Còn chút hồn quê giữa thị thành

26/06/2021 - 06:33

PNO - Mùa dịch tràn qua, thị thành vắng hẳn tiếng rao. Như một thói quen hằn sâu suốt mấy chục năm, ngày nào má cũng ra ngoài hiên ngồi ngóng.

Hẻm nhỏ vắng những tiếng rao khi thành phố đi vào đợt giãn cách lần thứ hai. Nhiều mảnh đời mưu sinh bám víu vào thành phố cũng bị ảnh hưởng. Hẻm nhỏ từ lâu vốn quen thuộc với những quang gánh bánh quê từ các mẹ các dì miền Tây cứ bận xế trưa là ghé ngang, tiếng rao lanh lảnh riết thành quen; giờ vắng bóng họ, không dưng bỗng thèm.

Mấy thứ bánh quê là cả một nền văn hóa ẩm thực dựa vào hoa trái quê nhà nên đâu dễ gì mai một ẢNH: INTERNET
Mấy thứ bánh quê là cả một nền văn hóa ẩm thực dựa vào hoa trái quê nhà nên đâu dễ gì mai một. Ảnh: Internet 

Từ miệt bưng biền 

Cứ tầm hai giờ chiều, má hay ngồi trước khoảng hiên vắng chờ những tiếng rao; khi thì bánh da lợn, lúc bánh đúc ngọt... Nhiều lắm những đôi quang gánh mang đầy ký ức của má. Ngày đó, má từ miền Tây tha hương lập nghiệp rồi chọn nơi này mà gá phận mình theo ba. Cuộc sống xoay vần tới chừng tuổi heo may ập tới, má thưa dần những chuyến về quê, chỉ chờ những bận giỗ chạp hay lễ tết, mấy đứa con rảnh mới thủ thỉ biểu đưa má về mà cũng đâu được mấy bận. Nên lòng má cứ giữ hoài những ký ức xưa xa bằng mấy món bánh quê.

Đôi khi cũng chẳng phải là chuyện má tiếc hoài điều cũ càng, mà là má muốn mấy đứa cháu thị thành quen dần đồ ăn Tây, Hàn cũng nên biết thèm thuồng mấy món bánh quê ngọt ngào thắm đượm hoa trái xứ mình.  

Má mua nhiều thứ, cứ chiều chiều lại đem cả dĩa bánh quê ra cho đám cháu đi học về ăn lót dạ chờ cữ cơm tối. Mấy bữa đầu, dĩa bánh quê mùa bị đám cháu làm lơ bởi chúng đã quen mấy loại bánh trong tiệm bánh Âu, bánh Á ba mẹ hay mua cho ăn hoặc bạn bè kháo nhau rằng nếu chẳng biết thì không sành điệu. Nhưng riết rồi tụi nhỏ cũng bị má dỗ ngọt để thử. Tỷ như má kể mấy câu chuyện dông dài từ hồi xửa hồi xưa dưới quê, hồi sóng nước bưng biền còn vỗ ràn rạt mấy bữa trưa tắm sông nhảy ao, hồi còn chơi trốn tìm và kéo tàu lá mo quanh xóm.

Hồi đó, ruộng lúa phì nhiêu, trái cây quanh năm. Bữa ăn còn nhiều thiếu thốn, đâu đầy đủ món này món kia như bây giờ nên người quê bày biện ra dăm ba thứ bánh từ hoa lá cây trái quê hương để đem theo ra đồng ăn lót dạ hay đám tiệc có cái nhấm nháp. Riết rồi thành những món chẳng thể thiếu của dân sóng nước phù sa chín cửa sông. 

Tỷ như mùa này chuối oằn buồng, chín rục thơm ngát từ vườn nhà ra chái bếp. Mấy bà già quê không biết ăn sao cho hết, ăn sao cho đỡ ngán, vậy là đem đi hấp. Má kể hồi còn dưới quê, ngoại hấp bánh chuối “ngon nhức nách”. Món đó nhìn tưởng dễ mà hổng dễ chút nào. Chuối phải là loại chuối sứ chín rục. Chuối lột vỏ cắt khoanh. Bột năng khuấy đều với nước cho sệt rồi thêm ít muối, đường, chuối đã cắt vào trộn đều. Đổ vào xửng hấp chừng hai mươi phút thì bánh chín.

Công đoạn làm cốt dừa của ngoại thiệt là kỳ công. Nước dừa cốt vắt bằng nước ấm trong túi vải mùng, xong phải nấu với bột báng ngâm trước rồi đảo đều với ít bột năng cho sánh lại. Mà bí quyết sao cho mẻ bánh thơm lừng ăn với nước cốt dừa thì nhiều người học hoài hổng xong.

Khi đám cháu con hỏi tới, ngoại móm mém cười hiền: “Có gì đâu, trước lúc hấp, bây áo một chút dầu dừa quanh cái xửng. Chừng độ bánh vừa dẻo mặt thì phết thêm lớp dầu dừa lên trên. Bánh ngấm mùi dừa lại dễ lấy ra, không dính xửng. Mặt bánh mướt rượt nhìn đã thèm, chưa nói chi đến ăn. Cắn miếng bánh, cảm nhận vị ngọt thơm của chuối, phảng phất mùi dừa. Má thường nói với con, với cháu: “Đó bây thấy hông, đâu cần phải ba cái thứ phẩm màu hóa chất gì. Mấy cái bánh quê cứ tuần tự theo thiên nhiên miệt quê mà làm. Bưng biền sông nước cho mình cái gì, mình làm cái đó. Hễ mình thương nó, mình khéo léo thì ngon hết, bây à!”. 

Má dạy mấy đứa cháu bằng chuyện xưa tích cũ, rằng để làm mấy món bánh quê là rất kỳ công. Mình cầm miếng bánh, cắn cái rột nhẹ tênh nhưng với người làm ra nó là cả một sự chắt chiu. Từ những cách làm mộc mạc cũ xưa cộng với cái lòng thảo thơm muốn lưu truyền nên mới có thứ bánh quê theo chân người bưng biền lan tới thị thành. 

Vào nơi quán xá, lên shop online

Bánh quê lên phố, theo đà phát triển của thị thành mà đi vào quán xá hay các shop bán bánh online. Có lần, thằng cháu nội của má mang về cả ký bánh đúc gân, nói mua cho cả nhà ăn. Đâu có cần phải ngồi đợi ngóng tiếng rao bánh chi cho mệt. Lên mạng gõ bánh quê nó ra cả trăm tiệm, thích thì mình ghé mua ăn, không thì mình đặt online người ta giao tận nhà. Mà người ta làm bán với số lượng lớn nhiều khi giá rẻ rề. 

Má cũng cắt miếng bánh đúc gân chấm nước cốt dừa rồi rưới miếng nước đường gừng nhưng chỉ ăn vài miếng rồi đẩy cái chén ra. Thằng cháu nội hỏi sao, má lắc đầu nói hổng phải. Bánh đúc gân phải giòn giòn, dai dai; nước cốt dừa phải thơm và béo mùi dừa, cái này toàn mùi sữa. Nước đường gừng phải thắng bằng đường thốt nốt, ít ra cũng đường tán cục nâu vàng. Mùi gừng phải thơm quyện vào mớ đường kèo kẹo. Thằng cháu gật gù. Bà nội ăn khó quá chừng. Thằng cháu nội đâu biết, để làm ra món bánh này thì cực thấu trời. 

Món bánh đúc gân đúng chuẩn ngon của ông bà xưa thì phải xay nhuyễn lá dứa lấy nước. Nước phải trong, không lợn cợn xác, lọc bằng rây hay túi vải cho đến khi quậy lên không còn cặn. Bột năng với bột gạo trộn đều, thêm chút vani và đường. Chia bột làm hai phần. Một phần thì cho nước cốt lá dứa, một phần thì cho nước cốt dừa vào, khuấy đều cho tan bột. Bắc nồi lên cho dầu ăn vào rồi đổ phần bột đã khuấy với nước cốt dừa vào đảo liên tục. Thao tác cũng tương tự với phần bột lá dứa. Xong xuôi, cho vào khuôn hai loại bột đã dẻo, trộn đều. Dùng lực tay trộn và nhồi sao cho lớp trắng lớp xanh bện vào nhau, hòa lẫn lộn thì bánh mới nổi vân xanh vân trắng trong vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Hấp bánh chừng nửa tiếng…

Thằng cháu nội nghe má nói rồi cười gật gù. Nhưng bà nội hổng biết, giờ đâu có ai rảnh để ngồi làm như vậy. Mình ra ngoài tiệm người ta bán sẵn. Nhiều khi ăn hổng ngon bằng nhưng có nhiều món cho mình lựa chọn: bánh tằm mì, bánh lá mít, bánh da lợn, bánh bò rễ tre… Thắng xe cái két dăm ba phút là có hay lên mạng đặt cái một, ngồi chờ chừng mười lăm hai chục phút có ăn liền. 
Như tụi con nè nội, nhiều khi thèm mấy món ăn vặt lại chạy ra Xôi Lá Chuối hay ra Gánh hoặc lên trang Mẹ Quê, Bánh Út Lúa... Thậm chí có luôn mấy trang món ngon miền Tây, họ bán tất tần tật các loại đặc sản xứ quê nội à! Đâu có ai ngồi đợi mấy gánh hàng rong như nội.

Hồn quê đâu dễ mai một

Đôi quang gánh phải chăng vì thế càng thưa thớt trong mỗi xóm hẻm, nhất là ở thời tiện nghi hiện đại như bây giờ. Có chăng chỉ còn những người già như má nhớ quê thèm vị luôn mong ngóng cái tiếng rao đặc sệt miền Tây cứ lanh lảnh. Mua thì đâu có bao nhiêu, nhưng hễ đôi quang gánh ghé lại, cái nón lá kéo ra là dăm ba câu chuyện quê hương bản xứ, lữ thứ mưu sinh lại được giãi bày. Thể như tìm thấy trong miếng bánh quê biết bao nỗi niềm thương nhớ.  

Mùa dịch tràn qua, thị thành vắng hẳn tiếng rao. Như một thói quen hằn sâu suốt mấy chục năm, ngày nào má cũng ra ngoài hiên ngồi ngóng. Thằng cháu nội nghỉ học, rón rén đặt hàng qua mạng. Người ta giao tới mấy thứ bánh quê. Thằng cháu bày ra dĩa. Bà nội ăn đi cho đỡ thèm. Chừng hết dịch người ta cũng đi bán lại à! Má nhìn thằng cháu cười mà rưng rưng. Ờ thì quang gánh hay quán xá online, thị thành còn bánh quê, là người ta còn thương tưởng và níu giữ chút hồn quê cho thế hệ mai sau. Mấy thứ bánh quê, suy cho cùng là cả một nền văn hóa ẩm thực dựa vào hoa trái quê mình nên đâu dễ gì mai một. 


Trúc Thiên
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI