Chống lãng phí phải nghiêm như cấm đốt pháo

19/06/2013 - 07:29

PNO - PN - Hôm qua, 18/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, chế tài đưa ra phải đủ mạnh mới có thể ngăn chặn được nạn lãng phí đang lan rộng...

Đến nay, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa tròn bảy tuổi. ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, luật chỉ mang tính khẩu hiệu, hô hào, khó thực hiện. Kết quả, lãng phí không được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn.

ĐB Trương Thái Hiền đề nghị quy định về chống lãng phí phải được triển khai giống như cấm đốt pháo, sử dụng nón bảo hiểm khi tham gia giao thông... dần trở thành nếp văn hóa trong đời sống xã hội. Kiến nghị phải áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) than: “Chống lãng phí ở ta phần lớn là khuyến khích, động viên và cổ vũ chứ chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai lãng phí bao giờ, nên tôi nghĩ chưa được...”.

Chong lang phi phai nghiem nhu cam dot phao

Nhà vệ sinh Trường Tiểu học Long Sơn (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) giá gần 600 triệu đồng nhưng chỉ có 2 phòng nhỏ, thầy trò dùng chung, vừa nghiệm thu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn ảnh: Giaoduc.net.vn 

Đánh giá lãng phí gây hại không kém tham nhũng, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nêu ví dụ: “Lễ lạt, hội hè, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống... làm linh đình quá, tốn kém quá. Họp một buổi trực tuyến có khi tiết kiệm được tiền xây bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, đối tượng chính sách”. ĐB Huỳnh Thế Kỳ cho rằng, phải xác định được trách nhiệm người đứng đầu mới mong chống được lãng phí.

Nhận xét một số quy định còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) kiến nghị, phải làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền trong một số lĩnh vực đang có nhiều hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. “Bất động sản, nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng... phát triển theo phong trào, không cân đối cung cầu xã hội, gây lãng phí rất lớn. Hậu quả này là do chưa quy được trách nhiệm cho người có thẩm quyền, chưa kiểm soát được những đối tượng cơ hội, lợi ích nhóm...”.

“Bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay”. Nêu ra vấn đề trên, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thẳng thắn: “Sự lãng phí này bắt nguồn từ người quyết định đầu tư sai trái. Không ít trường hợp đằng sau là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra lãng phí”. Bà nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định cho được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khi đưa ra quyết định gây lãng phí.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI