50 năm ngày trao trả tù binh, theo Hiệp định Paris 1973

Cuộc hội ngộ với ký ức màu đỏ

22/03/2023 - 10:00

PNO - Ngày 18/3/2023, tại khu tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra cuộc gặp gỡ nhiều xúc động giữa “cựu tù binh của nhà tù Phú Quốc” Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước - với nhiều cựu tù binh từng bị tù đày ở các nhà tù Cần Thơ, Suối Máu (Đồng Nai), Côn Đảo...

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã không thể ngăn dòng cảm xúc, khi nhắc nhở về những hy sinh, gian khó của những đồng đội, bạn tù năm xưa, mà nay, đã người còn, người mất…

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm trung tá Lương Chí Hiền - nguyên Chính trị viên trưởng Tỉnh đội Quảng Trị, người được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cử làm Trưởng ban Trao trả tại điểm trao trả tù binh ở bờ bắc sông Thạch Hãn 50 năm trước
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm trung tá Lương Chí Hiền - nguyên Chính trị viên trưởng Tỉnh đội Quảng Trị, người được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cử làm Trưởng ban Trao trả tại điểm trao trả tù binh ở bờ bắc sông Thạch Hãn 50 năm trước

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, từng là tù binh khu B2 của trại giam Phú Quốc, có bí danh Tư Sang, được trao trả tại bờ bắc sông Thạch Hãn, ngày 18/3/1973. 50 năm sau, khi đứng lại bên bờ sông Thạch Hãn, đã có những lúc ông phải uống nước liên tục, ngăn những cơn cảm xúc ùa về khiến ông nghẹn giọng... Những người đồng đội gặp nhau kể không dứt về những ngày tháng bị tù đày, tra tấn dã man trong xà lim của Mỹ, ngụy, về ngày được trở về với đồng đội. 

Câu chuyện được nhắc nhiều nhất là ngày đầu tiên khi biết sẽ được trao trả về với quân mình qua những gói đồ tiếp phẩm, không biết vô tình hay cố ý có tài liệu về kết quả đàm phán hòa bình Paris. Sau đó là những ngày hoạt động sôi nổi hơn của các chi bộ Đảng trong tù; kín đáo hơn, sinh khí hiện lên trên từng gương mặt mất răng, trên thân thể tan nát vì đòn roi tra tấn… Nhưng, ngày hồi sinh, ngày tự do của các tù binh trại giam Phú Quốc được cảm nhận đang đến rất gần. Bởi, ông Tư Sang kể, ở 4 góc tháp canh trại giam, khoảng tháng 1-2/1973 những lính canh trên tháp tự dưng mở radio rất to những bản tin tiến trình cuộc hòa đàm của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam vừa được ký vào ngày 27/1/1973.

Nhìn về phía cây cầu sắt cũ kỹ, mà nơi ấy “50 năm trước, hai bờ sông là rú (rừng) rậm rạp, nơi ông và các đồng đội đã vứt bỏ chiếc áo màu nâu buồn có đóng số tù và chữ T.B (tù binh) để bước nhanh qua lằn ranh chiến tuyến Bắc - Nam, ông Tư Sang kể: chúng tôi vui mừng nhưng lòng đau như cắt vì nhiều đồng đội là cán bộ cấp cao của ta bị địch bí mật thủ tiêu trước ngày trao trả. Có một câu chuyện mà phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã “chết lặng” khi tiến hành trao trả tù binh tại bờ bắc sông Thạch Hãn. Khi đại diện bên Việt Nam Cộng hòa hô to “Nguyễn Văn Thương - y tá đông y, bộ đội địa phương An Giang…”, “Có”. Người đàn ông vẻ mặt bình thản, dáng vẻ quê mùa đứng lên làm thủ tục được trao trả về phía bờ bắc. Ông “y tá đông y” kia vừa đến bờ bắc, một chiếc xe “com măng ca” đón ông với 2 chiến sĩ giơ tay chào kính trọng. Nhiều sĩ quan của ủy ban Quân sự Mỹ, Việt Nam Cộng hòa ngớ người nhìn nhau khi biết đã thả về biển khơi con cá rất lớn.

Tù binh Nguyễn Văn Thương - tên thật là Trần Văn Trân, bí danh Ba Trân, là Sư trưởng Sư 1, bộ đội chủ lực Miền - trong một lần băng kênh Vĩnh Tế (An Giang) tấn công địch thì lọt ổ phục kích. Khi ông bắn đến viên đạn cuối cùng của mình, thì nhìn thấy đồng chí Thương, y tá đông y của đơn vị địa phương nằm chết bên cạnh. Sư trưởng Ba Trân, vứt súng ngắn, kéo túi cứu thương đeo vào người. Và, ông đi qua nhiều trại giam với danh tánh “Nguyễn Văn Thương, y tá đông y của bộ đội An Giang”.

Sau này, ông Ba Trân được phong thiếu tướng giữ chức vị Tư lệnh phó Quân đoàn 4, Tham mưu trưởng Mặt trận 719 ở biên giới Tây Nam…

Đêm tháng Ba, gió từ sông Thạch Hãn thổi khá mạnh, đẩy vòng hoa đăng sáng lấp lánh trên dòng sông xuôi về chiếc cầu sắt cũ, nơi 50 năm trước là địa điểm trao trả tù binh
Đêm tháng Ba, gió từ sông Thạch Hãn thổi khá mạnh, đẩy vòng hoa đăng sáng lấp lánh trên dòng sông xuôi về chiếc cầu sắt cũ, nơi 50 năm trước là địa điểm trao trả tù binh

Chiều muộn ngày 15/2/1973, chuyến bay cuối ngày, chở nữ tù binh cuối cùng, nữ tù binh thứ 904, đáp xuống sân bay bụi mù trời. Đoàn trao trả tù binh của ta kiên nhẫn chờ chuyến bay cuối cùng chở tù binh cuối cùng mới rời đi với lý do sợ địch bí mật thủ tiêu anh em mình trước ngày chiến thắng. 

Có một câu chuyện “ngôn tình thời chiến” được nhiều tù binh điểm trao trả tại Lộc Ninh, kể lại. Người chồng tên Sang, bộ đội chủ lực, bị bắt sau khi bị đạn cắt cụt 2 chân trong cuộc chiến tại Quảng Trị. Anh bị giam cầm qua nhiều trại giam. Người vợ, tên Hà, là giao liên cho một lưới tình báo miền Trung cũng bị bắt, và cả hai bặt tin nhau từ đó.

Trong một lần anh Sang được chuyển thương đi qua sân trại giam Quy Nhơn, và, họ “chợt thấy nhau”, cả hai run lên nhưng cố gắng làm ngơ. Bẵng đi 13 năm không tin tức gì về nhau. Tháng 3/1973, họ cùng được trao trả tại Lộc Ninh, theo tinh thần Hiệp định Paris (1973). Trong ánh ráng chiều xuống thấp, chỉ có nước mắt của ngày gặp lại.  

Trong im lặng của không gian thanh bình nơi cuộc chiến đã đi qua gần 50 năm trước chỉ có trái tim những người đồng đội từng chung lưng đấu cật trong những nhà tù Mỹ, ngụy đập nhịp thổn thức mà thôi… Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng những câu chuyện về những “cuộc hợp tan màu đỏ” vẫn còn đó, vẹn nguyên giá trị của sự hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Phạm Thục

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI