‘Copycats’ giúp quảng bá âm nhạc Hàn Quốc

03/03/2020 - 08:41

PNO - Các nhóm nhạc Hàn Quốc bị sao chép ý tưởng, phong cách... không còn là việc xa lạ, nhưng các cơ quan quản lý về mặt bản quyền Kpop đã nhắm mắt làm ngơ trước sự sao chép trắng trợn này và tin rằng, sự xuất hiện của các copycats (các nhóm nhạc đạo nhái) chứng tỏ sức hút của các nghệ sĩ Kpop.

Vòng luẩn quẩn của những phiên bản copycats

"Copycats" là từ được dùng để chỉ những nghệ sĩ, nhóm nhạc sao chép ý tưởng, phong cách từ người khác.

Việc các nhóm nhạc Hàn Quốc bị sao chép ý tưởng, phong cách cho đến chất nhạc không còn quá xa lạ với thị trường âm nhạc châu Á. Giữa năm 2019, ban nhạc đến từ Nhật Bản Balliistik Boyz đạo nhái BTS từ tên nhóm, phong cách, hình ảnh cho đến số lượng thành viên hay các vị trí vocal, rap trong nhóm (3 rapper và 4 giọng ca) và gây bức xúc dư luận xứ Hàn. Trên thực tế, đây là sự sao chép có chủ đích từ ban đầu.

Balliistik Boyz sao chép BTS giống nhau đến cách ăn mặc và hình ảnh xây dựng cho nhóm.
Balliistik Boyz sao chép BTS từ cách ăn mặc đến hình ảnh xây dựng cho nhóm

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự tức giận, dù là bản sao nhưng album Balistik: Boyz phát hành của nhóm nhạc này lại đứng đầu bảng xếp hạng (BXH) Oricon (BXH doanh số âm nhạc uy tín và lâu đời nhất tại Nhật Bản) chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

Trước Balliistik Boyz, khá nhiều nhóm sao chép phong cách các band nhạc Hàn khiến gây tranh cãi, có thể kể đến các nhóm đến từ Trung Quốc: AOS (đạo G-Freind), TFBOYS (đạo EXO) hay 4 cô gái Candy Mafis (Thái Lan) sao chép hình ảnh và chất nhạc giống hệt các girl group xứ kim chi.

Mặc dù khu vực Âu - Mỹ có sự phát triển lâu đời về âm nhạc nhưng xét về tương đồng văn hóa, thể chất con người, gu nghe nhạc… thì người hâm mộ toàn châu Á dễ tìm thấy sự đồng điệu với các nghệ sĩ Kpop. Vì thế, Kpop được yêu thích và các phiên bản đạo nhái ý tưởng, phong cách cũng từ đó nhanh chóng ra đời tại các quốc gia trong khu vực.

Nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc bị đạo nhái ý tưởng.
Nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc bị đạo nhái ý tưởng

Nhưng phải thừa nhận rằng, để hình thành và phát triển Kpop với nhiều thành tựu đáng nể như ngày hôm nay, Hàn Quốc cũng có khoảng thời gian bắt chước và pha trộn âm nhạc từ Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Từ đó, tạo nên những đặc trưng riêng biệt nhất của xứ kim chi: đa dạng các thể loại âm nhạc, chú trọng vũ đạo và đầu tư sản xuất video ca nhạc khủng.

Không ít lần các ngôi sao đình đám như Bi Rain, CL (cựu trưởng nhóm 2NE1)… cũng dính lùm xùm xoay quanh chiếm dụng văn hóa khi lồng ghép các yếu tố của âm nhạc Phi - Mỹ vào màn trình diễn cá nhân.

Copycats giúp quảng bá âm nhạc Kpop

Bắt chước là hiện tượng xảy ra khá thường xuyên trong lịch sử Kpop, bản thân các nghệ sĩ và công ty chủ quản của họ cũng thực hiện nhiều biện pháp pháp lý nghiêm ngặt để chống lại các copycats. Dẫu vậy, các vụ kiện đều không theo đuổi đến cùng bởi một vài lý do. “Những nhóm knockoff (đạo nhái) giúp quảng bá tên tuổi các nghệ sĩ Kpop” - một người trong ngành giải trí Hàn Quốc cho biết.

Thoạt nghe có vẻ phi lý nhưng khi tìm hiểu kỹ lại thấy khá hợp lý bởi điều đó như sự cộng sinh có lợi cả đôi bên. Lee Gyu-tag, giáo sư Nghệ thuật và Khoa học tại Đại học George Mason, Hàn Quốc chia sẻ: “Các công ty âm nhạc Hàn Quốc có xu hướng tin rằng sự xuất hiện của các copycats chứng tỏ sức hút của các nghệ sĩ Kpop”.

CL
CL (cựu trưởng nhóm 2NE1) từng vướng lùm xùm chiếm dụng văn hóa khi lồng ghép các yếu tố của âm nhạc Phi-Âu vào sản phẩm của mình.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Các nhóm knockoff (nhóm đạo nhái) thường không thể đánh bại hoặc thay thế các nghệ sĩ Kpop (phiên bản gốc) về âm nhạc. Những nỗ lực mô phỏng của họ cho thấy Kpop là “tài liệu tham khảo”, khiến đông đảo khán giả nghĩ rằng âm nhạc Kpop là chất lượng và nguyên bản”.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý về mặt bản quyền Kpop đã nhắm mắt làm ngơ trước sự sao chép trắng trợn vì một số lý do tương tự này. “Họ nghĩ rằng nội dung âm nhạc của các nhóm nhạc Kpop có thể tiếp cận nhiều người hơn nếu bỏ qua những vi phạm trên các nền tảng như YouTube và Twitter” - ông Lee nói.

Chẳng hạn như EXID - nhóm nhạc nữ “vụt sáng thành sao” chỉ sau một đêm vào năm 2014 nhờ một video fancam của người hâm mộ ghi lại khoảnh khắc thành viên Hani biểu diễn Up & Down. Chính video này giúp nhóm được chú ý hơn, ca khúc Up& Down ngay lập tức trở thành bài hát được nghe nhiều nhất tại Hàn thời điểm bấy giờ.

Không sai khi nói rằng, đoạn video fancam đó đã cứu vớt cả sự nghiệp của EXID, giúp nhóm tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ. Dù đoạn video này là trái phép khi chia sẻ hình ảnh của nghệ sĩ mà chưa được sự cho phép của họ, nhưng nhờ công ty chủ quản của EXID, mọi chuyện đã được giải quyết êm xuôi. Bởi thực chất, các cô gái EXID thu lợi quá nhiều từ sự vi phạm này.

Các cô gái EXID vụt sáng thành sao chỉ sau 1 đêm.
Các cô gái EXID vụt sáng thành sao chỉ sau 1 đêm

Bên cạnh đó, “thủ tục pháp lý trừng phạt những vi phạm cũng rất phức tạp” - Kang Jin-seok, luật sư tại Công ty luật Yulwon, Seocho-gu, Soeul chia sẻ.

Anh cho biết thêm: “Mỗi quốc gia có quy định pháp lý khác nhau liên quan đến thương hiệu và bản quyền, do đó, rất khó để các công ty Hàn Quốc đưa ra khiếu nại chống lại những nhóm nhạc bắt chước, trừ khi họ nắm rõ luật pháp nước sở tại… Chứng minh hành vi vi phạm bản quyền của copycats cũng đòi hỏi các công ty phải chứng thực được người hâm mộ có sự nhầm lẫn giữa hai nghệ sĩ (hoặc nhóm nhạc). Và đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, kể cả tại Hàn Quốc”.

Mặc khác, các công ty quản lý cũng sẽ để lại ấn tượng tiêu cực cho người hâm mộ Kpop nếu họ có những hành động pháp lý quá mạnh mẽ. Thực chất, các công ty quản lý tại Hàn Quốc đã phân tích rất kỹ về những ảnh hưởng khi để copycats hoạt động, trước khi bỏ qua sự việc.

Theo giáo sư Lee Gyu-tag, các copycats đến từ châu Á không thể vượt trội hơn các ban nhạc Kpop. Ông cũng diễn giải rõ, để phát triển ngành công nghiệp giải trí thì các quốc gia cần đáp ứng cả 2 điều kiện về kinh tế và chính trị.

Trung Quốc có tiềm lực tài chính tốt nhưng chính phủ nước này kiểm duyệt nội dung rất chặt chẽ, phần nào cản trở sức sáng tạo của các video âm nhạc và thực tế cho thấy, hầu hết các ca sĩ xứ Trung chỉ phát triển tại thị trường nội địa. Còn các quốc gia Đông Nam Á chưa đủ thịnh vượng để thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc của chính họ.

Chung Thu Hương (theo Korea Times và Naver)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI