Cơm tình thương trao đúng người cần

17/04/2020 - 12:00

PNO - Hé cánh cửa gỗ để lấy ánh sáng vào nhà, dì Phạm Thị Bạch Mai, 64 tuổi, ở P.1, Q.Gò Vấp tần ngần hồi lâu, rồi lại khép cửa đi vào.

Hé cánh cửa gỗ để lấy ánh sáng vào nhà, dì Phạm Thị Bạch Mai, 64 tuổi, ở P.1, Q.Gò Vấp tần ngần hồi lâu, rồi lại khép cửa đi vào. Mấy ngày qua vé số tạm dừng phát hành nên dì Mai tạm nghỉ ở nhà. Gần cả đời bán vé số dạo, giờ già yếu dì không thể tìm được việc gì khác. Tiền hỗ trợ từ địa phương dì không dám đụng đến mà để dành làm vốn lấy vé số đi bán trở lại sau những ngày cách ly. Tôi hỏi, mấy nay Hội hỗ trợ cơm hằng ngày dì ăn có ngon miệng không? Dì Mai cười: “Mình không dám chê gì hết. Có các cô giúp, thương còn chẳng hết, sao dám chê”.

Hội viên các chi tổ hội đến từng nhà tặng cơm cho người nghèo, già yếu
Hội viên các chi tổ hội đến từng nhà tặng cơm cho người nghèo, già yếu

Sống đơn thân ở cái tuổi 85, bà Đặng Thị Kim Liên khó khăn hơn gấp bội. Trước đây, mỗi ngày rong ruổi từ 6g sáng đến 2 - 3g chiều bà Liên kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc bán vé số. Tiền kiếm được, bà dành một nửa đóng tiền nhà, một nửa để ăn uống, làm ngày nào hết ngày đó. Tháng này, chủ nhà trọ giảm 500.000 đồng nên bà chỉ phải đóng một triệu đồng. Bà nói: “Từ ngày nghỉ bán vì dịch bệnh, bà ở miết trong nhà, không dám ra ngoài vì mình đã lớn tuổi. Thương mấy cháu phụ nữ, ngày nào cũng mang cơm đến cho bà. Hộp cơm sáng nay bà còn để đó, dành trưa mới ăn”. Hơn một triệu đồng tiền hỗ trợ, bà Liên không dám xài mà để dành đóng tiền thuê trọ. 

Trong căn nhà nhỏ tại một con hẻm trên đường Nguyễn Thượng Hiền, P.1, Q.Gò Vấp, sau khi dọn dẹp xong, chị Huỳnh Thị Ngọc Mỹ vội chạy đi giữ trẻ thuê. Ngày làm một buổi, mỗi tháng chị được trả 2 triệu đồng. Tiền làm được chị để dành đóng tiền điện, mua gas và thuốc thang cho đứa con gái bị bệnh thần kinh. 

hoàn cảnh như thế còn rất nhiều. Họ đều là những người lao động nghèo, vất vả chạy từng bữa ăn. Những ngày “cách ly xã hội”, họ không có việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống. Chính quyền các cấp đã kịp thời hỗ trợ gạo, tiền và các nhu yếu phẩm. Các cơ sở Hội cũng đã khảo sát để tìm cách chăm lo, giúp nhóm đối tượng phụ nữ già yếu, đơn thân, hộ nghèo… vượt qua khó khăn. 

Từ ngày xuất hiện dịch bệnh Covid-19, việc may hàng gia công của chị Trần Chí Diễm Trinh - Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ khu phố 4, P.1, Q.Gò Vấp - cũng tạm ngưng. Rảnh rỗi, chị dành mỗi ngày 2 - 3 tiếng buổi sáng và chiều để nhận gần 20 hộp cơm rồi đi phát cho những người già yếu, thất nghiệp. Chị nói: “Trao từng hộp cơm cho đúng đối tượng là mình đã giúp được những người già yếu, khó khăn. Tôi cũng khó khăn nhưng nhiều người còn khó khăn hơn. Tôi chỉ có thể góp công và mong dịch bệnh mau qua để mọi người cùng nhau làm việc trở lại”. 

Dì Đặng Thị Tươi - một cán bộ về hưu tham gia việc trao cơm tận nhà cho những người khó khăn - đánh giá: “Tôi thấy việc trao cơm tận nhà những người già là rất ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội”. 

Chị Hoàng Thị Mai Vy -  Chủ tịch Hội LHPN P.1, Q.Gò Vấp - cho biết, từ sự giúp sức của các Mạnh Thường Quân và chị em hội viên phụ nữ, mỗi ngày Hội đã phát tặng 100 phần cơm. Ban đầu Hội phát theo hình thức tập trung trước UBND, nhưng sau đó đã nhờ các cô, các dì ở các chi tổ Hội hỗ trợ để cơm được trao đến đúng người cần trao. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI