Chờ vắc-xin dịch vụ, trẻ dễ đổ bệnh

11/04/2015 - 07:48

PNO - PN - Dù biết các loại vắc-xin dịch vụ “4 trong 1”, “5 trong 1”, “6 trong 1” đã hết hàng nhưng nhiều phụ huynh vẫn nhất quyết chờ, không đưa trẻ đi chích vắc-xin miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì không...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhất quyết chờ vắc-xin dịch vụ

Sáng 9/4, quầy hướng dẫn chích vắc-xin của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM) dán thông báo “Tạm thời hết thuốc tiêm ngừa Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim (5 trong 1), Tetraxim (4 trong 1). Để biết thông tin về thuốc tiêm ngừa, vui lòng liên hệ 1080”. Đọc thông báo, chị H.T.P. (ở Bình Dương) đang bế con gần bốn tháng tuổi lo lắng hỏi cô y tá về thời điểm có vắc-xin dịch vụ, thì được trả lời: “Vắc-xin dịch vụ không biết khi nào có trở lại, nên chuyển sang chích vắc-xin miễn phí vào sáng thứ Năm hàng tuần nhưng phải đi trước 9g”. Chị P. lại hỏi: “Chị có biết ở đâu chích vắc-xin dịch vụ không? Nếu chích vắc-xin miễn phí thì tôi đã cho bé chích lúc hai tháng tuổi rồi”. Khi nhân viên y tế cho biết, không nơi nào còn vắc-xin dịch vụ, chị P. bèn gọi taxi ra về.

Tại BV Q.Thủ Đức, kể từ lúc vắc-xin dịch vụ “cháy” hàng, không ít phụ huynh (PH) đến BV “canh chừng”. Mỗi ngày BV này tiếp nhận 20 - 30 cuộc gọi hỏi về vắc-xin dịch vụ. Dù nhân viên y tế giải thích nên chuyển sang chích vắc-xin miễn phí nhưng nhiều PH vẫn kiên quyết chờ vắc-xin dịch vụ. Phần lớn trong số đó, trẻ đã chích vắc-xin dịch vụ nên không muốn chuyển sang vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia.

Tại Viện Pasteur TP.HCM, mẹ của bé T.L. (bốn tháng tuổi) nói: “Cháu ở Gia Lai, đã chích được hai mũi vắc-xin dịch vụ, đến mũi thứ ba thì hết vắc-xin, phải đưa xuống Sài Gòn. Lỡ xuống đây rồi, không có vắc-xin dịch vụ thì đành chích vắc-xin miễn phí vậy”.

Ngay cả các trạm y tế, nơi có nhiệm vụ vận động PH đưa trẻ đến chích ngừa vắc-xin của CT TCMR cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hoa - nhân viên phụ trách CT TCMR quốc gia của Trạm y tế P.4, Q.3 rầu rĩ: “Kể từ lúc vắc-xin dịch vụ không còn hàng, có một số PH đã đưa trẻ đến trạm để chích vắc-xin miễn phí loại Quinvaxem (5 trong 1) nhưng số lượng này rất ít. Mỗi tháng, trạm tiêm Quinvaxem cho 20-25 bé. Trong số đó chỉ có hai - ba bé chuyển từ chích vắc-xin dịch vụ qua vắc-xin miễn phí. Căn cứ vào hồ sơ làm khai sinh tại UBND phường, khi trẻ đủ tuổi chích ngừa, chúng tôi gọi điện thoại, thậm chí đến tận nhà vận động PH đưa trẻ đến trạm. Thế nhưng, nhiều người dân chỉ quan tâm đến vắc-xin dịch vụ”.

Tại Trạm y tế P.7, Q.Phú Nhuận, một số gia đình đã đưa trẻ đi chích vắc-xin miễn phí nhưng tỷ lệ này vẫn còn rất ít, chỉ tăng thêm khoảng 10 bé mỗi tháng. Một bác sĩ ở đây kể: “Dù chúng tôi đã giải thích rằng, không có cơ sở nào còn vắc-xin dịch vụ, nhiều người dân vẫn không chịu chuyển qua chích vắc-xin miễn phí, dù vắc-xin miễn phí được chúng tôi bảo quản rất an toàn, kiểm tra trước - trong và sau khi tiêm đúng với quy trình tiêm chủng quốc gia. Họ không chịu chích thì mình cũng không ép họ được”.

Cho vac-xin dich vu,  tre de do benh

Một khách hàng đang hỏi về vắc-xin dịch vụ tại BV Nhi Đồng 2 (ảnh chụp ngày 9/4) và tỏ ra thất vọng khi hay tin hết vắc-xin

Nhiều trẻ mắc bệnh ho gà

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, có hai trường hợp mắc bệnh ho gà. Hai bé này đều chưa chích đủ các liều vắc-xin vì chờ vắc-xin dịch vụ. Trường hợp đầu tiên là bé H.T.V.H., 2,5 tháng tuổi. Lúc đầu bé H. chỉ sốt nhẹ kèm với các biểu hiện ho khan, hắt hơi, đau rát họng nên gia đình nghĩ bé bị bệnh đường hô hấp.

Thế nhưng, nhiều ngày sau, bệnh nhi ho liên tục, ban đêm ho nhiều. Xét nghiệm cho thấy bé V.H. bị bệnh ho gà. Bé L.M.H. (3,5 tháng tuổi) cũng trong tình trạng tương tự. Người nhà cho biết, lúc bé M.H. được hai tháng tuổi, gia đình đã đưa đi chích vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” - Infanrix Hexa. Lúc bé ba tháng tuổi, cần chích mũi thứ hai thì hết vắc-xin dịch vụ, gia đình không chuyển sang cho bé chích vắc-xin miễn phí.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lý giải: Nếu PH nào quan niệm vắc-xin miễn phí chất lượng không tốt là sai lầm. Bất cứ vắc-xin nào khi đưa vào sử dụng cũng đều đảm bảo tính an toàn, chất lượng, hiệu quả theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sở dĩ, vắc-xin của CT TCMR miễn phí là vì Nhà nước chi trả hết mọi khoản phí để bảo vệ sức khỏe toàn dân; còn vắc-xin dịch vụ thì người dân tự trả từ phí vắc-xin, công bảo quản, phí khám bệnh trước khi tiêm, phí tiêm…

Sự khác biệt giữa vắc-xin miễn phí Quinvaxem (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do Hib) so với vắc-xin dịch vụ Pentaxim, Infanrix Hexa là ở thành phần kháng nguyên. Nếu vắc-xin miễn phí Quinvaxem có kháng nguyên ho gà toàn tế bào với 2.000 - 3.000 kháng nguyên thì thành phần kháng nguyên ho gà trong vắc-xin dịch vụ Infanrix Hexa lại ở dạng vô bào, chỉ có ba loại kháng nguyên; còn vắc-xin dịch vụ Pentaxim chỉ có hai loại kháng nguyên. Vắc-xin có nhiều kháng nguyên thì đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo: Với vắc-xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) thì phản ứng thông thường như: sưng, nóng, đỏ đau, sốt sẽ cao hơn so với vắc-xin ho gà vô bào (vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1”). Chính điều này làm các PH lo lắng, nghĩ chất lượng vắc-xin không tốt.

Tuy nhiên, đánh giá việc sử dụng vắc-xin ngoài tính an toàn còn quan tâm đến tính sinh miễn dịch, tính ổn định và tính sẵn có. Với vắc-xin ho gà toàn tế bào, nếu tiêm ba liều cơ bản và một liều tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi thì miễn dịch sẽ lâu dài hơn. PH cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Với vắc-xin ho gà vô bào, sau khi tiêm bốn mũi (gồm ba mũi cơ bản và một mũi lúc 18 tháng tuổi) thì tiếp tục cho trẻ chích nhắc lại lúc bốn-sáu tuổi và sau 11 tuổi; thậm chí nhiều quốc gia triển khai tiêm cho cả thai phụ vào tuần thai thứ 27-36, để đảm bảo bảo vệ cho trẻ đến hai tháng tuổi. WHO khuyến cáo: với các vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, trẻ cần chích mũi cuối của ba mũi cơ bản không quá sáu tháng tuổi. Trẻ chích mũi đầu tiên trễ nhất lúc bốn tháng tuổi; nếu quá thời gian này mới tiêm ngừa thì việc phòng bệnh sẽ giảm.

Theo thống kê của thế giới, 60% ca mắc bệnh viêm màng não do Hib ở trẻ dưới một tuổi. Với bệnh ho gà xảy ra ở trẻ dưới sáu tháng tuổi, 72% trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, 84% trường hợp tử vong. 90% trẻ bị nhiễm viêm gan B lúc dưới một tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan.

Cũng theo PGS Phan Trọng Lân, với vắc-xin tiêm ba liều cơ bản như “5 trong 1”, “6 trong 1”, nếu PH chỉ cho trẻ tiêm một mũi thì chưa đủ khả năng bảo vệ cơ thể mà phải tiêm ít nhất hai mũi, thậm chí đến bốn mũi mới đủ miễn dịch lâu bền.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI