Chuông vàng vọng cổ và “bài toán khó”

28/09/2022 - 20:04

PNO - "Chuông vàng vọng cổ" đã tìm ra ba giọng ca xuất sắc nhất. Nhưng mùa thi thứ 17 khép lại cùng niềm vui và cả những âu lo.

Không thể phủ nhận những nỗ lực đáng nể của ban tổ chức (BTC) sau 17 mùa thi. Đến nay, có lẽ Chuông vàng vọng cổ là sân chơi dài hơi nhất trên sóng truyền hình. Điều này càng có ý nghĩa hơn, bởi giữ độ bền cho một chương trình mang nhiều yếu tố dân tộc là điều không đơn giản giữa rừng game show với đủ màu sắc hiện đại. Từng có thời gian, hàng loạt game show về cải lương liên tục xuất hiện, nhưng hầu hết đã tạm dừng sau một vài mùa lên sóng. Riêng Chuông vàng vọng cổ vẫn bền bỉ với thời gian, và trở thành thương hiệu không thể thiếu của Đài Truyền hình TP.HCM. 

Ba thí sinh đoạt giải cao nhất mùa thi năm nay chưa để lại nhiều dấu ấn cho người xem - ẢNH: T.V
Ba thí sinh đoạt giải cao nhất mùa thi năm nay chưa để lại nhiều dấu ấn cho người xem - ẢNH: T.V

Năm 2021, khi dịch bệnh hoành hành, Chuông vàng vọng cổ mùa thứ 16 vẫn tuyển sinh, và năng động thay đổi hình thức thi trực tuyến với hai vòng sơ tuyển và tuyển chọn. Vòng chung kết diễn ra trễ hơn gần ba tháng so với định kỳ, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả. 

Một trong những yếu tố khiến Chuông vàng vọng cổ luôn được khán giả chờ đợi, là sự đầu tư và nỗ lực không ngừng đổi mới của BTC. Từ một cuộc thi mang tính không chuyên ban đầu, Chuông vàng vọng cổ dần trở nên chuyên nghiệp hơn từ khâu tuyển sinh đến tổ chức các vòng thi. Một trong những thành công mang tính bước ngoặt là việc đưa thêm ban huấn luyện vào hỗ trợ thí sinh ở vòng chung kết. Sự có mặt của các huấn luyện viên ở vòng thi này giúp từng thí sinh phát huy hết sở trường và tài năng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp. 

Từ nhiều năm nay, Chuông vàng vọng cổ được xem là nơi tìm kiếm, bổ sung nguồn diễn viên tiềm năng cho sân khấu cải lương. Hầu hết các thí sinh đoạt giải cao từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đang là diễn viên chủ lực của các đơn vị nghệ thuật cải lương: Hồ Ngọc Trinh, Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Thị Luận, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thu Vân… Trong số đó, có những giọng ca đã vinh dự được phong danh hiệu NSƯT như Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Ngọc Đợi, Nguyễn Thu Vân… 

Đáng chú ý nhất là trường hợp của Hồ Ngọc Trinh, chuông Bạc mùa giải đầu tiên năm 2006. Giải thưởng này là bước đệm giúp cô gái nhỏ trưởng thành từ đờn ca tài tử gắn kết với nghệ thuật cải lương, và trở thành một tên tuổi được chú ý. Hồ Ngọc Trinh hiện đang là Phó Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Long An. Chị cũng vinh dự có tên trong danh sách được xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10/2022. 

Thành công trong việc “giữ lửa” và duy trì sức sống cho chương trình Chuông vàng vọng cổ, nhưng những mùa thi gần đây, BTC đang bị đặt trước thách thức không nhỏ là chất lượng của các thí sinh dự thi. Nguồn thí sinh đang dần cạn kiệt. Mùa thi năm nay, ba thí sinh đoạt giải gần như không để lại những ấn tượng đặc biệt cả về chất giọng lẫn khả năng diễn xuất.

Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM - chia sẻ: “Chất lượng thí sinh trồi sụt trong những mùa thi buộc chúng tôi phải quan tâm nhiều hơn nữa đến cách tiếp cận các đối tượng tiềm năng tham gia giải Chuông vàng vọng cổ . Đây là một thách thức chúng tôi phải vượt qua”.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng phát hiện tài năng mới chỉ là một yếu tố góp phần giữ gìn bộ môn nghệ thuật dân tộc này, điều không kém phần quan trọng là đào tạo nguồn để có một thế hệ nghệ sĩ tương lai tài hoa không kém các bậc tiền bối. 

Gia Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI