Bạo lực mạng tấn công nghệ sĩ, người nổi tiếng

27/10/2022 - 17:32

PNO - Thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng bị bắt nạt trên mạng xã hội. Rất vô cớ và cả với những chuyện rất bình thường nhưng họ vẫn bị nhiều người trên mạng xã hội lôi ra bêu rếu, chửi rủa, khủng bố một cách vô văn hóa và bạo lực.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng liên tục bị bắt nạt

Sau đêm thi trang phục truyền thống tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022, Đoàn Thiên Ân bị nhiều tài khoản mạng xã hội công kích, với lý do người đẹp trình diễn không tốt như kỳ vọng. Trước đó, ở phần thi áo tắm, cô cũng bị chỉ trích nặng nề. Sau đêm đăng quang trong nước, Thiên Ân vẫn bị bêu tên ở nhiều diễn đàn, vì cho rằng cô không xứng đáng.

Thùy Tiên bị nhiều người lợi dụng mạng xã hội chỉ trích, chửi bới vì cho rằng “lơ” Thiên Ân tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 - ẢNH: T.L.
Thùy Tiên bị nhiều người lợi dụng mạng xã hội chỉ trích, chửi bới vì cho rằng “lơ” Thiên Ân tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 

Trong một đoạn tin nhắn được người thân chia sẻ, Thiên Ân cho biết không dám đọc các bình luận trên mạng vì quá sợ. Thùy Tiên cũng bị nhiều khán giả “réo tên” vì cho rằng người đẹp đã lơ Thiên Ân, chỉ vì cô ít chụp ảnh, tương tác với Thiên Ân, dù cả hai đang cùng có mặt ở cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Nhiều người còn chê bai, miệt thị đại diện Hàn Quốc tại cuộc thi này.

Trước đó, sau đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, á hậu Kiều Loan bị nhiều khán giả lăng mạ, chửi bới vì đặt câu hỏi quá khó cho Mai Ngô, dẫu câu hỏi này được ban tổ chức chuẩn bị. Kiều Loan cũng bị quy chụp là vì cô mà thứ hạng của Mai Ngô bị ảnh hưởng.

Gần đây nhất, vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng bị chỉ trích vì không dự đám cưới của Diệu Nhi - Anh Tú ở Phan Thiết, mà chỉ đến đám cưới của MC Liêu Hà Trinh tổ chức cùng ngày. Ca sĩ Nam Em cũng bị bới lại một phát ngôn trong chương trình Tài tám tếu hồi năm 2021, kèm theo không ít lời mắng nhiếc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sau khi lên tiếng phản ánh về nhạc chế trên game show truyền hình cũng bị khán giả lăng mạ.

Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng bị bạo lực mạng đã chọn cách im lặng hoặc xử lý nước đôi cho qua. Một số khác chọn cách phản ứng mạnh mẽ, phản bác lại, đơn cử như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Thùy Tiên, Nam Em.

Nam Em lên tiếng phản bác khi bị chỉ trích vô cớ vì phát ngôn trong chương trình từ năm 2021
Nam Em lên tiếng phản bác khi bị chỉ trích vô cớ vì phát ngôn trong chương trình từ năm 2021

Xử lý tình trạng này rất khó

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 Jobway, cố vấn cấp cao tổ chức giáo dục AEG Việt Nam) cho rằng thực trạng bắt nạt trên mạng xã hội hiện đáng báo động, không riêng với người nổi tiếng. Nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là hiệu ứng đám đông.

“Môi trường mạng là nơi sản xuất thông tin, bày tỏ quan điểm nhanh chóng. Chưa kể, nhiều người tự do sử dụng các tài khoản ảo để hoạt động. Tính ẩn danh này dễ kích động tâm lý, hành vi của con người, đưa ra phát ngôn không cần suy nghĩ thấu đáo. Việc không phải gánh chịu hậu quả hay sự ảnh hưởng nào càng thúc đẩy tâm lý chủ quan khi phát ngôn. Ngoài đời thật, trong ứng xử, giao tiếp giữa người với người, chắc chắn sẽ khó hoặc không có những vụ tấn công như thế”, tiến sĩ Hòa An chia sẻ. 

Luật sư Nguyễn Hà An cho biết việc ứng xử trên mạng xã hội hiện được quy định, điều chỉnh bởi nhiều luật định hiện hành.  Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả, người thực hiện hành vi bạo lực mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại (điều 592 Bộ luật Dân sự); bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội Làm nhục người khác (điều 155 Bộ luật Hình sự); tội vu khống (điều 156, Bộ luật Hình sự). Mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng, hoặc phạt tù đến ba năm. Ngoài ra còn một số chế tài khác quy định tại điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội… Mức phạt lên đến 30 triệu đồng. 

Theo luật sư Nguyễn Hà An, muốn xác định một hành vi “bạo lực mạng” để xử lý theo pháp luật, thì phải có chủ thể bị ảnh hưởng (người bị hại), xác định được thiệt hại xảy ra. Từ đó người bị hại có căn cứ để yêu cầu xử lý theo quy định pháp luật, bồi thường hoặc xin lỗi, xóa bỏ thông tin.

Á hậu Kiều Loan lên tiếng phân trần khi bị khán giả tấn công sau đêm chung kết Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022
Á hậu Kiều Loan lên tiếng phân trần khi bị khán giả tấn công sau đêm chung kết Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Để một vụ việc được giải quyết phải làm đơn tố cáo, chụp hình bằng chứng, chờ cơ quan công an điều tra, tốn nhiều bước, nhiều thời gian, chi phí. Chưa kể, với số lượng người tấn công lên đến hàng trăm, hàng ngàn thì việc kiện cáo chắc chắn sẽ tốn rất nhiều công sức”. Anh kỳ vọng pháp luật sẽ có quy định quản lý chặt hơn về việc sử dụng mạng xã hội, kiểm soát, quản lý được phát ngôn của người dùng.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hà An, để xử lý triệt để vấn đề bạo lực mạng rất khó. Nhìn chung chỉ có thể xử lý được một số trường hợp mang tính chất răn đe. 

Anh cho biết thêm, hiện nay có một số tổ chức hành nghề luật cung cấp các dịch vụ luật sư riêng nhằm bảo vệ những cá nhân chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội như ca sĩ, người nổi tiếng…

Cụ thể các luật sư sẽ cảnh báo, đại diện tiếp nhận thông tin tranh chấp trên mạng, tập hợp chứng cứ và làm việc trực tiếp với những đối tượng xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân trên mạng… Vì thế, nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng có thể sử dụng dịch vụ này để chủ động bảo vệ bản thân.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI