Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sau 7 năm, số giáo viên tăng hơn 100.000 người nhưng học sinh tăng hơn 3 triệu

27/10/2022 - 16:18

PNO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa lên tiếng trước tình trạng thiếu giáo viên khiến nhiều đại biểu, cử tri lo lắng, bức xúc.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu hàng loạt lý do dẫn tới thiếu giáo viên tại nhiều cấp học từ mầm non tới phổ thông
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu hàng loạt lý do dẫn tới thiếu giáo viên tại nhiều cấp học từ mầm non tới phổ thông

Phát biểu tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã làm rõ nhiều thông tin liên quan tới vấn đề “nóng” được nhiều ĐBQH quan tâm, đó là tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhận được hơn 200 ý kiến cử tri gửi tới bày tỏ lo lắng về vấn đề này. Theo đó, giáo viên nghỉ việc và thiếu giáo viên là hai vấn đề này khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết.

Theo các con số thống kê, từ nay tới năm 2026, cả nước cần phải bổ sung, bù đắp tổng số 107.000 giáo viên. Con số này còn có thể biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc chứ “không đứng yên”. Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, là do từ nhiều năm trước, số lượng đã không đủ. Trong khi đó, có một số lượng giáo viên bỏ việc, giảm biên chế, nhiều nơi nhiều năm không tuyển thêm giáo viên, số lượng tuyển mới ít hơn số lượng nghỉ hưu.

Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ ra có một nguyên nhân rất lớn là do biến động dân số tự nhiên: “Từ tháng 9/2015, tổng số học sinh trên 19 triệu nhưng tới tháng 9/2022, con số này là trên 23 triệu. Trong khi đó, tháng 9/2015, số lượng giáo viên là 1,156 triệu cho mầm non tới phổ thông và tháng 9/2022 là 1,227 triệu. Như vậy giáo viên nhích hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng hơn 3 triệu”.

Thêm một nguyên nhân thiếu giáo viên là do triển khai một số môn học mới trong giáo dục phổ thông như tin học, ngoại ngữ... Chỉ riêng số lượng giáo viên của các môn học mới này, tính tới năm 2025-2026 thiếu hơn 26.000 người. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên còn do có tình trạng dân số dồn về khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu do dịch bệnh, các trường đóng cửa; thiếu do nhu cầu để phổ cập mầm non 5 buổi, do tăng từ 1 buổi lên 2 buổi...

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu tới năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt hơn 27.000 chỉ tiêu. Hiện các đơn vị bắt đầu công việc tuyển dụng. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh thành đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu cũ nhưng chưa tuyển được.

Dù việc tuyển 65.000 giáo viên này rải rác tới năm 2026 song Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng mong muốn, được dồn trong năm 2023, 2024. “Vì đây là các năm  nhu cầu giáo viên cho môn học mới rất lớn. Nếu như đợi sau năm 2024, triển khai chương trình giáo dục phổ thông đã xong thì không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu dồn vào thì cũng có khó khăn khác là tăng chỉ tiêu đào tạo của hệ thống sư phạm”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị tăng lương, giải quyết đời sống và tâm lý giáo viên. Ông chỉ ra, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất hiện nay là ở bậc mầm non, chiếm trên 40%. Do đó, Quốc hội cần xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Cụ thể, tăng phụ cấp cho nhóm này tương tự như với nhóm y tế cấp cơ sở. Nếu không, cần tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức cũ của y tế cơ sở.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng cân nhắc việc giảm biên chế 10% hàng năm như quy định hiện nay áp dụng với ngành. Bên cạnh đó, các địa phương đề nghị cần phải giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để công bằng, công khai minh bạch nhằm tránh sai sót trong tuyển chọn giáo viên. Các địa phương cũng xem xét việc sử dụng ngân sách địa phương để ký hợp đồng với giáo viên để ký hợp đồng.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI