Chồng không muốn dính dáng gì đến gia đình vợ giàu có

13/05/2022 - 17:00

PNO - Chính những người tự lập, tự mình vươn lên là những người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của mỗi đồng tiền kiếm được, giá trị của những sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em là con gái út trong gia đình có điều kiện. Ba má em kinh doanh giỏi nên gia sản tích lũy cũng lớn. Em gặp và yêu chồng em lúc học đại học. Anh học giỏi, tự tin có nhiều cơ hội để vươn lên mà không cần phụ thuộc vào bất cứ ai khác.

Lúc ra trường, chúng em làm đám cưới, em nghĩ ba má em cũng buồn vì em không chịu ở chung với ông bà. Nhưng đó là điều anh đã bắt em giao ước trước khi cưới: không dính dáng đến nhà vợ. 

Sau hai năm lấy chồng, ở riêng, những tưởng không có gì ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình, nhưng em đã lầm. Như có một bức tường khó chịu dựng lên bên trong con người của chồng em. Bất kỳ chuyện gì em làm khác ý anh, anh đều cho đó là thói “con nhà giàu”.

Khi có con, ai cũng muốn con mình được hưởng những thứ tốt nhất trong khả năng của mình, nhưng anh cấm ngặt, không cho em nhận tiền của ba má, thậm chí ba má cho quà em cũng phải cất đi, không để anh biết. 

Từ khi sinh, em nghỉ làm ở nhà chăm con, tiền lương anh đưa không đủ để lo mọi việc trong nhà, nhiều khi muốn mua sắm cái này cái kia cho mình, cho con, em phải hỏi xin má.

Hôm rồi ba em gọi anh ra nói chuyện, ý là ba má có tiền nên không muốn con gái phải chịu khổ, tiền ba má đâu có gì phi pháp, ba má muốn cho tiền em sửa nhà cho sạch sẽ, thuê người giúp việc lo việc nhà cho em đỡ vất vả.

Có vậy thôi mà anh giận em, nói em không chịu được thì về nhà ba má ở, anh không muốn nhà vợ can thiệp vào việc nhà anh.

Em khó xử quá không biết làm sao. Em biết tính chồng em cố chấp, nhưng thực lòng, nếu có người phụ giúp việc nhà cửa thì đỡ cho em biết bao nhiêu. Anh đâu có làm việc nhà mà biết em đã phải vất vả thế nào. Xin chỉ em cách làm sao để thuyết phục chồng em? 

Trúc Anh (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Trúc Anh thân mến, 

Tự ái của đàn ông “cao hơn núi, sâu hơn biển”. Lấy vợ giàu, sao tránh lời ra tiếng vào của bạn bè, người thân kẻ sơ, bởi vậy thường phản ứng đầu tiên là giữ kẽ, tỏ ra mình không cần đến tiền của nhà vợ, mình có thể tự lực tự cường. Để giữ vững được điều này cũng khó lắm đó em, em nên thông cảm nếu chồng có “gồng” lên quá mức.

Dù sao đi nữa, một anh chồng như vậy vẫn tốt hơn người theo hướng ngược lại: chăm chăm nhìn vào tài sản nhà vợ. Vậy nên bây giờ mình nhìn vào mặt tích cực trong tính cách của chồng em và tìm cách để ba má cũng công nhận mặt tích cực ấy. 

Em có thể đã được nuôi dạy như cô út trong một gia đình khá giả, nên bây giờ nhiều việc đối với em khá khó khăn. Đây là chỗ phải sử dụng “sức mạnh mềm” của phụ nữ, đừng tỏ ra mình có thể làm được tất cả, hãy cứ yếu đuối, nhờ cậy, nương tựa vào chồng và cảm ơn anh ấy.

Hãy tôn trọng bản lĩnh, sự tự tin của chồng, đừng dễ dãi đưa đồng tiền ra để so sánh. Với những thành tựu anh ấy đạt được bằng khả năng của mình, em hãy bày tỏ lòng tin, sự hãnh diện tự hào về chồng - đó là những điều tiền không thể mua được. 

Chính những người tự lập, tự mình vươn lên là những người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của mỗi đồng tiền kiếm được, giá trị của những sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm. Vậy nên, vai trò của em trong nhà là chiếc cầu nối giữa chồng và ba má, để các bên hiểu nhau hơn.

Ví như, nếu anh ấy không muốn dùng tiền của ba má, em hãy thuyết phục coi đó là một khoản vay mượn. Nếu vợ chồng vui vẻ, hạnh phúc, ba má cũng không can thiệp vào chuyện nhà em làm gì.

Nên tách biệt thái độ đối với đồng tiền và thái độ đối với những người thân. Người thân đâu có lỗi gì khi họ sở hữu một tài sản nhất định nào đó, có thể chỉ vì định kiến của mình, khiến cho tình cảm cũng bị chi phối theo.

Kiên nhẫn là điều em cần đến trong lúc này, chúc em hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần nhé. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • chinh 21-05-2022 13:47:10

    Hoàn cảnh của bạn cũng gần giống với mình bây giờ. Lấy chồng đã hơn tám năm, nhưng lúc nào mình cũng mệt mỏi, bởi không phải mình chồng như vậy, mà ngay đến cả mẹ chồng mình cũng vậy. Khi nhà ngoại có gì cho cháu, cho con, là bà tỏ ra khó chịu, rồi chọc ngoáy chồng mình, không muốn chồng mình dính dáng đến nhà vợ. Mỗi lần nhà ông bà ngoại có việc xin đến nhà ông bà chơi còn khó. Mình cảm thấy mệt mỏi vô cùng!

  • Kim 13-05-2022 18:22:15

    Theo tôi, bằng lời lẽ dịu dàng, và có cả yếu đuối như chị Hạnh Dung đã bày vẽ. Lựa những lúc thuận tiện, vui vẻ nhất em hãy nói chuyện một cách cụ thể với anh. Nếu không nhờ cậy, vay mượn tiền và sự giúp đỡ của ba má. Có nhiều người khổ đau trong hoàn cảnh này. Anh phải cực khổ lo toan, ba má buồn lo thương cháu ngoại thiếu thốn, con gái vất vả và đứa con rể quá tự trọng nên phải nhiều lo toan. Nhất là em hãy "đánh động" vào lòng thương con trẻ của anh ấy. Gợi mở cho anh thấy thời bây giờ, đa số trẻ con được ưu tiên, sung túc không chỉ tình cảm tinh thần mà cả vật chất. Mến chúc gia đình em luôn hạnh phúc, em được thoải mái nhiều hơn trong cuộc sống, cháu bé ngoan và mau lớn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI