Chầm chậm ở Mường 'quên'

01/02/2019 - 06:00

PNO - Từ lâu, Mường Lựm (Yên Châu, Sơn La) đã là nơi kỳ lạ, bởi ở đó có rất nhiều cụ già sống trên trăm tuổi, các cụ sống thọ, khoẻ mạnh một cách… khó tin.

Từ lâu, Mường Lựm (Yên Châu, Sơn La) đã là nơi kỳ lạ, bởi đó là vùng đất từng trải qua cả nghìn năm vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên. Và bởi ở đó có rất nhiều cụ già sống trên trăm tuổi, các cụ sống thọ, khoẻ mạnh một cách… khó tin.

Ủ mình trong vòng tay mẹ núi

Nếu đi từ thành phố Sơn La, dọc theo QL6 khoảng 70km thì rẽ trái vào con đường ngược núi. Đường đã được đổ bê tông, đủ cho xe bốn bánh đi vào nhưng người đi vẫn phải tập trung tuyệt đối bởi đường đã nhỏ, lại dốc. Một bên là những rông núi cao vợi, một bên là vực sâu. Dốc Kháu Đáy loanh quanh từng bậc như chiếc thang (trong tiếng Thái, Đáy là thang).

Hết đoạn đường dốc dác cũng là lúc vực sâu không còn, chiếm trọn tầm mắt là những vạt đồi mềm mại, non mượt những bãi ngô. Còn bên này là dải hồ nước xanh biêng biếc. Rừng nguyên sinh bao quanh hồ đã mất, những tàng cây cũng không còn soi bóng, nhưng không vì thế mà đường vào Mường Lựm hết phần lãng đãng.

Cham cham o Muong 'quen'
Một góc Mường Lựm

Càng đi, cảm giác như đang vào chốn bồng lai càng thêm đậm. Người bạn đồng hành của tôi thốt lên: “Chả biết bồng lai thế nào, nhưng như thế này đã là tuyệt lắm!”

"Lựm" trong tiếng Thái nghĩa là quên lãng. Phó chủ tịch Văn hóa xã, ông Quàng Văn Quyết “ôn” lại lịch sử, rằng cái thời còn bị quan lang phìa tạo (tự trị) hành hạ, cả hai châu Mộc và châu Yên (nay là huyện Mộc Châu và Yên Châu, tỉnh Sơn La) mênh mông này đều chưa hề biết đến sự tồn tại của cái bản mà chúng tôi đang có mặt.

Người nơi đây sống âm thầm trong cả sự khắc nghiệt lẫn êm ái của núi rừng, họ không biết Mường mình thuộc sự “nhũng nhiễu” của ai. Cũng không ai biết đến sự tồn tại của mấy chục con người vẫn sống săn bắn hái lượm trong sương.

Đến một ngày đám lính săn của quan lang châu Yên mải theo con nai trắng lạc trong Lúng Co Bưng (lũng cây bương) tình cờ phát hiện ra những nếp nhà bé xíu, họ về báo với quan, quan vào nhận đất nhận người, đặt tên vùng cai trị mới của mình là Mường Lựm, tức là Mường bị bỏ quên lâu nay trong dãy núi xa.

Những tiên ông, tiên bà đã quá “bách niên giai lão”

Ông Quyết ôn lại lịch sử ấy trên đường đưa chúng tôi đến thăm các cụ trường thọ trong bản, ông gãi đầu gãi tai: “Tôi chỉ thống kể ở bản Lựm này thôi nhé, chứ kể hết thì lâu lắm: Trên 100 tuổi có các cụ Hoàng Thị Nhưa, Hà Thị Hóm, Quàng Văn Tuy, Hà Thị Lả, Hà Văn Sán, Hoàng Thị Oai… Từ 80 tuổi trở lên thì có đến hơn sáu mươi cụ (trên tổng số hơn 300 hộ, với dân số chỉ khoảng 1500 người)”.

Cham cham o Muong 'quen'
Những "tiên ông", "tiên bà" đã qua tuổi "bách niên"

Giữa nhà sàn, ngồi bên bếp lửa lom dom cháy là cụ Hoàng Thị Nhưa, 105 tuổi. Cái bếp lửa của cụ lạ lắm. Bồ hóng đen như nhựa đường nấu chảy, keo lại óng ánh. Đầu cụ vấn một lọn khăn nâu nhỏ, lơ phơ vài lọn tóc. Gò má cụ dăn deo, hóp lại, khiến cho hai bên lưỡng quyền cao vỏng, lúc cụ cười móm mém trông thật hóm.

Đặc biệt nhất có lẽ là làn da đã bước qua kiếp nhân sinh theo lẽ thường của cụ. Những vết thâm chàm như vỏ chuối chín kỳ trứng cuốc. Trên tay cụ là tấm khăn piêu thêu dở. Cụ nheo nheo đôi mắt, những đường kim chắc, gọn xuyên qua lớp vải dày, từng hoa văn rực rỡ sắc màu dần hiện lên.

Cụ Nhưa bảo: “Phụ nữ Thái ở Mường Lựm này ai cũng biết thêu áo, thêu khăn, làm chăn, làm đệm từ khi còn bé... Những lúc rảnh rỗi tao vẫn thích được thêu thùa giúp con cháu; cái chân bây giờ đã không khoẻ nữa, nhớ núi nhớ ruộng lắm, nếu không làm thì thấy cái tay cũng buồn theo”.

Cụ thủng thẳng: “Ở đây còn nhiều người sống thọ, sống khoẻ hơn tao. Chúng bay cứ sang bản Nà Hát gặp bà Hôm, 100 tuổi rồi mà tuổi vẫn đi nương, ngay bên kia thì có bà Hóm, 107 tuổi rồi đấy”.

Cham cham o Muong 'quen'
Cụ Hà Thị Hóm, người sống thọ nhất ở Mường "quên"

Chúng tôi sang nhà cụ Hà Thị Hóm. Cụ sinh năm 1912, gày gò, đang một mình lụi cụi trong nhà sàn rộng thênh thang. Cụ cũng ngồi bên bếp lửa, bập bõm vài từ tiếng Kinh, cụ cười móm mém: “Tao nấu cơm, chúng nó đi làm về thì ăn”. Bao năm qua, các con, cháu chắt của cụ đi nương đi rẫy mà chẳng bao giờ phải lo đến việc cơm nước ở nhà, bởi cụ Hóm đã làm cả.

Lưng hơi còng, cụ nhấc cái nồi trên bếp lửa, vung vừa he hé đã nghe mùi thơm ngào ngạt. Ông Quyết bảo, người Mường Lựm chỉ ăn cơm nếp thôi, đơn giản lắm, cơm nếp ăn với muối vừng; hôm nào sang hơn thì có quả cà chua chưng lên với cá khô.

Cụ Hóm vẫn minh mẫn lạ kỳ, cụ bảo mình có gần hai mươi đứa cháu và hơn ba chục đứa chắt nội, ngoại rồi. Cụ Hóm vừa đọc tên từng đứa vừa trải cơm nếp trắng ra cái nong cho nguội, cụ vo từng nắm rồi đưa cho chúng tôi. Tôi còn chưa kịp cảm ơn đã bị cuốn vào nụ cười móm mém, hồn hậu của cụ; nụ cười ấy, đến tận bây giờ vẫn còn khiến chúng tôi thấy ấm lòng.

Nhi nhiên giữa đại ngàn

Sang bản Luông, hai vợ chồng cụ Quàng Văn Tuy và Hà Thị Lả cũng đều ở ngưỡng bách niên. Cụ bà Hà Thị Lả mắt sáng quắc, tóc bạc để dài búi cao, vành tai to, đeo khuyên mấn cẩn thận, tay loẻng xoẻng vòng bạc, cụ cũng đang lúi húi nấu cơm nếp để con cháu đi nương về có cái bỏ vào bụng.

Cham cham o Muong 'quen'
Như nhiều người già trong bản, cụ Lả ở nhà nấu cơm nếp phục vụ đàn con, cháu đi nương.

Chúng tôi hỏi một câu tò mò rất… cũ: “Cụ có thuốc thang, có bí quyết gì để sống lâu và minh mẫn thế không?”, cụ Lả nói: “Chỉ uống rượu với lá cây trên rừng thôi, cái thứ lá cay cay như mùi hạt tiêu ấy. Chứ ăn uống, quanh năm cơm nếp với muối vừng, muối lạc mà”.

Chẳng biết có phải vì cái thứ rượu lá ấy không, nhưng cụ cứ thơi thới, ăn được ngủ được, càng sống càng minh mẫn. Hai cụ buồn một nỗi, bây giờ chỉ uống ba, bốn chén rượu là đầu óc đã lơ mơ. Cụ Tuy nhắm tịt cái hốc mắt sâu của mình lại rồi chỉ lên vách nhà, trên vách là cái sừng nai nhiều chạc bóng nhoáng, lông trán còn tua tủa, ken cả bụi bặm và chút bồ hóng. Tất cả “gia tài” của hai cụ đều nằm đủng đỉnh trên các nhánh sừng, đây là coóng tẩu đựng cơm non và xôi nếp, đây là túm thuốc lá, túm chè mạn...

Cham cham o Muong 'quen'
Những bếp lửa giữa nhà sàn luôn toả khói lơ mơ

Ngày còn trẻ, hai cụ cũng đi nương trỉa ngô, tra lúa để nuôi đàn con, cứ uống nước lã ăn quả xanh mà chẳng bao giờ làm sao. Chúng tôi tò mò: “Hay là tại nước hồ Lốm có khoáng chất gì, thưa cụ?”, giọng cụ Tuy sang sảng: “Tao cứ sống thôi. Chả biết đâu”.

Ông Phó chủ tịch văn hóa xã vừa phiên dịch vừa đỡ lời: “Cũng có thể, vì nước ở đây luôn xanh. Chẳng biết những mó nước trong vùng có khoáng chất gì. Chỉ biết là ở đây không có ai bị bướu cổ (trong khi các khu vực lân cận rất nhiều). Cán bộ trạm y tế ở đây cũng rất nhàn, vì số người ốm bệnh quá ít”.

Người Mường Lựm bao đời vẫn sống yên bình trên đất này, với các cụ như tiên ông, tiên bà giáng thế; nên dường như không ai nghĩ sống 100 tuổi là quá già, và trên 100 tuổi cũng không phải là điều lạ. Ngẫm nghĩ một lát, ông Quyết nói như reo: “Mà có khi vì ở đây chẳng bao giờ biết đến ô nhiễm. Trồng được gì, nuôi được gì thì ăn thứ đó. Hầu hết mọi người không bao giờ đi đâu quá đất Mường Lựm, quá hồ Lốm; không hiềm tị, toan tính điều gì, cứ giản dị sống với núi, với rừng vậy thôi…”

Bài, ảnh: Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI