Cố Tổng bí thư Đỗ Mười trong ký ức vị thư ký già

03/10/2018 - 06:56

PNO - Vị thư ký già chậm rãi dừng lại, rồi mếu máo cười khi đôi mắt đã rưng rưng: “Báo Phụ Nữ TP.HCM nhắn giùm tôi lời tiễn biệt đến bác Mười, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các cháu và đại gia đình của bác ấy”.

Đêm 1/10, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần tại Hà Nội. Từ lúc ấy cho đến chiều 2/10, tại tư gia ở P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM, có một vị thư ký già cùng vợ ngồi lần giở từng tấm ảnh, từng mảnh giấy, ôn lại từng mẩu chuyện về một “Thủ tướng Đỗ Mười” trong suốt 12 năm gắn bó.

Người ấy là ông Đỗ Quân Ngọc - nguyên vụ trưởng, thư ký chuyên trách về dầu khí và công nghiệp của ông Đỗ Mười thời còn làm thủ tướng. Cơn đột quỵ lần thứ tư mới đây khiến ông không đủ sức khỏe để ra Hà Nội dự tang lễ, nhưng trong cái điệu bộ chậm chạp và giọng kể run run, ông vẫn nhớ rành rọt những ấn tượng “lạ lùng mà sâu đậm” về một cấp trên, một “thủ lĩnh”, một người bạn vừa nằm xuống. 

Co Tong bi thu Do Muoi trong ky uc vi thu ky gia
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và vợ chồng thư ký Ngọc

Văn phòng sách

“Manh mối” của từng ký ức là những tấm ảnh xếp từng xấp nhỏ trên bàn, và cả người vợ vẫn tinh anh, nhẹ nhàng ngồi bên cạnh. Ông Ngọc cứ thế điềm đạm nhớ. Ông chìa cho tôi xem một tấm hình chụp nguyên Thủ tướng cùng những cán bộ thân cận đang đứng trong một phòng triển lãm tranh, nói: “Lần này bác ấy đưa anh em đi xem triển lãm tranh, luận về mỹ thuật. Mỹ thuật không phải là lĩnh vực bác ấy rành, nhưng kỳ lạ là người ta nói đến đâu, bác nhớ đến đó, rồi đến khi có dịp lại tiếp tục câu chuyện như đã thấm hết ý đó, như ở trong lĩnh vực đó tự lúc nào rồi…”.

Lúc có duyên làm việc chung, Thủ tướng Đỗ Mười đã kinh qua vị trí chủ tịch, bí thư của bảy tỉnh, làm lãnh đạo của nhiều bộ, và là vị diễn giả tài tình trong lòng hàng triệu thanh niên. Còn ông Trần Quân Ngọc đang là một nhà khoa học tốt nghiệp sau đại học ngành hóa dầu, một cử nhân ngành mỹ thuật ở Liên Xô cũ. Cách làm việc của ông Đỗ Mười khi ấy là trân trọng trải nghiệm của từng người để phục vụ công việc. Ngẫm ngợi gì cũng chia sẻ, thắc mắc gì cũng tỏ bày.

Theo ký ức của vị trí thức già, đôi khi, mối gắn bó công việc giữa thủ tướng và một thư ký hay bất kỳ bộ trưởng nào cũng giống như tri âm. Nhưng không phải là tri âm với một con người cụ thể, mà là “tri âm” với chính “tri thức” trong từng con người.

Trong một lần theo đoàn lên một đơn vị trên dãy Trường Sơn để nghe báo cáo về việc tìm thấy quặng sắt tại địa bàn, ông Đỗ Mười khi ấy là thủ tướng, ngồi ở dãy bàn của đoàn chủ tịch. Đang ngồi dự thính dưới khán phòng, chợt ông Ngọc thấy Thủ tướng xăm xăm rời chỗ ngồi, tiến về chỗ mình. Ông cúi xuống, hỏi vị thư ký: “Chất Arsenic mà anh cán bộ vừa nói là chất gì chú biết không? Tôi không rành lắm, nhưng tôi quan tâm về chất đó”.

Khi đó, một anh kỹ sư vừa lên báo cáo các nhà khoa học phát hiện chất Arsenic - một chất rất quý hiếm ở quặng sắt vừa được tìm thấy. Ông Ngọc giải thích xong, vị thủ tướng mới gật gù quay về bàn chủ tịch. Những “phiên làm việc chớp nhoáng” như thế hay diễn ra dù thủ tướng đang xem triển lãm, đang nghe ca nhạc, đang dự hội thảo…

Co Tong bi thu Do Muoi trong ky uc vi thu ky gia
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười

Ông Đỗ Mười cũng thường quan tâm thư ký hay bộ trưởng nào đó có đọc cuốn sách hay nào đó hay chưa. Theo yêu cầu của Thủ tướng, mỗi thư ký, bộ trưởng phải đọc mỗi ngày vài trăm trang sách. Sách do Thủ tướng chọn và chỉ định. Riêng ông Ngọc, có đợt, ngày nào ông cũng được Thủ tướng nhắc nhở: “Chú đã đọc tới cuốn thứ mấy của bộ Miti rồi? Chú làm việc với tôi thì phải sớm đọc hết bộ đó mà hiểu cách tổ chức của chính phủ Nhật Bản nhé!”. 

Từ sách chính trị, kinh tế, khoa học, cho đến tiểu thuyết - đọc hàng ngàn cuốn sách trên mọi lĩnh vực, nhưng ông vẫn kính cẩn trân trọng sách vở. Một lần dừng mắt trước cuốn Tư bản luận trên bàn làm việc của Thủ tướng, thư ký Ngọc được nghe ông chia sẻ: “Tôi đọc cuốn này nhiều lần rồi, lần nào tôi cũng ghi ra những ý chưa hiểu để tìm hỏi chuyên gia. Cứ vậy đến lần thứ bảy tôi mới tạm yên tâm về nó”. 

Lần gần đây nhất, khi ông Ngọc đã chuyển về TP.HCM ở từ lâu, qua một cuộc điện thoại hỏi thăm, vị lãnh đạo năm xưa vẫn hào hứng hỏi vị thư ký cũ: “Nay chú đang đọc cuốn gì thế?”. Vừa nhắc tên cuốn sách về thiên văn học mình đang đọc, vị nguyên Tổng bí thư khi ấy nhiệt thành hưởng ứng: “Nghe hay thế, chú gửi ra đây giúp tôi một cuốn nhé!”. Đó là bưu phẩm cuối cùng của vị thư ký cần mẫn năm cũ, với một trong những vị chính khách hàng đầu Việt Nam.

Không có gì là xa lạ

Tưởng chừng đã trọn vẹn những hình dung về ông, nhưng phải đến những ghi nhớ của bà Nguyễn Định Tân, tôi mới hình dung hết những khía cạnh đời thường, dung dị của vị nguyên Tổng bí thư đã dành cả đời cho đất nước.

Với bà Tân, suốt 12 năm làm “vợ thư ký thủ tướng” là 12 năm tự hào mà xót xa, căng thẳng nhất của một người vợ. Thủ tướng làm một ngày 3 buổi, lại sống tuyệt đối đạm bạc. Mọi cuộc họp hành, làm việc đều không có khái niệm giờ giấc, lại được cắt giảm hoàn toàn phần “tiệc tùng” cuối buổi. Hễ đi cùng Thủ tướng thì tất cả cán bộ thân cận phải quay về cơ quan, hoặc về nhà ăn phần cơm ngày thường, bất kể phiên làm việc quá giờ và đơn vị tổ chức đã bày bữa sẵn sàng. Hầu như, ngày nào bà Tân cũng đón chồng về trong trạng thái rũ rượi mà vẻ mặt vẫn bần thần nghĩ về công việc.

Co Tong bi thu Do Muoi trong ky uc vi thu ky gia
Thư ký Ngọc đang đọc lại từng lời bút phê ghi bên lề tài liệu của ông Đỗ Mười

Có đợt, ông Ngọc 4 lần bị xuất huyết dạ dày vì làm việc quá sức. Cả văn phòng, tư gia của Thủ tướng và những cán bộ thân cận đều chỉ được sắm sửa những vật dụng thiết yếu. Nhà thư ký thủ tướng không được trang bị điện thoại. Nhiều khi đến khuya vẫn không thấy chồng về, sợ giữa đường gặp chuyện, bà Tân cùng người nhà hớt hải chia nhau đi tìm cho đến khi biết chắc ông vẫn còn làm việc trong văn phòng thủ tướng. 

Bao nhiêu ngày chồng công tác ở văn phòng thủ tướng, là bấy nhiêu ngày bà Tân phải cẩn thận gói ghém thức ăn cho chồng… chống đói vì làm việc quá bữa. Ông Ngọc nhớ, trong một lần xuống một đơn vị hải quân ở Hải Phòng để xem một chiếc tàu biển mới được trang bị, đến phần “ăn trưa”, thủ tướng một mực từ chối, khẳng định “phải về để kịp công việc”.

Lên xe đi được một đoạn, ông quay qua hỏi vị thư ký: “Hôm nay cô Tân gói cho chú món gì?”. Ông Ngọc vừa lấy túi thức ăn ra, vừa thưa thật: “Em thì chỉ có khoai luộc với xôi trắng thôi”. Vị thủ tướng vừa một mực từ chối tiệc tùng giờ vui vẻ nói: “Chú cho tôi xin một miếng!”. Hai người đàn ông chia đôi phần ăn với cấp dưới, khen: “Ăn vậy mới thích, chứ ăn uống bia bọt mà bằng một năm thu nhập của bà con, làm sao tôi nuốt nổi?”.

Là con gái của một gia đình tư sản Hà Nội, quen cách sống thoải mái, nhìn những cần kiệm của một trí thức cấp cao là chồng mình khiến bà Tân xót xa, khó hiểu, thậm chí bất bình. Thế nhưng, trong một buổi tối, khi nghe người nhà thông báo “có thủ tướng ghé thăm”, vừa cùng chồng chạy ra đã thấy ông Đỗ Mười quấn một chiếc khăn trên đầu, cùng một bảo vệ đi bộ đến trước nhà, bà mới giật mình, vỡ lẽ. Từ phố Hàng Chuối, ông đã đi bộ gần 3km để sang nhà thư ký ở đường Trần Nhân Tông chỉ vì “bà con đi bộ được sao mình phải phụ thuộc ô tô?”.

Đợt đó, Thủ tướng sắp có chuyến công tác nước ngoài. Sẵn gặp mặt thân mật tại nhà riêng, thư ký Ngọc góp ý: “Anh sang nước ngoài công tác phải ăn mặc com-lê, giờ thời buổi khác rồi, anh phải diện lên mới được”. Vốn tính vui vẻ, xởi lởi, bà Tân cũng góp lời xui Thủ tướng “phải sắm nhiều áo mới để tiếp khách”. Nghe vậy, Thủ tướng cười hiền, nhìn xuống bộ đồ mình đang mặc, nói giọng vui vẻ: “Tôi mặc vậy là đẹp chán so với đồ của bà con đó chứ!”. Cười xuề xòa “thỏa hiệp” với Thủ tướng, nhưng cũng từ đó, bà Tân không còn ấm ức khi thấy chồng phải đạp xe đạp đi làm, hay phải sống tối giản, khước từ tiện nghi mỗi ngày. 

“Bà con”, “nhân dân” là một “nhân vật chung” ông hay so sánh để “đối phó” với mọi đề nghị “cắt giảm giờ làm việc”, “gia tăng tiện nghi” của ban cố vấn. Và những lần xuất hiện của “nhân dân” chính là những cơ hội để người thân cận như thư ký Ngọc được hiểu rõ con người kỳ lạ của ông. 

Một lần đi cùng Thủ tướng đến cuộc họp Quốc hội, thư ký Ngọc chứng kiến một vị tướng công an đến báo cáo với Thủ tướng rằng, đồng bào đứng trước trụ sở rất đông đòi Thủ tướng ra họp, đồng thời truyền đạt đề nghị của bộ phận an ninh, giữ Thủ tướng trong phòng vì sợ dân manh động. Ông bình thản nói: “Chẳng việc gì phải sợ dân, trước đây dân nuôi mình, giờ mình trưởng thành rồi sao sợ dân?”. Ông nói rồi đi về hướng vị tướng công an nọ chỉ.

Ông vừa xuất hiện, hàng trăm người dân đứng đó vỗ tay, lao xao nói: “Bác Mười ra!”. Ông vững vàng đứng đó, thân tình nói với dân: “Thư của đồng bào đâu đưa hết đây cho tôi”. Ông tự tay nhận từng lá thư rồi chuyển sang thư ký, nói: “Tôi trực tiếp chuyển thư đến những nhà khoa học để tìm câu trả lời cho bà con. Giờ bà con về nhà đi, tôi phải đi họp tiếp”. Người dân trật tự để ông rời đi. Đi được một đoạn, ông quay qua nói công an: “Đấy có sao đâu mà các chú sợ? Sao sợ dân?”.

***

Vị thư ký già chậm rãi dừng lại, rồi mếu máo cười khi đôi mắt đã rưng rưng: “Báo Phụ Nữ TP.HCM nhắn giùm tôi lời tiễn biệt đến bác Mười, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các cháu và đại gia đình của bác ấy. Tết năm nay vợ chồng tôi ra thăm thì bác ấy không nói được. Năm ngoái tôi ra, bác ấy còn khen: “Cuốn sách chú gửi tôi đọc hay quá!”. Rồi bác đùa một câu mà vợ chồng tôi hay nhắc rồi cười suốt, bác nói bác chỉ mong sống đến 108 tuổi thôi, vì bác nằm ở Bệnh viện 108”. Lúc này, bà Tân cũng bật cười. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI