Các vấn đề của ngành giáo dục làm nóng nghị trường Quốc hội

26/03/2021 - 06:27

PNO - Theo báo cáo của Chính phủ, giáo dục Việt Nam có những tín hiệu khả quan và đang cất cánh nhưng theo một số đại biểu Quốc hội, ngành này vẫn còn nhiều vấn đề khiến cử tri và phụ huynh than phiền.

Bị than phiền từ nghị trường ra cuộc sống

Chiều 25/3, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) chỉ ra thực tế, Việt Nam vẫn đang loay hoay trong vấn đề đổi mới giáo dục và chưa xác định được những khó khăn để có sự đầu tư đúng mức. Đặc biệt, có những vụ việc gây mất lòng tin cho toàn xã hội như tiêu cực tuyển sinh trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2018. “Tại sao lại không có dòng nào về vụ việc này trong báo cáo của Chính phủ?” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đứng)
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đứng)

ĐB này cũng bày tỏ sự băn khoăn về mức lương của nhà giáo. Mặc dù đây được xem là nghề cao quý, nhưng nếu nhìn sòng phẳng thì họ đã được trả lương xứng đáng hay chưa? Nếu giáo viên được trả thu nhập xứng đáng thì khó xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm. 

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An), từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kỳ họp nào, lĩnh vực giáo dục cũng rất nóng bỏng. “Lúc thì giáo viên đi tiếp khách, lúc thì thi cử có vấn đề. Cần phải xem xét, đánh giá xem vấn đề do đâu, có vai trò của cá nhân hay không?” - ông Hiền nêu.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TPHCM) cũng nhận định, trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực văn hóa, giáo dục chưa đạt được kết quả rõ nét. Thực tế, nhiều người dân và cử tri vẫn đang than phiền về chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc học thêm và dạy thêm. Bà nói: “Tôi không tìm được lý do khiến bây giờ, phụ huynh vẫn rất vất vả cho con học thêm từ lớp Một. Phải giải thích như thế nào khi mà trong nhiệm kỳ qua, tình trạng này chưa giảm?”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đứng)
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đứng)

Bên cạnh giáo dục, ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng, lĩnh vực văn hóa cũng không có sự bứt phá và các giải pháp của QH vẫn chưa hiệu quả: “Trong báo cáo về lĩnh vực văn hóa, còn có gì đó tự an ủi mà chưa thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ. Tôi đề nghị, cần có đánh giá, giải trình sâu hơn của Chính phủ về vấn đề này”. 

Quy trình làm luật thiếu khách quan

Nhìn nhận QH khóa XIV đã làm việc nghiêm túc, nhưng ĐB Phạm Khánh Phong Lan vẫn chưa hài lòng về cách làm luật của Việt Nam: “Luật có tuổi thọ ngắn, chỉ sau một thời gian là phải sửa đổi và khi áp dụng vào thực tế thì thường bị kêu ca”.

Theo bà Phong Lan, việc đưa Chính phủ xây dựng luật đã làm mất yếu tố khách quan: “Khi giao cho Chính phủ, chất lượng văn bản luật còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành. Nhiều dự thảo gửi hàng chục lần, góp ý tới lần thứ 30 nhưng cuối cùng, nếu coi dự thảo lần cuối thì lại y chang như lần đầu. Người xây dựng dự thảo luật có khuynh hướng xây dựng luật để có lợi cho sự quản lý nhà nước của bộ, ngành”.

ĐB Phong Lan cho rằng, nếu không nhìn vào sự thật này, QH khóa XV, XVI hay các khóa tiếp theo vẫn sẽ gặp vướng mắc về mặt xây dựng luật. Và dường như những luật “khó” đang bị bỏ sang một bên nên thời gian dành cho làm luật rất lớn nhưng lại chưa hoàn tất được một số luật mà thực tế đang cần. “Cuối cùng, chúng ta mắc nợ nhân dân, không kịp cập nhật so với thực tiễn” - bà nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đứng)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đứng)

Đồng quan điểm, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định, QH còn thụ động trong hoạt động lập pháp. Với cách làm luật như hiện nay (giao cho các bộ, ngành của Chính phủ soạn dự thảo) thì với góc độ nhận thức và lợi ích ngành, khó có được sự khách quan. Ông đề xuất, phải có cơ chế kiểm soát từ sáng kiến, thông qua sáng kiến lập pháp. Cụ thể, khi hình thành chủ trương xây dựng từng luật, QH phải thông qua, đồng ý làm hay không chứ không phải soạn thảo tới những khâu cuối mới trình QH.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, cần phải cơ cấu nhóm soạn thảo gồm chuyên gia ngành, chuyên gia pháp luật, bởi chuyên gia độc lập sẽ có cái nhìn khách quan và xuất phát từ lợi ích chung, chuyên gia về pháp luật sẽ giúp đạo luật được xây dựng nên bằng ngôn ngữ của luật pháp.

“Mấy chục năm trước, luật chúng ta soạn thảo có ngôn ngữ rất chặt chẽ nhưng càng về sau, khi đưa vào áp dụng, với một số luật, đọc câu đã khó chịu rồi. Khi xử, không biết tòa phải hiểu thế nào. Người dân cũng không hiểu, phải chờ nghị định, thông tư, rồi phải chạy tới các cơ quan để được giải thích, phải “ngâm”, phải “có phong bì” mới biết làm thế nào cho đúng” - ĐB Trương Trọng Nghĩa bức xúc. 

Rối quy định cấm học sinh dùng điện thoại

Sáng 25/3, kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ hai. Ủy ban Thường vụ QH đã báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp trước. Theo đó, bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc trả lời số lượng kiến nghị lớn, Ủy ban Thường vụ QH đánh giá, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa thống nhất, có quy định chưa phù hợp với thực tế khiến cử tri không đồng tình.

Cụ thể, liên quan tới quy định về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về các hành vi mà học sinh không được làm là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri tám địa phương, trong đó có TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, đã kiến nghị xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, lại có nội dung, sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Qua giám sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường, có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên lại không. Điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Điện thoại có được xem là thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập hay không, cho sử dụng điện thoại trong lớp có phải là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên; đồng thời, cần đánh giá một cách khách quan và toàn diện tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.

H.Anh

Môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối 

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (tỉnh Lai Châu) dẫn cam kết của Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ là “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Mặc dù nhiều nội dung về thể chế đã được nghiên cứu và nhiệm kỳ này đã có luật mới, nhưng vấn đề môi trường vẫn còn nhiều điều nhức nhối.

Ông nói: “Rác thải là vấn nạn ở tất cả 63 tỉnh, thành, từ nông thôn đến thành thị, nhưng đến giờ vẫn chưa có phương thức hữu hiệu. Ô nhiễm khói bụi ở các thành phố lớn đều rất nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nước ở các dòng sông, đô thị chưa được cải thiện, thậm chí xấu đi”. Ông đề nghị trong nhiệm kỳ tới, QH cần quan tâm, có giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề này.

Minh Quang

Quang Minh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI