Có nên giải thoát cho chồng khi mình bị ung thư?

06/05/2025 - 18:00

PNO - Hôn nhân không phải chỉ là sống cùng nhau những ngày khỏe mạnh, vui vẻ mà còn là chia sẻ cùng nhau những ngày khó khăn, đau ốm.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em bước sang tuổi 40 với suy nghĩ cuộc sống gia đình mình thật hạnh phúc và trọn vẹn, chồng tôn trọng vợ và có trách nhiệm với gia đình, 2 con đã trưởng thành, đứa đi làm, đứa sắp tốt nghiệp đại học. Em nghĩ từ đây về sau cuộc đời mình sẽ nhẹ nhàng hơn, mình có thời gian để sống cho bản thân. Nhưng không ngờ suy nghĩ đó đã sụp đổ khi em phát hiện bị ung thư.

Hơn 1 năm trôi qua với biết bao thay đổi từ sốc nặng, bàng hoàng, tìm kiếm cơ hội chữa trị rồi phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Dù phát hiện sớm nhưng do quá trình điều trị tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian, sức khỏe suy sụp, em phải xin nghỉ mất sức để tập trung chữa bệnh. Thương chồng con, em cố gắng chống chọi với đau đớn, mệt mỏi để cả nhà tập trung làm việc, học tập. Chồng em cũng hiểu và chia sẻ với vợ.

Tuy nhiên, chồng em mới hơn 40 tuổi, đang làm việc sung sức và thành công trong nghề nghiệp. Vợ chồng em không còn gần gũi nhau, bản thân em cũng thấy mình xấu đi, không còn quan tâm đến chuyện quan hệ vợ chồng, khoảng cách giữa cả hai xa dần, tình cảm nguội lạnh. Em nhiều lần nói nếu anh muốn chấm dứt thì em cũng đồng ý, chỉ mong anh để lại căn nhà cho mẹ con em. Chồng em nói em đừng suy nghĩ lung tung. Song, gần đây, em đoán biết có người khác đang quan tâm đến anh bởi anh hay nhận tin nhắn muộn, hay đi công tác tỉnh…

Vợ chồng em đã ở riêng phòng. Em hiểu và chuẩn bị tinh thần, chuyện gì đến sẽ phải đến. Em chỉ còn lo cho các con. Em nên cố níu giữ tới khi nào còn có thể hay chủ động đề nghị giải thoát cho anh?

Thanh Lương (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thanh Lương thương mến,

Phụ nữ hay tự mình cam chịu, nhận phần thua thiệt về bản thân, đôi khi trong cơn đau ốm ngặt nghèo cũng nghĩ nhiều cho chồng con. Vậy nhưng, điều đó chưa hẳn đã đúng. Hôn nhân không phải chỉ là sống cùng nhau những ngày khỏe mạnh, vui vẻ mà còn là chia sẻ cùng nhau những ngày khó khăn, đau ốm. Em đã theo liệu trình điều trị ung thư, chắc các bác sĩ đã nói với em về liệu pháp cặp đôi để vợ chồng có thể giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, cùng nhau điều trị bệnh.

Em đừng nghĩ: coi như thôi, ai có bệnh lo chữa, người không bệnh được tự do sống cuộc sống khỏe mạnh, mình cố níu giữ nhưng đến lúc họ muốn tách ra thì mình đành chấp nhận… Suy nghĩ đó chỉ đặt cuộc hôn nhân của em bên bờ vực đổ vỡ. Rồi đến lúc đổ vỡ thật, em lại đau khổ, dằn vặt. Khi hôn nhân đổ vỡ, gia đình không trọn vẹn, tất cả thành viên đều ít nhiều bị tổn thương.

Vậy nên, em hãy nói chuyện với chồng con, cố gắng chia sẻ với họ những nỗ lực chống lại bệnh tật, những bước tiến, những cải thiện trong điều trị và đón nhận tình cảm yêu thương, sự giúp đỡ của mọi người. Hãy coi quá trình điều trị như một trải nghiệm đặc biệt, hữu ích cho cả nhà trong việc vun bồi sự cảm thông, đồng điệu, rèn luyện ý chí, chống lại nghịch cảnh.

Em cũng nên cố gắng quan tâm, trò chuyện, lắng nghe chồng để anh ấy có thể chia sẻ những niềm vui, những thành công của mình với vợ. Em đã phát hiện bệnh trong giai đoạn có thể chữa trị, hãy tin sức khỏe của em sẽ được cải thiện, cuộc sống của em sẽ tốt lên, chất lượng hơn. Hãy giữ niềm tin, niềm hy vọng cho bản thân và cả gia đình. Đừng đóng kín tâm tư tình cảm, đừng làm cho giao tiếp gia đình trở nên nghèo nàn, đơn điệu. Nhìn em lạc quan, suy nghĩ tích cực, quyết tâm chữa bệnh, chồng con em sẽ được tiếp thêm nghị lực sống. Mong em giữ tinh thần, sức khỏe và sự ấm áp cho cuộc sống gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI