Bánh sắn của mạ

25/11/2019 - 13:00

PNO - Sắn mài làm bánh mặn, bánh ngọt, bánh dừa đủ cả. Nên mỗi bữa cơm ngày đói khổ, chẳng còn hãi hùng như ngày xưa của mạ.

Sài Gòn mùa mưa. Những cơn mưa chiều thường khiến những kẻ tha hương như mình nhớ quê da diết. Gác trọ vắng tanh, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn, lại miên man nghĩ về những chiều mưa ở quê nhà. 

Ở quê, những ngày mưa, mạ thường ngồi bó gối nơi chiếc giường nhỏ kê sát cửa sổ, bâng khuâng nhìn trời. Bên ngoài khung cửa, mưa cứ đổ xuống chan chát. Mạ hay than: “Ngồi ăn núi lở” với giọng đầy lo lắng. Miệng nói vậy, lòng lo thế, nhưng mạ lại luôn là người tìm tòi rồi "phát động phong trào" ăn uống cho cả nhà trong những chiều mưa rảnh rang như thế. Nơi cái chái bếp nhỏ xíu xiu của mạ, cả nhà mình thường túm tụm lại bày biện đủ thứ món ăn. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì, chỉ là nướng khoai nướng sắn, đổ bánh làm kẹo. Vậy mà vui hết cỡ.

Banh san cua ma
Ảnh: Internet

Mình khoái nhất mỗi lần cả nhà xúm xít làm bánh sắn. Thực chất, mình chẳng mấy thích thú nhìn những khúc sắn lẫn vào cơm. Sắn nướng, sắn luộc cũng chẳng mấy ưa, nhưng món bánh sắn của mạ thì khác. Đó là một tổ hợp của bao nhiêu mùi vị hòa quyện vào nhau. Là vị bùi bùi của sắn, mà phải là loại sắn ba trăng đúng vụ. Là vị ngọt mặn vừa đủ của nhân đậu xanh được nấu vừa lửa. Vị thơm béo mà không ngấy của mỡ hành, xen lẫn vị cay cay của tiêu ớt. Chiếc bánh sắn nhìn khiêm nhường thô ráp vậy đó, nhưng chẳng ai chịu dừng lại ở một hai cái, dù đôi khi đã lưng lưng cái bụng.

Để có một chiếc bánh sắn nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”, cũng phải trải qua lắm công đoạn. Chị hai lần nào cũng xung phong bắc thang lên gác lấy đậu xanh. Cái gác bé tí, là nơi cả nhà tránh lũ. Những thứ ít dùng, hay vài vật dụng dành riêng cho mùa mưa gió, mạ đều cất giữ hết trên gác. Đậu xanh cũng thế. Mạ cất đậu xanh trong một chiếc bao tải đựng gạo, bên trong còn thêm một bao ni-lông. Đậu phải cất kỹ, tránh gió vào sẽ bị ỉu hoặc bị mọt. Có đậu xanh rồi thì phải cà bể ra, đem ngâm nước nóng rồi đãi vỏ, bắc lên bếp nấu chín. 

Mạ ra sau vườn, chặt đôi tàu lá chuối sứ, mang vào xé nhỏ từng tấm bằng bàn tay, trụng sơ qua nước ấm cho lá mềm rồi lau sạch. Mình đương nhiên là ngồi lột sắn. Sắn sau khi được lột vỏ, đem ngâm với nước vo gạo hoặc nước muối một lúc cho hết vị hăng, vớt ra để ráo mới đem mài.

Khâu mài sắn được xem là nặng nhọc nhất, bao giờ cũng được mạ giao cho người đàn ông duy nhất trong nhà. Bàn mài sắn là tấm thiếc chỉ to hơn bàn tay, được ba tận dụng từ vỏ lon sữa bò, đục chi chít lỗ trên đó. Củ sắn được mài qua mài lại sẽ rớt xuống thành những vụn li ti. Sắn mài nhuyễn, vắt khô. Phần nước để lóng lại gạn lấy phần bột, rồi đem trộn với phần xác, sau đó nêm tiêu, muối, bột ngọt, hành lá, hành tím băm nhỏ vào trộn đều. 

Banh san cua ma
 

Nhân bánh cũng đơn giản lắm. Đậu xanh đãi vỏ nấu chín thì nhắc xuống. Mạ bắc chảo lên bếp cho nóng, đổ ba muỗng dầu vào. Đợi dầu nóng cho nắm hành tím băm nhuyễn vào phi vàng, cho tiếp hành lá thái nhỏ vào đảo đều, rồi trút phần đậu xanh đã nấu chín vào chảo, nêm tiêu, muối, bột ngọt cho vừa miệng là được. 

Vỏ bánh, nhân bánh đã xong, phần tiếp theo là gói bánh. Bột sắn vo thành cục nhỏ, tròn tròn, dàn mỏng trên lòng bàn tay, cho nhân vào rồi vo kín lại. Sau đó đặt bánh vào lá chuối, gói kín rồi mang đi hấp. 

Bánh bột sắn phải ăn nóng mới ngon. Bánh càng ngon khi chấm với nước mắm nhĩ dằm ớt. Bánh có vị thơm ngọt của sắn, bùi bùi của đậu, hòa cùng mùi thơm của tiêu, hành đậm đà. Trời mưa lâm thâm, lại se se lạnh, ngồi bên bếp lửa cắn miếng bánh sắn, nhìn làn khói bếp cuộn quanh, hòa trong mùi bánh thơm nồng, vừa ăn bánh, vừa nghe mạ kể chuyện xưa, là nhất.

Chuyện mạ kể lúc nào cũng bắt đầu bằng câu “ngày trước khổ lắm”, làm như lúc đó cuộc sống của tụi mình là sướng dữ. Mạ nói đất đai ngày trước cằn cỗi, nên trồng khoai trồng sắn đều hiếm củ. Sắn ba trăng mà ăn cũng đắng nghét. Bà ngoại mỗi lần nấu cơm, đều hấp bảy phần sắn, ba phần cơm. Mạ nghe mùi sắn đã thấy sợ. Giờ cơm, ngoại mở vung, mùi sắn nồng nồng bao trùm cả chái bếp, mạ chịu không được, phải chạy sang nhà hàng xóm “né“. 

Đến thời chúng tôi, cơm tuy cũng có độn khoai sắn, nhưng mạ đã biến tấu thành đủ món. Sắn hấp với dừa bào ăn muối mè. Sắn mài làm bánh mặn, bánh ngọt, bánh dừa đủ cả. Nên mỗi bữa cơm ngày đói khổ, chẳng còn hãi hùng như ngày xưa của mạ. 

Lại nói về bánh ngọt. Cách làm bánh sắn ngọt chỉ khác là thay muối bằng đường, không cần nêm nếm tiêu hành như bánh mặn. Làm bánh sắn nước cốt dừa thì trộn cốt dừa vào bột và nhân bánh, lại thêm ít dừa bào mỏng, hấp cùng lá dứa cho thơm, hoặc cũng có thể nướng chín trên bếp than hồng. 

Giờ no đủ, ngoài kia chẳng thiếu thứ gì, nên món ngon ngày cũ giờ chẳng mấy người còn bán, mà mạ cũng chẳng mấy khi làm. Như chiều mưa hôm nay, muốn được ăn cái bánh sắn nhưng đội mưa ra chợ chắc gì đã có. Vậy nên, chỉ biết nằm đây, nghĩ về ngày xưa, về cái bếp nhỏ xíu đầy khói của mạ, mà thèm. 

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI