Bế mạc Kỳ họp bất thường lần 2: Thực hiện các quyết sách mới "dọc ngang thông suốt"

09/01/2023 - 16:01

PNO - Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện các quyết sách mới với tinh thần "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt".

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV

Chiều 9/1, sau 4 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỉ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỉ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỉ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến…

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ucraina còn diễn biến phức tạp...

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

"Cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống, căn cơ, hiệu quả. Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đơn vị, đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua. “Bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

M.Quang

 

 

 
TIN MỚI