9 ngày “vàng” trong vụ Pate Minh Chay đã bị bỏ lỡ

03/09/2020 - 20:53

PNO - Lược lại diễn biến vụ Pate Minh Chay có chất cực độc lưu hành đại trà trên thị trường, khiến hơn 20 người đứng trước cửa tử, mới thấy: có một khoảng trống 9 ngày mà nếu có trách nhiệm hơn, người ta đã kịp ngăn chúng diễn biến trầm trọng hơn.

Ngày 19/8, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chính thức báo cáo lên Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế về việc nhiều bệnh nhân bị ngộ độc chất botulinum, nghi do sử dụng Pate Minh Chay.

Ngay hôm sau, ngày 20/8, Cục ATTP đã thành lập đoàn kiểm tra, đến công ty này để lấy mẫu, chuyển Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm Clostridium Botulinum. Đồng thời lúc này, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cung cấp mẫu bệnh phẩm và hộp pate dùng dở của bệnh nhân.

Cụ ông 70 tuổi ngộ độc pate Minh Chay
Cụ ông 70 tuổi ngộ độc Pate Minh Chay

Ngày 25/8, Viện cho kết quả mẫu bệnh phẩm và hộp pate từ Bạch Mai là dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum, nhưng không điển hình - nghĩa là cần thêm thời gian nuôi cấy vi khuẩn để tiếp tục kiểm nghiệm.

Đến 17g ngày 28/8, khi Viện Y tế công cộng TPHCM gửi báo cáo về việc phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm Pate Minh Chay đến Cục ATTP thì một tiếng sau, 18g ngày 28/8, Cục mới nhận được kết quả từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia về sản phẩm nguyên hộp của công ty này, mà đoàn kiểm tra đã lấy từ ngày 20/8, với kết quả dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Điều đó cho thấy, Cục ATTP và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã mất đến 9 ngày, tính từ ngày lấy mẫu sản phẩm tại nơi sản xuất, mới có kết quả kiểm nghiệm. Trong khi đó, thời gian trả kết quả xét nghiệm sản phẩm thực phẩm thường hiếm khi quá một tuần, đây là thời gian được đăng tải công khai tại các cơ sở xét nghiệm y tế.

Vì sao đến tận 9 ngày? Hơn ai hết, các cơ quan chuyên ngành hiểu rất rõ độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có thể gây ra điều gì với sức khỏe người dùng, nguy cơ tử vong nằm ở mức độ nào.

Rõ ràng, 9 ngày “vàng” để giảm thiểu thiệt hại từ sản phẩm pate chay này đã bị bỏ lỡ một cách đầy băn khoăn. Ngày 19/8 cũng là ngày mùng Một của tháng Bảy âm lịch - tháng khá đặc biệt với rất nhiều người Việt Nam, nhiều người ăn chay suốt tháng, cúng dường thường xuyên… nghĩa là việc tiêu thụ các sản phẩm chay đang ở giai đoạn cao điểm.

Kết quả kiểm tra từ Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới - đơn vị sản xuất Pate Minh Chay - cũng cho thấy, đã có 7.000 sản phẩm được xuất bán ra thị trường từ ngày 1/7 đến 22/8.

Ban quản lý ATTP TPHCM cũng nhận định, vì đây là tháng Bảy âm lịch nên người tiêu dùng mua Pate Minh Chay không chỉ để ăn mà còn biếu tặng, cúng dường…

Giá như, các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng hơn, hậu quả của sự việc có lẽ sẽ không quá nặng nề như hiện tại. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM - nhận định, việc cảnh báo sớm có thể dẫn đến cảnh báo nhầm, nhưng vẫn đáng lựa chọn hơn cảnh báo chậm. Vì đi cùng với sự chậm trễ là sinh mạng con người. Chưa kể, vẫn còn nhiều sản phẩm của công ty này vẫn còn trên thị trường và không có gì đảm bảo rằng mọi người tiêu dùng đã tiếp cận được thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng hay đã theo dõi được sự việc.

Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến sự bị động, chậm trễ của một số đơn vị đang có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Sau khi Cục ATTP lên tiếng cảnh báo về vi khuẩn cực độc trong Pate Minh Chay, đến 3 ngày sau, ngày 2/9, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương mới ra cảnh báo người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Ba ngày không phải là nhiều đối với việc tiêu thụ một sản phẩm nào đó, nhưng với sinh mạng người dùng trước vi khuẩn cực độc như Clostridium Botulinum, đó là khoảng thời gian quá dài.

2 lọ thuốc được nhập từ Thái Lan để điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay tại Bệnh viện Bạch Mai.
2 lọ thuốc được nhập từ Thái Lan để điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc Pate Minh Chay tại Bệnh viện Bạch Mai

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trước hơn 20 người đang thập tử nhất sinh và nguy cơ vẫn còn rình rập một khi sản phẩm này chưa được thu hồi hết.

Cũng chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra đại diện cho những người đang phải điều trị ở các bệnh viện kia, đưa ra những kiến nghị, yêu cầu một cách kiên quyết để đòi quyền lợi cho nạn nhân cũng như để cảnh tỉnh, ngăn ngừa sự vụ tương tự diễn ra trong tương lai, dù đó là các đơn vị mang danh “bảo vệ người tiêu dùng”.

Tháng 5/2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mấy mẫu giám sát 2 sản phẩm là pate Minh Chay và ruốc nấm cháy tỏi - là 2 sản phẩm vừa được khuyến cáo không nên sử dụng vì có chất độc - để kiểm tra các chỉ tiêu như đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chất bảo quản... thì kết quả của 2 mẫu sản phẩm này là đảm bảo ATTP!

Vĩnh Hiệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI