Canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm

18/09/2020 - 18:01

PNO - Qua các cuộc giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm tại ba ngôi chợ truyền thống, vấn đề nổi lên là: chợ tự phát phát triển đến mức khó kiểm soát.

Vừa qua, Hội LHPN TP.HCM đã thực hiện chức năng giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại ba ngôi chợ truyền thống. Vấn đề nổi lên qua cuộc giám sát là: xung quanh các chợ truyền thống, chợ tự phát phát triển đến mức khó kiểm soát.

Chợ tự phát: khó kiểm soát!

Ở hẻm 80 đường Tân Phước và xung quanh chợ Thiếc (Q.11) là khu chợ tự phát với đủ các mặt hàng từ quần áo cho tới giò chả, thủy hải sản, gia cầm, rau củ quả… Hàng hóa không được đặt trên kệ sạp mà bày la liệt dưới lòng lề đường, trên nền đất, thậm chí gần cả khu vực cống rãnh. 

Làm việc với đoàn giám sát ngày 15/9, ông Phạm Hữu Hạnh - Trưởng ban quản lý chợ Thiếc - lý giải: có cầu thì sẽ có cung. Người dân nơi đây có thói quen đi chợ tự phát, vì chợ Thiếc không có bãi giữ xe. 

Để giải quyết bất cập này, theo ông Hạnh, UBND Q.11 cần phải sắp xếp để các hộ kinh doanh bày hàng lùi vào trong nhà. Ông cũng kiến nghị UBND Q.11 bố trí bãi gửi xe cho người dân khi vào chợ Thiếc.

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - dẫn đầu đoàn giám sát về an toàn vệ sinh ở chợ Thiếc (Q.11)
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - dẫn đầu đoàn giám sát về an toàn vệ sinh ở chợ Thiếc (Q.11)

Trong mùa dịch, sức mua sắm tại chợ Thiếc giảm 50% so với ngày thường, một số quầy sạp bị bỏ trống, trong khi xung quanh, đặc biệt là lối vào chợ ở hẻm 80 Trần Quý bị lấn chiếm biến thành chợ, hàng hóa bày biện không gọn gàng, mất an toàn cả về vệ sinh và phòng cháy chữa cháy. Ông Hạnh cũng cho biết, đội ngũ của mình chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở những tiểu thương buôn bán trong chợ, chứ ngoài chợ không thuộc chức trách.

Tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), đoàn giám sát ghi nhận tồn tại một số điểm kinh doanh gia cầm sống ở các tuyến đường xung quanh chợ và ban quản lý chợ cũng không có thẩm quyền giải quyết.

Nhầm lẫn chợ tự phát và chợ truyền thống

Nhiều người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn, không phân biệt được chợ tự phát xung quanh chợ truyền thống với chợ truyền thống; không biết rằng chỉ thực phẩm, hàng hóa trong chợ truyền thống thì ban quản lý chợ mới có thẩm quyền kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh và nguồn gốc.

Vẫn biết, đa phần bà con buôn bán ở các chợ tự phát đều khó khăn nên chính quyền không nỡ mạnh tay và chủ trương chung vẫn là tạo điều kiện để bà con làm ăn. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở góc độ trật tự lòng lề đường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong mùa dịch bệnh, thì công tác kiểm tra giám sát cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn. 

Trong những buổi làm việc, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã nêu băn khoăn về sự nhầm lẫn của một số người dân về chợ truyền thống và chợ tự phát. Bà đề nghị, ban quản lý chợ và các cấp quản lý tại địa phương (kể cả Hội LHPN các phường) cần tuyên truyền, thông tin để bà con hiểu rạch ròi hơn, từ đó biết cách lựa chọn cho mình thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn. 

Bà Huyền Thanh cũng đề nghị các cấp lãnh đạo phường, quận có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm ở cả những gánh hàng rong, tự phát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đối với các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống ở chợ truyền thống lẫn chợ tự phát. Có như vậy mới đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý kinh doanh, tạo điều kiện tốt cho tiểu thương chợ truyền thống hoạt động, trả lại trật tự lòng lề đường và hơn hết là đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI