Bên trong những lớp học bán trú giữa mùa dịch

23/02/2022 - 07:32

PNO - 10 tiếng, hoặc có thể nhiều hơn là khoảng thời gian mà học sinh học tập và sinh hoạt tại trường. Giữa thời điểm đầy lo toan về dịch bệnh, cha mẹ rất muốn biết những đứa trẻ sẽ học tập, ăn, ngủ, vệ sinh… ra sao.

 

Ảnh em gửi là học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn rửa tay trước khi ăn, xếp hàng chờ về và giờ ăn ạ
Giờ ăn của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn

"Nhật ký" 10 giờ ở trường

7g15 ngày 22/2, Lê Huỳnh Hoàng Khôi, học sinh lớp 2/1 Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) xuống xe, tạm biệt mẹ ở cổng số 1. Chiều hôm trước, mẹ Khôi đã khai báo y tế nên sáng nay sau khi đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn, Khôi được cô bảo mẫu hướng dẫn xếp hàng vào lớp.

Cách đó không xa là các anh chị khối lớp Ba đang lục tục vào trường bằng cổng số 2. Các anh chị khối Bốn, Năm đã vào trường trước đó 10 phút với những “thủ tục” tương tự, còn những em khối Một phải 10 phút nữa mới vào trường. Từng khối lớp được chia ca, phân cổng để tránh tụ tập đông người. Sau khi Khôi và các bạn vào lớp, cô chủ nhiệm Phạm Thị Diễm Thu ổn định lớp và bắt đầu bài giảng từ 7g30, đến 8g55 sẽ được ra chơi. Khối lớp Hai của Khôi cũng ra chơi giãn cách với các khối lớp còn lại 10 phút. Các bạn có thể chơi trong lớp hoặc trên dãy hành lang, phần sân trước lớp học. Khôi và các bạn chưa thể chạy sang “giao lưu” cùng các lớp khác như thời chưa có dịch. 

Ra chơi gần 30 phút thì vào học, rồi đến giờ nghỉ trưa cũng lệch ca như lúc sáng. Các em rời lớp, xếp hàng đến khu vực rửa tay theo tuần tự và di chuyển đến nhà ăn dưới sự giám sát của cô chủ nhiệm. Những em không có nhu cầu ăn trưa tại trường rẽ sang hướng sảnh chờ ở cổng để phụ huynh đến đón về với sự “trông coi” của thầy giám thị. Các em chỉ được ra cổng khi cha mẹ đến, giám thị đọc tên. Lúc này, cô bảo mẫu ở nhà ăn chuẩn bị đủ khẩu phần ăn cho học sinh lớp mình phụ trách. Ăn xong, các em sẽ tự dẹp khay thức ăn, súc miệng và trở về lớp ngủ trưa. Cả ngày, kể cả giờ ngủ, tất cả cửa sổ phòng học đều được mở rộng, quạt máy trong lớp được điều chỉnh tùy vào nhiệt độ ngoài trời. 13g30 là bắt đầu giờ học buổi chiều. Tuần tự là giờ ra chơi giữa giờ và sau đó là ra về. Tất cả mốc thời gian trẻ ra vào lớp, trường đều bố trí lệch ca như khi vào học. 

Việc trẻ ăn uống ở trường phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch
Việc trẻ ăn uống ở trường phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch

Từ 7g sáng, Trường mầm non Hoa Mai (Q.3) bắt đầu mở cửa đón những đứa trẻ đầu tiên đến trường. Mỗi lứa tuổi sẽ được các cô dành 20 phút để đón, đầu tiên là trẻ năm tuổi và tuần tự là trẻ bốn tuổi và ba tuổi. Sở dĩ, các bé không đến trường đồng loạt như trước vì các cô phải chia ca để đón từ tay cha mẹ, đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay và trao đổi với cha mẹ về tình hình sức khỏe của bé để đảm bảo an toàn cho tất cả trẻ khi đi học. Cứ đúng 8g15 hằng ngày, khi cổng trường đóng lại, các bé sẽ tập trung theo lớp thành từng khu vực trong sân trường để tập thể dục cùng cô trước khi bắt đầu một ngày sinh hoạt ở trường. Vào lớp, trẻ lại được đo thân nhiệt, điểm danh và chia lớp làm hai nhóm (từ 5 - 12 bé/nhóm) để học với cô. Đến 10g20, các bé nhỏ ba tuổi sẽ bắt đầu ăn trưa trước các anh chị. Bởi đặc điểm sinh lý của trẻ nhỏ cần ăn sớm, giấc ngủ trưa dài hơn, thao tác chậm nên được ưu tiên. 

Thời gian ngủ trưa là khoảnh khắc yên ắng nhất trong trường mầm non. Các thiên thần nhỏ sẽ tự động đến tủ lấy nệm, chăn, gối ra để ngủ. Những hàng nệm được xếp ngay ngắn, mỗi bé nằm cách nhau chừng 1m, bình yên nằm ngủ cho đến khi các cô mở nhạc đánh thức các con dậy để bắt đầu cho thời khóa biểu sinh hoạt buổi chiều. Các bé còn được luyện lại kỹ năng đã học buổi sáng, có giờ tắm và cột tóc, ăn xế… trước khi được cô đưa xuống sân để cha mẹ đón về lúc 16 - 17g chiều, kết thúc hành trình 10 giờ ở trường. 

Ý thức và vệ sinh được đặt lên hàng đầu

Trong mùa dịch, nhà vệ sinh và những thứ liên quan đến vệ sinh sát khuẩn, dịch tễ là khâu được để ý kỹ càng và chuẩn bị cẩn trọng nhất. Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5), cho hay: “Đối với lớp lớn đã được tiêm vắc-xin, ngoài quy trình khai báo y tế trước khi đến trường, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn khi vào trường thì tất cả các khâu từ căng-tin, người tiếp phẩm đều phải kiểm soát kỹ lưỡng. Nhà vệ sinh và bàn ghế gần như sát khuẩn hằng ngày. Riêng nhà vệ sinh thì sau các giờ ra chơi đều phải làm sạch qua. Lớp học đều được trang bị thiết bị livestream để phòng trường hợp có học sinh F0 thì các em ở nhà học qua livestream mà vẫn có cảm giác đang ở lớp. Còn khi giáo viên là F0 nhưng sức khỏe vẫn ổn thì ở nhà dạy online, học sinh vẫn vào lớp học bình thường, có cán bộ hỗ trợ giữ ổn định lớp”. 

Ảnh em gửi là học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn rửa tay trước khi ăn, xếp hàng chờ về và giờ ăn ạ
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn rửa tay trước khi ăn

Cô Lê Huỳnh Diễm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, cũng đưa ra giải pháp tương tự: Theo cô Diễm Thúy, ở thời điểm này, giáo dục học sinh giữ gìn vệ sinh, rửa tay sát khuẩn rất quan trọng. Trường bố trí 20 bồn rửa tay (mỗi bồn 10 vòi rửa) với xà bông khử khuẩn ở năm khu vực trong trường. Học sinh được nhắc nhở rửa tay trước khi vào lớp, giờ ăn; sau giờ chơi và đi vệ sinh; khi tay bẩn. Ngoài ra, các em được yêu cầu đeo khẩu trang 24/24 trừ giờ ăn. Mỗi lớp học đều có khẩu trang, thiết bị sát khuẩn dự phòng. 

Thầy Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cho hay: Trường chú trọng khử khuẩn để hạn chế lây lan. Sau giờ chơi sẽ phun khử khuẩn và làm sạch trang thiết bị. Đặc thù của mầm non là trẻ sinh hoạt chủ yếu trong lớp nên mỗi ngày khử khuẩn lớp học và nhà vệ sinh trong lớp ba lần: trước khi trẻ vào lớp 30 phút, sau giờ ăn và sau giờ trả trẻ về. Các thiết bị tay nắm cửa, tủ đồ dùng của trẻ, tay vịn cầu thang và bề mặt các vật dụng ngang tầm trẻ đều được khử khuẩn mỗi ngày. Ngoài ra, nhà trường chú trọng tạo lập thói quen nền nếp cho học sinh tự đi vệ sinh và ý thức phòng, chống dịch. Lúc ở trường, trừ giờ ăn, ngủ, vận động mạnh, trẻ thường được cô nhắc nhở phải đeo khẩu trang. 

Tiêu Hà

Xem xét ngưng học trực tiếp theo diễn biến ca nhiễm nặng

Chiều 22/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp giao ban định kỳ khi số ca nhiễm mới có dấu hiệu gia tăng, bao gồm cả trẻ em khi các khối lớp quay lại học trực tiếp. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, số trẻ nhiễm COVID-19 tăng cao hơn gấp ba lần so với tuần trước (từ ngày 7/2 đến 13/2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học. Trong đó có 706 giáo viên và 6.799 học sinh với 394 học sinh mầm non, 2.786 học sinh tiểu học, 1.875 học sinh THCS, 1.744 học sinh THPT - giáo dục thường xuyên. Tuần qua, số trường học phát sinh ca nhiễm tăng với 201 trường.

Hiện các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng TPHCM đang điều trị nội trú cho 100 em, trong đó 84% em có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng), 11% trẻ phải hỗ trợ hô hấp, 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. Số trẻ dưới 12 tuổi chiếm 93% ca bệnh, trong đó 65% là trẻ dưới năm tuổi.

Theo giám đốc Sở Y tế TPHCM, các chuyên gia đã xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc COVID-19 tăng. Trong đó ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố, đồng thời tăng số giường tại các bệnh viện nhi, huy động các bệnh viện quận, huyện có khoa nhi. Ngành y tế cũng theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TPHCM xem xét việc ngưng học trực tiếp khi số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp cao hơn 100 ca/ngày (hiện nay mỗi ngày có năm ca cần hỗ trợ hô hấp).

 An Sinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI