Đảm bảo an toàn, an ninh cao nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

16/06/2023 - 09:49

PNO - Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15/6, các địa phương cho biết cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị để đảm bảo an toàn, an ninh cao nhất cho kỳ thi sắp tới, diễn ra từ 27 - 30/6.

 

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM  - ẢNH: P.T.
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - Ảnh: P.T.

Cảnh báo gian lận bằng thiết bị ngụy trang là đồ trang sức

Là địa phương có số thí sinh tham gia thi tốt nghiệp đứng đầu cả nước với hơn 100.000 em, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội - cho biết thành phố huy động hơn 1.000 chiến sĩ công an và 537 thanh tra để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Bên cạnh đó, việc lắp đặt camera an ninh, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống úng ngập, dịch bệnh… đã được lên kế hoạch bài bản.

Theo ông Trần Thế Cương, năm nay cấm thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, tuy nhiên một số thiết bị như máy trợ thính có thể truyền nhận âm thanh, khó kiểm soát gian lận tinh vi. Ngoài ra, hiện không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi, dễ tạo điều kiện cho thí sinh mang theo thiết bị gian lận công nghệ cao. Do đó, ông đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an tăng cường tập huấn cho cán bộ coi thi về kinh nghiệm nhận biết thiết bị gian lận công nghệ cao.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an - thông tin, tình hình chung hiện nay có rất nhiều khâu ứng dụng công nghệ thông tin, do đó, ngay từ sớm, công an phối hợp với các đơn vị chức năng đánh giá, xây dựng phương án đảm bảo an toàn. Vừa qua đã kịp thời phát hiện và khắc phục một số lỗ hổng về an toàn thông tin.

Đồng thời, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (A03) cũng vào cuộc, nắm tình hình chung về an ninh mạng, rà soát và kịp thời ngăn chặn các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến kỳ thi. Đặc biệt có tình trạng xuất hiện một số hội nhóm kêu gọi các học sinh, sinh viên, phụ huynh mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình gian lận kỳ thi. Các thiết bị này được tích hợp siêu nhỏ trong các vật dụng trang sức như khuyên tai, cúc áo, đồng hồ, mắt kính… Công an đã kiểm tra, xử lý một số đối tượng, trong đó có cả phụ huynh, học sinh.

Ông Lê Minh Mạnh cho rằng các cán bộ trong quá trình coi thi cần hết sức lưu ý đến các vật dụng trang sức. Bên cạnh đó, vừa qua, khi kiểm tra các điểm thi thì nhận thấy một số yếu tố chưa đảm bảo an toàn thông tin, như trong phòng bảo quản đề thi, phòng thi vẫn có thiết bị lưu điện, camera còn kết nối internet.

Do đó, đề nghị các điểm thi rà soát, cắt kết nối internet và niêm phong các đầu mạng, camera, di chuyển khỏi nơi bảo quản đề thi, phòng thi để đảm bảo tính bảo mật.

Hỗ trợ an ninh cho từng điểm thi ở Đắk Lắk

Bà Tráng Thị Xuân - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La - chia sẻ, địa bàn có hơn 80% thí sinh là người dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, đồng hành, vận động các em tham gia ôn tập đầy đủ.

Theo bà, những năm qua tỉnh đều thực hiện tốt công tác xã hội hóa, các em có hoàn cảnh khó khăn, ở xa đều được đưa về gần trường, hỗ trợ ăn ở đầy đủ. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, bộ đội biên phòng toàn tỉnh đều rất tích cực tham gia làm đồ ăn, tiếp sức cho học sinh trước và trong suốt kỳ thi.

Ở “điểm nóng” Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho biết đến nay, thanh tra sở đã hoàn tất kiểm tra 33 điểm thi trên toàn tỉnh. Sau khi xảy ra vụ tấn công vào 2 trụ sở UBND xã, đến nay tình hình cơ bản ổn định. Tỉnh ủy đã có chỉ đạo, công an tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi. Ông kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Công an tham gia hỗ trợ tỉnh về công tác an ninh, an toàn kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ đặc biệt cho tỉnh Đắk Lắk ở từng điểm thi. Theo ông, đến thời điểm này công tác chuẩn bị ở các địa phương đều cơ bản hoàn tất. Tuy vậy, các hội đồng thi cần chú ý không được chủ quan, lơ là. Kỳ thi tổ chức trên quy mô cả nước, trong cùng thời điểm, với số lượng hơn 1 triệu thí sinh, hơn 250.000 cán bộ, ở những vùng miền địa hình khác nhau với những khó khăn khác nhau.

Do đó, cần ứng phó, dự phòng với “muôn hình vạn trạng” tình huống bất thường có thể xảy ra. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo kỳ thi an toàn, an ninh, công bằng, không để thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hoặc giao thông cách trở mà không được dự thi. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI