COVID-19 khiến phụ nữ mất hơn 800 tỷ USD thu nhập

01/05/2021 - 16:34

PNO - Theo báo cáo của Oxfam International, đại dịch COVID-19 đã khiến phụ nữ bị mất việc làm, không có khả năng trả tiền thuê nhà và hết lương thực. Tổ chức này cho rằng phụ nữ có nhiều khả năng từ bỏ lực lượng lao động hơn nam giới do 'trách nhiệm chăm sóc gia đình'.

Liên Hợp Quốc vừa ước tính rằng thêm 47 triệu phụ nữ trên toàn thế giới sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2021 vì họ thường có mặt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Ngoài ra, bình đẳng giới vốn đã không đồng đều ngay cả trước đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng này đã làm khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ thậm chí xa hơn.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến phụ nữ thiệt hại hơn 800 tỷ USD thu nhập. Theo Oxfam International, con số đó nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 98 quốc gia cộng lại.

Trên toàn cầu, phụ nữ đã mất hơn 64 triệu việc làm vào năm ngoái. Đó là mức giảm 5% đối với phụ nữ, so với mức giảm 3,9% ở nam giới. Và nó thậm chí có thể không phản ánh mức độ thực sự của tác động kinh tế của đại dịch. “Ước tính thận trọng này thậm chí không bao gồm tiền lương bị mất bởi hàng triệu phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức - người giúp việc gia đình, người bán hàng ở chợ hay công nhân may mặc - những người phải trở về nhà hoặc bị cắt giảm nhiều giờ và tiền lương”. Bucher, Giám đốc điều hành của Oxfam International cho biết.

Rasu Begum, 35 tuổi, là một bà mẹ đơn thân của hai đứa con và là một người giúp việc thất nghiệp sống ở Dhaka, Băng-la-đét.
Rasu Begum, 35 tuổi, là một bà mẹ đơn thân của hai đứa con và là một người giúp việc thất nghiệp sống ở Dhaka, Bangladesh

Theo Oxfam International, phụ nữ có xu hướng rời bỏ nhóm lao động chính hoặc giảm số giờ làm việc trong thời gian đại dịch hơn nam giới, phần lớn là do “trách nhiệm gia đình”. Ngay cả ở những quốc gia mà tỷ lệ thất nghiệp của nam giới cao hơn phụ nữ, nhiều phụ nữ rời khỏi thị trường lao động hoàn toàn vào năm 2020, theo dữ liệu do Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đối chiếu.

“Khi nhu cầu chăm sóc tăng vọt trong đại dịch, phụ nữ đã bước vào công việc chăn sóc gia đình, một kỳ vọng thường bị áp đặt bởi các chuẩn mực xã hội phân biệt giới tính”, Bucher nói.

Trước khi đại dịch bùng phát, phụ nữ và trẻ em gái đã phải làm việc 12,5 tỷ giờ không công mỗi ngày. Giá trị ước tính của khoản đóng góp đó là 10,8 ngàn tỷ USD mỗi năm - gấp hơn 3 lần quy mô của ngành công nghệ toàn cầu. Do những chuẩn mực xã hội thiên lệch này, và phụ nữ dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 hơn 1,8 lần so với nam giới. Thậm chí, tác động của đại dịch đối với phụ nữ có thể tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Xu hướng mất thu nhập thể hiện một bức tranh ảm đạm về tương lai có thể như thế nào đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc ước tính thêm 47 triệu phụ nữ trên toàn thế giới sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2021 vì họ bị ảnh hưởng đa số trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch - bao gồm du lịch, giúp việc nhà và nhân viên nhà hàng.

Bucher cho biết: “Suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 đang có tác động khắc nghiệt hơn đối với phụ nữ, những người đại diện không cân xứng trong các lĩnh vực cung cấp mức lương thấp, ít phúc lợi và việc làm kém an toàn nhất".

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển mà cũng có mặt ở một số quốc gia giàu có nhất, như Mỹ. "Chồng tôi đã mất việc làm. Người chủ đã cho tôi thôi việc trước khi phong toả. Tôi không thể ngủ được vì căng thẳng và đói", Chan Banu, 25 tuổi, người giúp việc gia đình thất nghiệp ở thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Một người thất nghiệp khác ở Dhaka, Aklima, 28 tuổi, cũng có một câu chuyện tương tự: “Chúng tôi không có việc làm nào kể từ khi bị phong toả. Đã ba tháng rồi. Chúng tôi đang vật lộn để tìm cách kiếm sống. Mọi người đều căng thẳng. Không có ai để cho vay. Những người giúp việc gia đình như tôi thì làm gì có tiền tiết kiệm”, cô nói.

Thảo Nguyễn (theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI