Còn đây di sản trăm năm

28/04/2023 - 13:01

PNO - Cuối tháng Tư, hơn 40 cán bộ hội TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình đã tổ chức chuyến đi “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”.

 

Cán bộ hội viên hội phụ nữ ngạc nhiên và thích thú trước những di vật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn
Cán bộ hội viên hội phụ nữ ngạc nhiên và thích thú trước những di vật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Điểm đầu tiên đoàn đến là di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của biệt động Sài Gòn. Đây là một trong nhiều căn nhà được chiến sĩ biệt động - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức ông Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM…) dùng làm căn cứ bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giữ, chuyển giao tiền, vàng, thuốc men, thư từ, tài liệu mật… Các thành viên trong đoàn đã xúc động khi nhìn thấy lá cờ giải phóng - lá cờ có ngôi sao vàng trên nền cờ nửa đỏ, nửa xanh - đang bay phấp phới dưới nắng vàng tháng Tư, biểu tượng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ xúc động, các thành viên đã đi đến ngạc nhiên với chiếc tủ gỗ 2 ngăn mà tấm ván ở đáy tủ chính là cửa hầm để các chiến sĩ biệt động thoát ra các nẻo đường phía sau nhà. Và ở một tấm ván lót sàn sát vách, qua một khe hẹp, ở phía dưới là những vỏ lon sữa Guigoz từng được tận dụng cất giấu thư từ mật. 

Hơn 40 cán bộ hội TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình trong chuyến đi “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”
Hơn 40 cán bộ hội TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình trong chuyến đi “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”

Điểm đến kế tiếp của đoàn là Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn nằm ở số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM. Lần đầu tiên, các thành viên trong đoàn được trải nghiệm đi thang máy cổ có thùng thang bằng gỗ với nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo, được thấy chiếc máy ảnh Yashica - kỷ vật của người anh hùng Năm Lai, hay chiếc xe đạp máy hiệu Solex mà “Cô Ba biệt động” - nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ - từng dùng. Tất cả đều trực quan, sống động. Trong một không gian nhỏ hẹp nhưng mọi người như được trở về với những năm tháng cũ, nơi mà một viên gạch nhỏ, một tờ tiền giấy, một hộp đựng thuốc hay mái nhà lợp ngói âm dương… đều cho thấy sự mưu trí, quả cảm của những người lính biệt động. Chị Hoàng Thị Thu Liên - Chủ tịch Hội LHPN quận 1 - cho biết, chuyến đi nhằm đưa chị em các đơn vị tham quan tìm hiểu để về giới thiệu lại cho đông đảo các hội viên phụ nữ. 

Chiều 24/4, một số hình ảnh chuyến đi được tải lên fanpage của hội. Ngày hôm sau, cán bộ hội ở nhiều phường thuộc TP Thủ Đức và quận 12 đã liên hệ nhờ hướng dẫn cách thức đặt lịch tham quan để các chị tổ chức cho chị em hội viên phụ nữ đi ngay trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này. Chị Nguyễn Hạnh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức - nói: “Những dấu tích vô giá này là di sản cho con cháu trăm năm, ngàn năm, cần phải được gìn giữ và giới thiệu để mọi người cùng biết. Tôi sẽ tổ chức thật nhiều đoàn cho cán bộ phụ nữ TP Thủ Đức “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”, để chị em hiểu hơn về giá trị của độc lập hôm nay”. 

Mẫn Nhi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI