Bắt đầu xét xử “tham quan” Dương Chí Dũng và đồng bọn

12/12/2013 - 07:29

PNO - PNO - Sáng 12/12, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm “đại án tham nhũng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm sẽ kéo dài từ ngày 12/12/2013 đến 14/12/2013.

Bat dau xet xu “tham quan” Duong Chi Dung va dong bon

Dương Chí Dũng khi vừa bị bắt hồi tháng 9/2012. Nguồn ảnh: Internet

Hội đồng xét xử gồm Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường (Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội) và 3 hội thẩm nhân dân.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng (đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao).

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng là Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng và Ngô Ngọc Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu rõ: Dương Chí Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, Dũng không ăn năn hối cải, khai báo quanh co chối tội, đề nghị hội đồng xét xử xem xét tăng nặng hình phạt đối với Dương Chí Dũng.

Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có chức năng cùng các cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines.

Bộ GTVT đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát để Vinalines triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đề nghị Bộ GTVT phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cán bộ có liên quan.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu: Từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Tập đoàn Vinalines triển khai dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam với Công ty AP (Singapore).

Trong quá trình khảo sát thực tế, mặc dù biết ụ nổi 83M (sản xuất từ năm 1965) đã bị hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt động được và đã bị Cơ quan đăng kiểm Nga ngừng cấp giấy phép đăng kiểm từ năm 2006 nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo cấp dưới phải “lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M”. Việc làm trên đã trái nguyên tắc, trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng.

Sau khi mua thành công ụ nổi 83M, Công ty AP đã chuyển ngược về VN cho các bị cáo 1,666 triệu USD gọi là tiền “lại quả”. Số tiền này các bị cáo đã chia nhau tham ô hết. Cụ thể, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc tham ô 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 370 triệu đồng.

Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt sau hơn 4 tháng lẩn trốn. Ngày 1/2/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 01/C48 về tội “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải VN.

Ngày 17/5/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án hình sự số 01/C48 về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Vinalines.

Trong hai ngày 17 và 18/5/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam một số cán bộ là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) do có hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị can bị bắt tạm giam gồm có Mai Văn Phúc (Phó vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, nguyên Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines). Riêng bị can Dương Chí Dũng (Cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) không có mặt tại nhà và nơi làm việc.

Liên quan đến vụ án này, em trai Dương Trí Dũng (nguyên đại tá, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) cùng Vũ Tiên Sơn (nguyên thượng tá, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an TP Hải Phòng) lần lượt bị bắt giam vì đã tham gia tổ chức cho đàn em đưa Dương Chí Dũng lẩn trốn ra nước ngoài.

Chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng “đánh hơi” thấy việc mình sẽ bị bắt nên tức tốc bỏ trốn. Ngày 18/5/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia theo lệnh truy nã, sau hơn bốn tháng lẩn trốn.

Ngày 1/11/2013, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng và 9 bị can khác về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”. 

10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm:

- Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT;

- Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT;

-  Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines;

- Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines;

- Mai Văn Khang, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines;

- Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines;

- Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN;

- Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa;

- Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa;

- Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa.

CHI MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI