Đến đài phát thanh giữa ngổn ngang súng đạn
Bức ảnh trên do một nữ phóng viên nước ngoài chụp. Trong ảnh, người chiến sĩ cầm súng ngắn đi phía sau ông Dương Văn Minh chính là sĩ quan tác chiến Nguyễn Khắc Nhu, khi đó 27 tuổi. Ông nói, bức ảnh này chứa đựng những ký ức của ngày lịch sử mà ông không bao giờ quên được.
Giọng chậm rãi, ông Nguyễn Khắc Nhu kể, sáng 30/4/1975, sau khi đánh vào tổng kho Long Bình (TP Biên Hòa), trung đoàn bộ binh 66 thuộc sư đoàn 304 nhận lệnh tổ chức mũi thọc sâu, tiến vào dinh Độc Lập. Chỉ huy bộ phận thọc sâu khi đó là đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó trung đoàn 66. Còn ông Nhu được giao nhiệm vụ trợ lý tham mưu tác chiến. Tham gia mũi thọc sâu còn có lữ đoàn xe tăng 203 và một số đơn vị khác.
Ông kể: “Sau khi vượt qua trận đánh ác liệt trên cầu Sài Gòn, chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố. Lô cốt, thùng phuy ngổn ngang. Trưa 30/4, chiếc xe Jeep chở ông Phạm Xuân Thệ và ông Nguyễn Khắc Nhu đến cổng dinh vừa vặn lúc 2 xe tăng mang số hiệu 390 và 843 tiến vào. Cổng dinh khóa kín nên 1 trong 2 chiếc xe tăng đã lao lên húc đổ cổng dinh. Ông Thệ liền ra lệnh cho tài xế xe Jeep lao lên.
 |
Ông Nguyễn Khắc Nhu (bìa phải) tại lễ giỗ Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy |
Trong ký ức của ông Nguyễn Khắc Nhu, không gian bên trong dinh Độc Lập lúc bấy giờ vô cùng yên ắng, không hề có sự chống cự. Khi ông và ông Thệ vào đến chân cầu thang thì thấy một người đàn ông ăn mặc lịch sự ra chào: “Kính thưa chỉ huy Quân giải phóng, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đang đợi các vị ở trên phòng bầu dục để bàn giao chính phủ”.
Khi đó, rất đông người ngồi như bất động trong phòng bầu dục. Ông Nguyễn Hữu Hạnh chỉ vào người da ngăm đen, to cao, đeo kính và nói: “Đây là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh”. Rồi ông lần lượt giới thiệu Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Từng người một cũng lần lượt đứng lên chào.
Ông Nguyễn Khắc Nhu đề xuất với chỉ huy Phạm Xuân Thệ: “Theo tôi, ta nên tổ chức cho ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng là tốt nhất, để tránh đổ máu vô ích cho cả 2 bên và người dân vô tội”. Ông Phạm Xuân Thệ đồng ý ngay và ra lệnh đưa ông Dương Văn Minh đến đài phát thanh càng sớm càng tốt. Bấy giờ, đường phố vô cùng náo loạn.
“Chúng tôi bố trí ông Dương Văn Minh ngồi giữa ông Phạm Xuân Thệ và tài xế ở hàng ghế đầu, còn ông Vũ Văn Mẫu ngồi giữa tôi và chiến sĩ thông tin ở hàng ghế sau để lỡ có chuyện gì, chúng tôi sẵn sàng làm bia đỡ đạn. Bằng mọi giá, chúng tôi phải bảo vệ 2 ông an toàn để tuyên bố đầu hàng. Ông Dương Văn Minh là người chỉ đường đến đài phát thanh” - ông Nguyễn Khắc Nhu kể.
Phải thêm 3 chữ "Vô điều kiện"
Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, khi đoàn đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 Hoàng Trọng Tình ra báo cáo đã chiếm xong đài phát thanh. Tuy nhiên, nhân viên đài phát thanh đã bỏ chạy hết nên không thể vận hành máy thu, phát. Người bảo vệ đài liền đưa ra quyển sổ ghi địa chỉ của từng nhân viên. Chỉ huy Phạm Xuân Thệ liền cử trung đội trưởng trung đội trinh sát đi theo địa chỉ trong sổ để mời nhân viên đài đến hỗ trợ.
 |
Bức ảnh áp giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vào ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu |
Trong lúc 5 sĩ quan trung đoàn bộ binh 66 đang soạn thảo nội dung bản tuyên bố hàng cho ông Dương Văn Minh thì ông Bùi Văn Tùng - Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 - bước vào, cùng tham gia. “Tôi, Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn - kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam…”. Bản tuyên bố đầu hàng được đọc lại cho mọi người nghe để góp ý.
Sĩ quan tác chiến Nguyễn Khắc Nhu đã yêu cầu dừng lại và đề nghị ông Dương Văn Minh phải thêm 3 chữ “vô điều kiện” sau cụm từ “tuyên bố đầu hàng”. Ông giải thích: “Thời ra Hà Nội học, tôi thường coi phim. Đến cảnh Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Berlin, lúc nào tôi cũng nghe câu “phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện”. Muốn bản tuyên bố đầu hàng chặt chẽ hơn, tôi yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh móc thêm dấu ngoặc để bổ sung 3 chữ này vào góc trên của bản tuyên bố”. Lúc này, đài phát thanh đã vận hành nhưng máy ghi âm của trung đoàn bộ binh 66 bị rối băng, không ghi được. Vừa khi đó, phóng viên nước ngoài đã cho mượn máy để ghi âm. Lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh vang lên.
Ông Nguyễn Khắc Nhu nhớ lại: “Ngay sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã viết bản chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng. Ông Tùng viết xong, đọc cho mọi người nghe để góp ý nhưng không ai có ý kiến gì thêm. Sau đó, ông Tùng đưa bản chấp nhận đầu hàng đó cho ông Thệ đọc. 2 ông đẩy qua đẩy lại, không ai chịu đọc. Lúc đó, tôi nói với chỉ huy Phạm Xuân Thệ nên để ông Tùng đọc bởi ông Tùng nói giọng miền Nam, sẽ tránh việc kẻ thù xuyên tạc. Ông Tùng đã đọc bản chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng”.
Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Khắc Nhu vẫn không lý giải được điều gì đã khiến ông đề xuất ý tưởng quan trọng nhưng cũng nguy hiểm ở thời khắc lịch sử đó. Ông trải lòng: “Có lẽ hương linh các liệt sĩ đã chỉ đường cho chúng tôi. Việc đưa các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu rời khỏi dinh Độc Lập khi không có lệnh của cấp trên là khá liều lĩnh. Nếu trên đường đi, 1 trong 2 ông có mệnh hệ gì thì tôi với anh Thệ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng lúc đó, quân ngụy ở một số nơi vẫn đang chống cự. Chỉ khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, họ mới buông súng, đỡ đi cảnh đổ máu vô ích. Ý nghĩ ấy lóe lên trong đầu khiến tôi chỉ nghĩ phải làm sao để ngưng tiếng súng sớm nhất. May mắn là anh Thệ có cùng suy nghĩ với tôi”.
Ngày 30/4/2024, khi ra thăm và tặng quà các cựu tù chính trị đang sinh sống ở huyện Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Nhu vô cùng bất ngờ khi nghe câu chuyện do ông Nguyễn Xuân Viên - cựu tù chính trị Côn Đảo - kể lại: “Địch đã lên kế hoạch thủ tiêu toàn bộ tù chính trị trước khi rút. Sáng 30/4/1975, chúng đã đọc tên, gọi từng người ra xếp hàng để chuẩn bị hành quyết. Thế nhưng, khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh phát trên đài, chúng hoảng loạn thu dọn quần áo bỏ chạy. Nếu lời tuyên bố đầu hàng chậm 1 giờ thôi, có lẽ không ai trong số chúng tôi còn sống”.
Câu chuyện trên càng khiến cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu bồi hồi. 50 năm qua, ông vẫn luôn xem việc được chứng kiến, tham gia, tham mưu những quyết định quan trọng trong thời khắc lịch sử đó là điều rất nhỏ mà ông làm được cho đất nước. Dù nhỏ, ông vẫn luôn tự hào và xem đó là niềm vinh dự lớn lao của cả đời người.
Kinh qua những chiến trường ác liệt Trung úy Nguyễn Khắc Nhu tên thật là Nguyễn Văn Nhu, sinh năm 1948 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Hà Nội. Năm 1967, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào trung đoàn 66, thuộc sư đoàn 304 sau một đợt huấn luyện. Cùng với đơn vị, ông trực tiếp chiến đấu từ chiến dịch Khe Sanh năm 1968 cho đến mùa hè đỏ lửa 1972. Năm 1972, trong trận đánh tại Động Toàn, tỉnh Quảng Trị, nhờ chiến công trong chiến dịch bắt tù binh địch trước giờ nổ súng, ông Nguyễn Khắc Nhu được trao Huân chương Chiến công hạng Ba. Cùng năm, ông được thăng chức từ tiểu đội trưởng lên đại đội phó đội trinh sát của trung đoàn. 5 tháng sau, ông được cử làm đại đội trưởng. Sau ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Khắc Nhu rời quân ngũ, chuyển về làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Do sức khỏe yếu, ông quyết định xin nghỉ hưu sớm vào năm 1982. |
Thu Lê