Cấp giấy chủ quyền nhà, đất: Bao năm chấn chỉnh dân vẫn khổ trăm bề

14/03/2020 - 08:23

PNO - Từ khi Luật Đất đai 2003 ra đời đến nay đã 17 năm, đã trải qua không biết bao nhiêu lần sửa đổi, bổ sung nhưng người dân vẫn khổ trăm bề mỗi khi “xin” giấy chủ quyền.

Lỗi cán bộ, dân lãnh hậu quả

Tại buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM về việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chủ quyền cho người dân ngày 12/3, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã kể nhiều câu chuyện khiến người dân rất khổ khi xin cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Cụ thể, tình trạng một thửa đất, ngành tài nguyên cấp quyền sử dụng cho nhiều người vẫn xảy ra nhiều nơi. 

Việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về cho các chi nhánh theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM  hòng tránh quá tải hồ sơ, vẫn đang gặp nhiều tranh cãi - ảnh: H.H.
Việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về cho các chi nhánh theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hòng tránh quá tải hồ sơ, vẫn đang gặp nhiều tranh cãi - ảnh: H.H.

Điển hình, tại huyện Bình Chánh, hiện tòa án nhân dân huyện này đang thụ lý vụ hai người dân sở hữu hai sổ đỏ trên một mảnh đất, trong khi lỗi này không phải của người dân. Đối với những trường hợp này tòa tuyên xử cho ai thắng, người còn lại đều có quyền khởi kiện, yêu cầu ngành tài nguyên bồi thường cho mình, do đây là đối tượng làm sai.

Đại diện đoàn giám sát thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP.HCM kể một vụ việc khác tương tự xảy ra tại huyện Nhà Bè. Đến nay vụ việc này đã kéo dài khoảng sáu năm nhưng vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Có hai người dân bị chính quyền cấp trùng hồ sơ cho một thửa đất. Người dân phát hiện, yêu cầu đơn vị cấp giấy điều chỉnh diện tích thì cơ quan chức năng lại đề nghị họ tự… thuê công ty đo đạc, sau đó hoàn thiện hồ sơ rồi lên xin cấp lại giấy chủ quyền. 

Nhiều vấn đề bất cập, thậm chí vi phạm của cán bộ được các đại biểu chỉ ra trong cuộc họp
Nhiều vấn đề bất cập, thậm chí vi phạm của cán bộ được các đại biểu chỉ ra trong cuộc họp

Người dân kêu cứu khắp nơi, vừa qua, Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM phải ký gấp công văn yêu cầu lãnh đạo huyện Nhà Bè nhanh chóng giải quyết cho dân. “Chính anh là người cấp giấy chủ quyền sai cho dân, giờ tiếp tục đẩy khó cho dân là không thể chấp nhận được” - đại diện UBMTTQ TP.HCM nói. 

Theo các đại biểu, còn nhiều vụ việc khác liên quan đến cấp giấy chủ quyền nhà, đất làm khổ người dân. Dù vụ việc không lớn, nhưng có người phải khiếu nại, tố cáo đến nhiều cấp, ra đến tận Văn phòng Chính phủ mới giải quyết xong. 

Dân không sai vẫn… khổ 

Trong rất nhiều lý do dẫn đến hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà, đất của người dân bị trễ hẹn, tồn đọng như: cán bộ yếu, thiếu, vướng mắc quy định pháp luật… thì nay người dân TP.HCM lại có thêm một lý do nữa là xây nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng được cấp. Dù biết lỗi này không sai nhưng các cơ quan chức năng gỡ mãi không ra và người dân lại lãnh hậu quả. 

Theo các đại biểu tham dự buổi giám sát về việc cấp giấy chủ quyền của HĐND TP.HCM ngày 12/3, thực trạng trên rõ ràng không phải là hành vi xây dựng sai phép. Thế nhưng, cho tới giờ này, không cấp nào đưa ra một quy chuẩn thống nhất, đồng bộ làm căn cứ chung để giải quyết. Trong khi một số nơi lại nhận thức đây là hành vi xây dựng sai phép, từ đó chẳng những không cấp chủ quyền cho người dân mà còn… xử phạt họ. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND Q.12 nói: “Đây là sự cứng nhắc của chính quyền, rất tội cho người dân. Khi xin giấy phép xây dựng, thông thường người dân sẽ xin diện tích tối đa được cho phép. Nhưng trong quá trình thi công, có rất nhiều lý do dẫn đến họ xây ít hơn giấy phép được cấp, thậm chí trong quá trình thực hiện tài chính không cho phép thì làm sao người dân xây đủ diện tích. Vì lý do này mà xử lý họ là không phù hợp”.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho rằng, vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn: “Nếu việc xây dựng không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc theo giấy phép xây dựng được cấp; không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình; không thuộc trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng…” thì cấp giấy chứng nhận cho người dân. Nhưng hướng dẫn này chưa rõ nội dung cơ quan nào có thẩm quyền xác định những tiêu chí nói trên. Do đó, dù đã có hướng dẫn nhưng vẫn khiến Sở TN&MT… đau đầu.

Vẫn loay hoay tìm lối ra 

Tại buổi giám sát, Sở TN&MT TP.HCM đã báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc cấp giấy chủ quyền khiến nhiều đại biểu không khỏi “giật mình”. Cụ thể, có ba chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của Q.3, Q.6 và Q.7 thực hiện bằng phiếu khảo sát với chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 886/915 phiếu (tỷ lệ 96,8%), trong đó chỉ có 25 phiếu không hài lòng, bốn phiếu đánh giá bình thường. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cần Giờ đến nay vẫn chưa thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân. Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cùng 20 chi nhánh còn lại thì khảo sát qua kiosk (ấn nút), cho biết, tỷ lệ hài lòng đạt trên 99%. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TPHCM giải thích nguyên nhân chậm trễ trong cấp giấy chủ quyền
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TPHCM giải thích nguyên nhân chậm trễ trong cấp giấy chủ quyền

Thế nhưng, khi được đoàn giám sát yêu cầu làm rõ con số này, giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.6 thú thật: “Đơn vị phát ra khoảng 310 phiếu khảo sát nhưng số phiếu thu lại rất ít, do người dân, doanh nghiệp không điền hoặc không trả lại phiếu”. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.3 và Q.7 cũng thừa nhận, tỷ lệ phiếu thu về sau khi phát ra rất ít, chỉ khoảng 1/3 tổng số phiếu. 

Theo ông Phạm Đức Hải - Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, tình trạng doanh nghiệp kêu gào vì bị Sở TN&MT TP.HCM “gây khó dễ” còn rất nhiều. “Con số thống kê việc giải quyết hồ sơ trong sáu tháng cuối năm 2019 đã nói lên điều đó với tiến độ chỉ đạt 7.787/11.872 hồ sơ. Sở TN&MT TP.HCM nên giải thích việc này” - ông Hải đề nghị. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nói: “Việc chậm trễ này là do phải trải qua nhiều công đoạn, nhất là về thuế. Công đoạn này rất lâu. Nếu doanh nghiệp tự lo thì mình giải quyết chỉ mất một tháng, còn sở làm luôn có khi mất đến sáu tháng”.

Theo ông Thắng, để kéo giảm hàng ngàn hồ sơ trễ hẹn tại hệ thống văn phòng đăng ký đất đai thành phố, vừa qua, sở đã có tờ trình, kiến nghị UBND TP.HCM cho phép sở ủy quyền về các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện ký giấy chứng nhận. Nếu được UBND thành phố chấp thuận sẽ chấm dứt quy trình lòng vòng: chi nhánh tiếp nhận, thụ lý, trình Văn phòng đăng ký đất đai thành phố kiểm tra, ký giấy chứng nhận rồi gửi ngược về chi nhánh, trả cho người dân. 

Tuy nhiên, được biết trước đây quy trình này đã từng được áp dụng nhưng xảy ra nhiều bất cập, do các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ký vô tội vạ, dẫn đến nhiều sai sót trong cấp giấy chủ quyền. 

Tuyết Dân 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • hoa 14-03-2020 23:17:24

    Xin nhờ anh chị báo chí hỏi coi chừng nào quyết định 60 mới điều chỉnh hướng dẫn cho người dân vì đợi lâu rồi mà vẫn giậm chân tại chỗ

  • Mata 14-03-2020 08:41:52

    Tôi chỉ xin có mỗi cái sổ tạm trú thôi mà còn bị hành cho lên bờ xuống ruộng, nói gì đến giấy tờ nhà đất ! Bao nhiêu chính sách vì dân tốt đẹp của chính phủ ta đã trở nên méo mó chính bởi rơi vào tay những cá nhân, cơ quan thực thi vô cảm như thế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI