Báo động sức khỏe tâm thần thí sinh truyền hình thực tế

03/04/2019 - 01:00

PNO - Không ít người vô danh trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, nhờ tham gia chương trình truyền hình thực tế và việc đột ngột từ 'bóng tối' bước ra 'ánh sáng' đã khiến họ bị sốc tâm lý.

Đài truyền hình Anh ITV vừa mời chuyên gia tâm thần tư vấn 24/7 cho các thí sinh tham gia chương trình truyền hình thực tế The only way is Essex, sau khi bị dư luận lên án về hai cái chết liên tục của hai cựu thí sinh từng tham gia chương trình hẹn hò Love island của đài này.

Cựu hoa hậu Anh 2009 - Sophie Gradon - thí sinh chương trình Love island năm 2016, đã tự tử tại nhà riêng tháng 7/2018, vì chịu quá nhiều sức ép tinh thần từ dư luận. Tháng 3/2019, một thí sinh khác của chương trình là Mike Thalassitis đã treo cổ tự tử tại một công viên ở phía nam London. Cái chết được cho là vì trầm cảm của chàng trai 26 tuổi đã gây sốc dư luận, khiến Bộ trưởng Y tế Anh - Matt Hancock phải lên tiếng, yêu cầu các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế phải chú trọng chăm sóc tâm lý thí sinh.

Bao dong suc khoe tam than thi sinh truyen hinh thuc te
Cái chết của Mike Thalassitis và Sophie Gradon làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tâm thần của thí sinh các chương trình truyền hình thực tế

ITV thanh minh: “Tất cả người chơi trong chương trình đều được hỗ trợ tâm lý trước, trong và sau khi rời ngôi nhà chung. Chúng tôi đã thảo luận với họ về việc cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào và những khó khăn mà họ có thể sẽ gặp phải”. Tuy nhiên, theo lời Jonny Mitchell, cựu thí sinh Love island - người đã thu thập hơn 83.000 chữ ký, yêu cầu ITV chăm lo cho thí sinh sau chương trình, sau cái chết của Mike Thalassitis - thì anh chưa từng được ai ở ITV liên lạc, hỏi xem anh có cần giúp đỡ gì không.

Không phải đợi đến cái chết của Sophie Gradon và Mike Thalassitis, vấn đề tâm lý thí sinh tại các chương trình truyền hình thực tế mới đặt vào tình trạng báo động, mà điều này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu. Không ít người vô danh trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, nhờ tham gia chương trình truyền hình thực tế và việc đột ngột từ “bóng tối” bước ra “ánh sáng” đã khiến họ bị sốc tâm lý mà điển hình là trường hợp bị trầm cảm của “hiện tượng âm nhạc” Susan Boyle, sau khi thành á quân chương trình Britain’s got talent.

Ngày nay, khi mạng xã hội phát triển, việc trở thành người nổi tiếng ngày càng dễ dàng thì “nạn nhân” càng phải gánh chịu hậu quả nặng nề, vì chưa được chuẩn bị tâm lý để đối phó với việc mất tự do, bị công chúng soi mói, bị cư dân mạng chế giễu, bêu xấu... 

Chuyên gia tâm lý Ron Copsey - người từng bước ra từ chương trình truyền hình thực tế Castaway năm 2000 của đài BBC - tiết lộ với tờ The Sun rằng, các bệnh nhân của anh đến từ các chương trình truyền hình thực tế, trong đó có chương trình Big Brother và hiện có ít nhất 15 ngôi sao đang nhờ anh tư vấn. 

Quang Huy (theo CNN, DailyStar)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI