Chợ an toàn thực phẩm gặp khó vì... chợ cũ, tiểu thương lớn tuổi

13/11/2020 - 11:56

PNO - Những trở ngại này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) nêu trong báo cáo kết quả triển khai Dự án xây dựng mô hình Chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại TPHCM giai đoạn 2016–2020 với Uỷ Ban Nhân dân Thành phố.

Cụ thể, theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban QLATTP), thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ các tiểu thương kinh doanh tại chợ đã lớn tuổi, không biết chữ hoặc hiểu biết rất hạn chế nên khó khăn trong công tác tập huấn, phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về ATTP.

Đáng nói, ý thức của tiểu thương tham gia kinh doanh chưa cao, do đó công tác lưu giữ hóa đơn, chúng từ, ghi chép sổ sách theo dõi hàng ngày chưa được quan tâm chú trọng; ý thức giữ vệ sinh chung khu vực kinh doanh còn hạn chế, xả rác bừa bãi ngay tại nơi kinh doanh.

Nhiều chợ bị xuống cấp, đọng nước ở khu vực buôn bán thực phẩm
Nhiều khu vực buôn bán thực phẩm tại các chợ bị xuống cấp, đọng nước... rủi ro về an toàn thực phẩm

Bên cạnh đó, phần lớn các chợ truyền thống tại TPHCM được xây dựng từ lâu cộng với ý thức tự giác giữ gìn của tiểu thương chưa cao, do đó cơ sở vật chất, hệ thống xử lý nước thải đã có dấu hiệu xuống cấp; một số nơi gạch bong tróc, bám bẩn, đọng nước; nắp hố ga hư bể, hệ thống cống thoát nước kém, bốc mùi hôi...

Ngoài ra, theo ban quản lý các chợ, hiện nay do sự xuất hiện của các kênh phân phối hiện đại làm cho mãi lực kinh doanh tại chợ truyền thống giảm, khó kêu gọi tiểu thương đóng góp. Trong khi đó, các chợ phải tự cân đối và tự chủ tài chính nên gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa, cải thiện cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị dụng cụ để đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

“Nhân sự chuyên trách về ATTP tại tuyến quận, huyện còn hạn chế, tại tuyến phường của nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách nên khó khăn trong công tác giám sát ATTP. Tình trạng chợ tự phát, buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ô nhiễm môi trưòng, làm mất cảnh quan của chợ và ảnh hưỏng đến công tác quản lý ATTP tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố”, đại diện Ban QLATTP cho biết.

Để đẩy nhanh công tác xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP theo tiến độ đề ra, Ban QLATTP kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận, huyện hỗ trợ đơn vị quản lý chợ về kinh phí, chính sách trong cải tạo cơ sở vật chất chợ, đặc biệt là trang thiết bị; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh thực phẩm tự phát, không đảm bảo ATTP. Đồng thời, cơ quan chức năng quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP cho tiểu thương và ban quản lý chợ bằng nhiều hình thức, dễ tiếp thu.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI