Blog bác sĩ: ‘Thuốc giúp họ quên đau khổ nhưng lấy đi cảm xúc làm người’

27/02/2017 - 12:49

PNO - Hồi bé, cứ hay nghe mấy câu chuyện cổ tích, đó là nhẫn nhịn, cam chịu thì sẽ có người tương trợ như nàng Lọ lem hay Tấm. Nhưng đó chỉ là câu chuyện cổ tích trong thế giới tuổi thơ.

Còn những câu chuyện thực, thường thấy là kết quả trong khoa tâm thần. Quãng đời mà bệnh nhân tâm thần đi qua như cuộn phim ghi lại các đau khổ. Đối với họ, cả thế giới như đã đóng lại, họ vui trong nỗi buồn và buồn trong niềm vui.

Bệnh tâm thần khác xa với các bệnh lý khác, người bệnh đau cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng phải chịu đựng. Họ mất cơ hội được làm người với đủ hỷ nộ ái ố vì chỉ cần bệnh bộc phát, họ lại được cho thuốc. Thuốc giúp họ quên đau khổ, đồng thời lấy đi cảm cảm xúc làm người. Họ sống nhưng chỉ là tồn tại.

Blog bac si: ‘Thuoc giup ho quen dau kho nhung lay di cam xuc lam nguoi’

Bệnh nhân mà mình làm bệnh án, nếu đạo diễn dựng thành phim vẫn được. Song bộ phim này chỉ là cái kết buồn. Như câu chuyện của của bệnh nhân nữ mình làm bệnh án. Chị sinh ra trong gia đình trung lưu, sống tại Hà Nội. Gia đình đang hạnh phúc thì năm 2 tuổi, bị mẹ mất. Cú sốc đầu đời, nhưng do quá nhỏ nên chị chưa cảm nhận gì.

Năm 6 tuổi, cha tái hôn với người phụ nữ xinh đẹp, hy vọng con mình sẽ có người thương yêu. Và bi kịch từ đây. Hàng ngày chị đều bị đánh, đánh vì đổ cơm cháo, đánh vì ngứa mắt, đánh vì đơn giản là thích đánh thế thôi.

Đánh chán thì chuyển sang hành hạ, cha thì chẳng hay biết do đi làm, có mỗi Đoàn thanh niên khu tập thể hay qua can ngăn mà đâu cũng vào đấy. Khi mình hỏi: “Mẹ kế đánh vậy cô khóc nhiều không”. Cô bảo: “Có”, tất nhiên bằng giọng nói ráo hoảnh.

Blog bac si: ‘Thuoc giup ho quen dau kho nhung lay di cam xuc lam nguoi’

Mẹ kế sinh lần lượt 5 người con, cô phải chăm em rất cực, chẳng thế mẹ kế hay đánh đập nhiều hơn. May mắn thay, cô vẫn đi học, nhưng khép kín, cô lập, không có bạn. Đến nỗi khi vào học đại học, cô cũng sáng đi học chiều đi về, lặng lẽ như cái cây vậy. Cô bảo, cô hay khóc và nghĩ nhiều đến mẹ. Có lẽ, nếu mẹ cô không mất sớm thì chắc cô sẽ đỡ tủi đỡ buồn.

Rồi có chàng trai cùng khoá để ý, đẹp trai, gia giáo, rồi họ yêu nhau, nồng nhiệt. Như lẽ thường, họ kết duyên, rồi cô thoát ra khỏi cái địa ngục ở khu tập thể kia. Những tưởng sẽ có hạnh phúc với những đứa con.

12 năm trôi qua, chẳng có tí xíu gì về chuyện con cháu, người đàn ông nhã nhặn lịch thiệp kia lộ nguyên hình, đánh đập, chửi bới. Đau khổ chịu đựng, cô lại khóc thầm và cầu mong một phép màu. 

Blog bac si: ‘Thuoc giup ho quen dau kho nhung lay di cam xuc lam nguoi’

Để rồi đến năm 40 tuổi, trong một buổi sáng đi đến cơ quan. Cô nghe tiếng chim nói chuyện với mình, cái ô tô nói chuyện với mình, cái cây nói chuyện với mình. Cô, thay vì sợ hãi, lại thích thú và nói chuyện lại với chúng. Người ta đưa cô vào viện, và không khó để chẩn đoán, cô bị tâm thần phân liệt hay nôm na là bệnh "điên" trong dân gian.

Nói đoạn cô ngập ngừng như nghĩ gì đó. Mình hỏi, "vậy cô ở đó đã 24 năm rồi à?". Cô bảo: “không”, vì sau khi vô dùng thuốc, cô đỡ hơn thì cho về ngoại trú. Chồng cô khi ấy nhân cơ hội ly dị ngay cho "nhẹ nợ". Cô chuyển vô miền Nam sống với mẹ kế và em. Mình hỏi "cô vô nam ở vậy không sợ bị hành hạ tinh thần tiếp à". Cô bảo, thà vậy chứ ở Hà Nội có còn ai thân thích đâu.

Nói đoạn, mình hỏi: "Vậy vô miền Nam là cô chuyển vô khoa luôn hả cô?". Vẫn bằng khuôn mặt vô hồn, cô bảo "không đâu, vô đây tôi bình thường lại, nhưng chả hiểu sao 2 năm nay thì lại nghe giọng nói từ cây cối, quạt máy, chắc mình già rồi nên thần kinh lại".

Blog bac si: ‘Thuoc giup ho quen dau kho nhung lay di cam xuc lam nguoi’

Mình bảo: "Thế có điều gì kích động mình à?", cô lắc đầu: "Chẳng biết nữa, mà ở nhà chúng nó hay nói tôi con điên này nọ lắm, mà tôi chẳng buồn, tôi thấy bình thường mà". Mình hỏi cô vô đây có buồn không, cô bảo không, không buồn đâu, vô đây cây cối nó nói chuyện với mình vui lắm.

"Vậy cô có muốn về nhà không?", cô gật gù: "Có chứ, về nhà có giường, có phòng nằm thoải mái hơn, về nhà còn được ăn Tết nữa. 2 năm nay ăn Tết trong này rồi, mà gần Tết bác sĩ cho về nhiều lắm, còn lại vài người, buồn lắm". Ừ thì, vậy là 2 năm rồi còn gì...

Quả thực, mấy câu chuyện cổ tích về sự nhẫn nhịn có vẻ hơi quá, kiểu cổ tích cứ gieo vào con người ta cái kiểu cam chịu và an phận, và điều mình thấy là, đôi lúc cũng nên nổi điên điên tí, nên giải toả hay có ai đó để thoát hết những buồn uất ức, kẻo, có lúc muốn cũng chẳng điên nổi. Tự nhiên thấy mình may mắn thật. Người ta bảo, không gì đau khổ hơn là khuyết tật về tâm hồn. Có lẽ là đúng vậy thật.

Cũng chả biết viết gì thêm, chỉ suy nghĩ thêm thôi. Tấm ảnh ở khoa mà mình đến.

Bác sĩ Trần Đoàn Thiên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI