Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Không kiểm soát chặt 'hàng chuyển tải', Việt Nam sẽ bị Hoa Kỳ 'trừng phạt'

25/10/2018 - 10:00

PNO - Chuyên gia kinh tế cảnh báo, hàng Trung Quốc (TQ) chuyển tải qua Việt Nam (VN) để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt, giả tạo thông qua doanh nghiệp (DN) nội địa hay FDI ở VN. Đây có thể là cớ để Mỹ trừng phạt VN.

Trong rủi ro có cơ hội

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright VN, hàng chuyển tải (transhipment) là hàng TQ xuất sang VN rồi dán nhãn VN và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát sẽ làm cho VN thành tâm điểm để Mỹ tấn công.

“Vừa qua, thép VN nhưng có xuất xứ từ TQ là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên 450% (gồn 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Khi Mỹ phát hiện, không chỉ DN VN bị trừng phạt mà là cả nhóm sản phẩm thép.

Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, dễ đưa VN vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của VN với Mỹ cũng rất lớn”, ông Thành dẫn chứng.

Bên cạnh đó, hàng TQ không xuất được sang Mỹ thì sẽ “đổ bộ” vào VN, như các mặt hàng vali, túi xách, đồ nhựa, hóa chất... DN sản xuất trong nước sẽ chịu sức cạnh tranh lớn hơn.

VN hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan VN, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017). Vị trí này đứng sau TQ, EU, Mexico, Nhật Bản. Đồng thời, VN là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 200%/GDP.

Ông Thành cảnh báo, nếu bị Mỹ đánh thuế trừng phạt, tác động lên nền kinh tế VN sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế TQ, EU, Mexico, Nhật Bản.

Chien tranh thuong mai My - Trung: Khong kiem soat chat 'hang chuyen tai', Viet Nam se bi Hoa Ky 'trung phat'
Nếu bị Mỹ đánh thuế trừng phạt, tác động lên nền kinh tế VN sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế TQ, EU, Mexico, Nhật Bản

Tuy nhiên, bên cạnh rủi ro kể trên, VN sẽ có lợi thế từ tác động của cuộc chiến tranh Trung – Mỹ. Cụ thể, trong 3 đợt áp thuế, hai đợt đầu chủ yếu tập trung vào máy móc, thiết bị, cơ khí,... ; Mỹ chưa đánh thuế vào hàng tiêu dùng để không ảnh hưởng ngay tới NTD Mỹ, đây là chiến thuật của Mỹ. Vì vậy, hai đợt đầu chưa ảnh hưởng tới VN.

Nhưng trong đợt 3, Mỹ bắt đầu đánh thuế hàng tiêu dùng, trong đó đồ nội thất chịu thuế 10% và có thể tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Nếu 32 tỷ USD đồ gỗ nội thất TQ xuất khẩu vào Mỹ bị đánh thuế 25% vào cuối năm nay thì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của TQ sẽ bị giảm khoảng 7 tỷ USD. Đây là cơ hội cho ngành đồ gỗ nội thất VN hưởng lợi thay thế.

Bên cạnh đó, trong cả 3 đợt đánh thuế của Hoa Kỳ, chưa có hàng may mặc, da giày nên nhóm hàng này của VN xuất sang Mỹ chưa bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến của VN đang xuất sang Hoa Kỳ khoảng 2,9 tỷ USD được hưởng lợi, khi nhóm hàng này của TQ xuất sang Hoa Kỳ bị đánh thuế 10%.

Cần ổn định chính sách tỷ giá, lãi suất

Theo ông Thành, việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh VN không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp VN tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Mỹ.

Đáng lưu ý, khó khăn lớn nhất cho cả TQ và VN không phải là tác động kinh tế trước mắt vì chưa nhiều, tác động lớn nhất và lâu dài là ảnh hưởng đến các chính sách vĩ mô, trong đó có việc điều chỉnh tỷ giá.

Chien tranh thuong mai My - Trung: Khong kiem soat chat 'hang chuyen tai', Viet Nam se bi Hoa Ky 'trung phat'
TS.Trần Du Lịch nhận định, thực chất những gì chúng ta đang nói về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là phần nổi của tảng băng

TS.Trần Du Lịch nhận định, thực chất những gì chúng ta đang nói về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là phần nổi của tảng băng. Quan trọng là phần chìm của tảng băng mới kéo dài. 

Qua nghiên cứu trên thế giới đánh giá, lịch sử phát triển của TQ qua 3 thời kỳ chuyển giao. TQ từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng vị trí này dần chuyển sang châu Âu rồi đến Bắc Mỹ. Giờ, TQ nghĩ rằng vị trí này sẽ trở lại, TQ lấy lại cái mình đã từng có.

Hai siêu cường này đang cạnh tranh, vấn đề không phải TQ lo lắng về thuế quan mà Uỷ ban đầu tư của Mỹ ngăn chặn toàn bộ việc chuyển giao công nghệ để ngăn chặn ý đồ của TQ là đứng đầu công nghệ thế giới. Trong cuộc cách mạng 4.0, nước nào mạnh về kinh tế, nắm kinh tế thì sẽ làm chủ công nghệ.

“Đây không đơn giản là cuộc chiến tranh thương mại, mà là cuộc cạnh tranh về địa chính trị, vị thế sẽ chi phối toàn bộ quan hệ toàn cầu. Vấn đề của VN không phải là “ngư ông đắc lợi”, tôi tin rằng Chính phủ đang nghiên cứu sâu để có cái nhìn trước mắt và chiến lược lâu dài để không ảnh hưởng đến DN, DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đã nói rõ chính sách hiện nay là duy trì ổn định; không sử dụng chính sách tiền tệ theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chúng ta không nên lo và chạy trước cái chưa diễn ra, quan trọng chính sách vẫn phải ổn định về vĩ mô, lãi suất, tỷ giá”, TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI