Chồng trở về

06/02/2024 - 16:14

PNO - Có thể thấy rằng, trong chính mỗi gia đình, những người thương yêu nhất đôi khi lại xúc phạm nhau nhiều nhất.

1. Vào những ngày đặc biệt trong năm như lễ tết, ngày giỗ của người thân, người công giáo thường xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên, cho người thân đã khuất….

Vào dịp cuối năm, những ý xin lễ thường là tạ ơn một năm đã qua gia đình được bình an, con cái có công ăn việc làm, đi đường xa bình an, hết bệnh đau… Trong Thánh lễ Chúa Nhật cuối cùng của năm tại một giáo đường, vị chủ tế đọc danh sách giáo dân xin lễ hôm ấy. Có một lời xin lễ khiến tôi chú ý: “Xin tạ ơn chồng trở về, theo ý một người xin”.

Chỉ một câu ngắn, nhưng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Tôi hình dung, trước khi có lời xin tạ ơn này là nước mắt, lo lắng, buồn thương, ẩn ức và không loại trừ việc ghen tuông. Một người chồng bội bạc hay vì lỗi lầm nào đó trong quá khứ, bây giờ quay về xin vợ tha thứ. Người vợ sau bao ngày tháng buồn giận, mong đợi, cả tức tối giờ mở lòng khoan dung…

Có ngàn lẻ một lý do để hình dung ra bởi cuộc sống hôn nhân chưa bao giờ phẳng lặng với bất cứ ai. Sóng to, bão lớn, thác ghềnh, khi cái tôi đẩy lên cao, hôn nhân như chiếc thuyền gặp bão giông, không chỉ giỏi chèo chống mà còn là sự mạnh mẽ quyết tâm cùng nhau vượt qua.

Tuy nhiên, dù bất cứ tình huống nào, cái kết có hậu là người vợ đã xin tạ ơn việc chồng trở về. Có thể hình dung nụ cười và cả nước mắt hạnh phúc về một cái tết đoàn viên. Thật sự là niềm hạnh phúc cuối năm của một gia đình. Quá khứ qua rồi, khép lại để nghĩ đến tương lai.

Trong cuộc sống mỗi gia đình không thể thoát được những biến cố: đau ốm, làm ăn thất bát, con cái học hành không như ý… Những điều khổ đau luôn có trong bất cứ gia đình nào, từng giai đoạn... Từ những biến cố đó, 2 con người với 2 tính khí hoàn toàn khác nhau nếu không khéo léo hòa hợp sẽ rất khó vượt qua. Những chuyện vặt vãnh trong đời thường đôi khi khiến mệt mỏi từ đó những câu nói nặng nhẹ, xúc phạm nhau lại xảy ra. Đôi khi chỉ vì những điều nhỏ nhặt mà vợ chồng không vượt qua được. Cuối cùng chia tay.

Có thể thấy rằng, trong chính mỗi gia đình, những người thương yêu nhất đôi khi lại xúc phạm nhau nhiều nhất. Vì cái tôi, vì bản tính riêng, vì tác động của bên ngoài… rất nhiều những sự việc trong cuộc sống ảnh hưởng đến hôn nhân. Bỏ qua, tha thứ tưởng là dễ với những người mà mình thương yêu nhất nhưng hóa ra lại không dễ.

2. Bạn tôi kể chuyện, chồng bạn hơn bạn 10 tuổi nên lúc nào bạn cũng cảm thấy “bé bỏng”, và anh ấy cũng quen coi bạn như đứa em nhỏ. Một lần con trai bạn hỏi: “Trong nhà mẹ yêu ai nhất?”. Bạn vô tư trả lời: “Mẹ yêu bố nhất, yêu con thứ nhì”.

Chồng bạn nghe vậy lấy tay cốc nhẹ lên đầu bạn và nói: “Người ta yêu con nhất rồi mới đến chồng, con hỏi thì càng phải nói là yêu con nhất chứ”. Bạn phụng phịu: “Thì em yêu anh nhất em mới nói vậy chứ”. Đến khi chồng không còn nữa, chị mới thấy điều mình nói là đúng, chị đã nói được lời yêu thương với anh lúc anh còn sống, chính tai anh nghe thấy, chính mắt chị đọc được nét hạnh phúc trên gương mặt anh khi ấy.

Đôi khi người trong nhà với nhau mà chúng ta nói ra lời yêu thương cũng còn dè dặt hay tự ái, “làm cao” không muốn/dám thổ lộ, cứ để tự hiểu ý nhau qua cách cư xử, thể hiện.

“Đã là vợ chồng còn bày đặt nói lời yêu thương làm gì, nghe sáo rỗng” - nhiều người cho là như vậy!

Thực tế, không ai từ chối lời yêu thương được nói ra từ miệng của người mình yêu thương. Mẹ yêu con, em yêu anh… Dễ nói làm mà sao, lại thành khó khi chúng ta là một gia đình?

Tết yêu thương, tết sum vầy, đoàn viên liệu mỗi người trong chúng ta dám bày tỏ tình yêu với người thân yêu như người vợ đã xin lễ tạ ơn chồng trở về?

                                                                                                                        Kim Duy  

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI