Chỉ số dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm thực phẩm ở Việt Nam: Ghi cho có!

18/09/2016 - 11:00

PNO - Rất nhiều sản phẩm thực phẩm bày bán trên thị trường hiện nay thường “bỏ qua” việc công bố thành phần dinh dưỡng trên bao bì. Một số chỉ công bố vài con số những chất có lợi cho sức khỏe.

Rất nhiều sản phẩm (SP) thực phẩm bày bán trên thị trường hiện nay thường “bỏ qua” việc công bố thành phần dinh dưỡng trên bao bì; một số khác chỉ công bố vài con số những chất có lợi cho sức khỏe, mà không đả động đến những chỉ số khác.

Khảo sát nhanh một số SP thực phẩm ăn liền hàng ngày phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… chúng tôi nhận thấy, nhiều SP thực phẩm ăn liền như giò, chả, mì, bún, bánh Trung thu… của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cũng hoàn toàn không công bố hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm. Hầu hết chỉ công bố thành phần nguyên liệu, cách sử dụng, phần chỉ tiêu chất lượng thông tin rất hạn chế, được doanh nghiệp đơn giản hóa bằng dòng chữ “chỉ tiêu chất lượng chủ yếu” và các nhà sản xuất (NSX) cũng chỉ công khai chỉ tiêu chất dinh dưỡng có lợi.

Chi so dinh duong tren bao bi san pham thuc pham o Viet Nam: Ghi cho co!

Chẳng hạn, với SP xúc xích phô mai (loại 200g), phần chỉ tiêu chất lượng chỉ ghi ngắn gọn: hàm lượng protid ≥ 12% khối lượng; hàm lượng NH2 < 45mg/ 100g khối lượng. Một loại bún gạo là nhãn hàng riêng của siêu thị thì thành phần chỉ tiêu chất lượng chủ yếu là độ ẩm ≤ 12%; protein ≥ 3,5%; Glucide ≥ 80%...

Có những SP dùng rất nhiều thành phần như chả giò, nhưng cũng chỉ công bố chỉ số duy nhất là protein, chẳng hạn chả giò hải sản của Công ty Cầu Tre, với rất nhiều thành phần, mỗi thành phần có nhiều chỉ số dinh dưỡng khác nhau, nhưng duy nhất chỉ ghi chỉ số protein 4,3% trên khối lượng (500g)…

Kiểm tra thử một chiếc bánh Trung thu mua tại một điểm bán ở đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM), trên bao bì chỉ ghi thành phần là bột mì, đậu xanh, trứng, đường… không có dòng thông tin nào liên quan đến chỉ số dinh dưỡng.

Trong khi đó, cách đây ít ngày, đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cảnh báo, một chiếc bánh có trọng lượng trung bình 176g cung cấp khoảng 648 kcal năng lượng. Lượng bột đường có trong một chiếc bánh như vậy tương đương với lượng đường của 2-3 chén cơm. Đường trong bánh Trung thu lại là dạng đường hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường huyết… Đồng thời, còn có một số chất béo, đạm khác trong bánh Trung thu, nếu người tiêu dùng (NTD) không cân đối khẩu phần ăn trong ngày có thể gây thừa chất, lâu dài có thể gây ra một số chứng bệnh.

Tương tự, SP chả lụa bày bán trong các siêu thị, ngoài tên sản phẩm, thành phần (thịt, muối, đường, một số chất bảo quản…) và trọng lượng; hoàn toàn không có hàm lượng dinh dưỡng (như chất béo, protein…).

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, dù đã có quy chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng trong SP thực phẩm, thực phẩm ăn liền nhưng công tác thanh tra, kiểm tra SP lưu hành hiện mới chỉ chú trọng đến việc kiểm tra xem thực phẩm có an toàn, vệ sinh hay không chứ chưa quan tâm đến giá trị dinh dưỡng trong SP.

Thực tế, NTD cũng rất muốn biết hàm lượng calories và các chất dinh dưỡng trong SP để tính toán khẩu phần ăn một cách khoa học. “Những quy chuẩn về chỉ số dinh dưỡng yêu cầu công bố trên SP đều đã có, NSX chỉ cần công bố trung thực để NTD biết mà sử dụng cho hợp lý. Cơ quan chức năng cũng chỉ cần đối chiếu thông tin NSX công bố với bộ quy chuẩn là biết NSX có trung thực hay không”, bác sĩ Diệp nói.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa công bố bảng thành phần dinh dưỡng mới trên bao bì SP, nhằm đưa ra những thông số chính xác hơn, bao gồm mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và các bệnh mạ n tính như béo phì hay tim mạch. Bảng thành phần dinh dưỡng mới cho phép NTD có thể chọn các SP dễ dàng hơn thông qua các thông số cụ thể. Các NSX sẽ phải sử dụng loại nhãn mới này trước ngày 26/7/2018. Tuy nhiên, với các công ty có doanh số bán mỗi năm ít hơn 10 triệu USD, thời hạn thi hành sẽ được lùi xuống một năm nữa. Những thay đổi của bảng công bố này sẽ giúp NTD hình dung ra được:

- Sản phẩm có bao nhiêu phần ăn.

- Kích cỡ mỗi phần ăn là bao nhiêu.

- Hàm lượng dinh dưỡng mỗi phần ăn cung cấp.

Các NSX sẽ phải chỉ ra số lượng thực, cũng như giá trị dinh dưỡng của vitamin D, canxi, sắt và potassium; cung cấp số lượng các vitamin và khoáng chất khác. Ngoài ra các thông tin còn được cập nhật dựa trên khoa học dinh dưỡng.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI