong vai trò đạo diễn (phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 1/8), nhiều người hỏi: “Lâu nay anh làm gì?”. Chu Thiện nói, anh mở một quán cà phê.

Quyền Linh có một khu đất trống, khuyến khích anh tạo không gian cho anh em làm nghề có dịp tụ tập, hàn huyên. Quãng thời gian lo việc kinh doanh và chăm sóc gia đình, cũng là lúc anh sống chậm lại, chiêm nghiệm nhiều hơn về một giai đoạn làm phim đã rất khác xưa; đồng thời, tái tạo năng lượng, tìm cảm hứng sáng tạo mới.

Phim Yêu trong đau thương do Chu Thiện làm đạo diễn, phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 1/8
Phim "Yêu trong đau thương'' do Chu Thiện làm đạo diễn, phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 1/8

Những năm đầu thập niên 2000, anh từng làm phó đạo diễn cho các đoàn làm phim đề tài xưa của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, Nguyễn Quốc Hưng. Nhưng mãi gần 20 năm sau, Chu Thiện mới có cơ hội tự thực hiện bộ phim khai thác bối cảnh này. Yêu trong đau thương (kịch bản Nguyễn Thị Mộng Thu) viết ở giai đoạn Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ những năm thập niên 60.

Nỗ lực tạo dựng thế hệ mới

Với Yêu trong đau thương, đạo diễn Chu Thiện không chọn những diễn viên nổi tiếng, an toàn. Anh trao niềm tin vào những gương mặt mới.

Chu Thiện nói, anh muốn tạo cơ hội cho những người mới, nếu phim thành công, màn ảnh nhỏ có thêm những gương mặt có thể gọi là kế thừa các đàn anh, đàn chị đối với dòng phim này. 

Anh dành hơn một năm rưỡi cho dự án tâm đắc. Đoàn làm phim “cắm chốt” ở khu nhà cổ của đốc phủ Hải (Gò Công), nỗ lực tái dựng những con đường, khu chợ quê xưa, không gian sinh hoạt phòng trà của giới thượng lưu Sài Gòn… Mọi thứ đều cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Kinh nghiệm từ thời gian làm phó đạo diễn các phim Sương gió biên thùy, Ngọn nến hoàng cung… được anh chắt lọc vào bộ phim đầu tay, một cách mượt mà, nhiều cảm xúc.

Có một Chu Thiện cần mẫn, tận sức, làm gì cũng soi chiếu mình trong cảm nhận của khán giả. Anh lặng lẽ và chậm rãi, cứ thế mà chinh phục khán giả qua những thước phim, từ Mùi ngò gai, Bò cạp tím, Tình yêu trong sáng đến Gia đình phép thuật, Trận đồ bát quái

Một thời của "Henry Đại"

So với nhân vật Henry Đại trong phim Sương gió biên thùy, hình ảnh Chu Thiện bây giờ đã rất khác. Năm vào vai công tử ăn chơi (đóng cùng với Việt Trinh), anh ở tuổi 30. Giờ đã là một giai đoạn rất khác của cuộc đời. 

Tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2 năm 1992, đến năm 1997, Chu Thiện về đầu quân cho Nhà hát kịch TP.HCM. Anh đặc biệt nổi lên với vai Sỏi - chàng thổi sáo trên sông, trong vở Bước qua lời nguyền. Vở diễn sau đó được Nhà hát kịch TP.HCM mang đi dự Liên hoan nghệ thuật Busan.

Đạo diễn Chu Thiện ngoài trường quay Ảnh: nhân vật cung cấp
Đạo diễn Chu Thiện ngoài trường quay Ảnh: nhân vật cung cấp

Sau đó là hàng loạt những vở diễn được yêu thích khác: Chuyện tình anh và em, Hoa cúc xanh trên đầm lầy… Khán giả bây giờ có lẽ ít ai nhớ đến Chu Thiện như một gương mặt nổi bật của Nhà hát kịch TP.HCM thời ấy (cùng thời với Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh…), hay một diễn viên với những vai thứ nhưng vô cùng độc đáo, ấn tượng của phim Lửa vòng cung, Sương gió biên thùy, Người đàn bà yếu đuối… 

“Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy như nghề chọn mình. Đi con đường nào cũng gắn với nghệ thuật, vất vả có, cay đắng có, nhưng trên tất cả là niềm hạnh phúc lớn khi được làm nghề” - anh tâm sự. Hơn 10 năm trước, anh bị tai nạn gãy chân trước thời điểm khởi quay Gia đình phép thuật. Phẫu thuật, băng nẹp xong là anh ra thẳng… phim trường. Mỗi ngày làm việc, quay ở đâu, anh em tổ thiết kế đảm nhận phần “khiêng” đạo diễn lên bối cảnh. Cứ thế mà từng tập phim được lên sóng kịp tiến độ.  Nội dung tiếp theo

Gần 30 năm làm nghề, với Chu Thiện, thành công có lẽ chỉ gói gọn trong câu nói này: “luôn hết sức, hết lòng”. Anh thường nói, một khi đã nhận việc, thì cần phải biết mình có thể làm được gì, làm như thế nào, để mà dồn hết sức cho nó. 

Lục Diệp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI