5 cách ứng xử khi sếp thiên vị

05/04/2018 - 08:00

PNO - Khi sếp của bạn quan tâm đặc biệt đến công việc và lợi ích của một đồng nghiệp khác dựa vào mối quan hệ thì bạn sẽ làm gì?

Hãy tham khảo những lời khuyên sau đây của Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng CareerLink.vn - một trong những trang web hàng đầu Việt Nam về hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, để duy trì sự chuyên nghiệp và mở rộng đường phát triển trong tương lai nhé.

Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại careerlink.vn

Tìm hiểu lý do sếp thiên vị

Bạn sẽ chẳng thể cải thiện tình hình nếu không biết lý do dẫn đến sự thiên vị. Vì vậy, bạn cần cố gắng tìm hiểu điều gì khiến sếp quan tâm hơn đến người đồng nghiệp kia. Lưu ý rằng đừng nên trực tiếp hỏi người đang được “ưu ái” hoặc sếp, vì làm thế giống như “lạy ông tôi ở bụi này”.

Cách gợi ý là bạn chỉ nên âm thầm quan sát cách hành xử, hoặc hỏi “bóng gió” đồng nghiệp về tình trạng này. Tuy nhiên, dù bạn có biết rõ ngọn ngành sự “biệt đãi” của sếp thì cũng không nên “ngồi lê đôi mách”, vì điều đó chỉ thể hiện rằng bạn là kẻ hay ghen tỵ và thích “tám” hơn làm. Mục đích quan trọng của hành động này chỉ để biết rằng sếp có đang thiên vị thiếu công bằng hay bạn đang hiểu lầm.

Không tỏ thái độ với người được ưu ái

Tỏ thái độ “không ưa ra mặt” với người được ưu ái là điều đại kỵ trong tình huống này. Thực tế, bạn ghét người đồng nghiệp đã là chuyện không hay và mọi thứ còn xấu hơn nếu người ấy được sếp ưu ái. Chắc rằng chẳng ai thích có một bạn công sở lúc nào cũng đố kỵ hay tị nạnh với người khác. Hơn nữa, đồng nghiệp của bạn không phải là người có lỗi khi được sếp ưu ái hơn. Vì vậy, dù có thể là khó khăn nhưng bạn cần cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác với người được đặc cách.

Xây dựng mối quan hệ

Bạn cần xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp bởi điều này sẽ giúp bù đắp lại cảm xúc tiêu cực gây ra bởi một người sếp tiêu cực. Có mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, bạn sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có thể chia sẻ những “ấm ức” mà bạn đang gặp phải, giúp cân bằng tâm lý và tránh căng thẳng.  

Làm việc hết sức

Dù bạn có đang làm việc với sếp “thiên vị” hay không thì đều phải giữ vững tâm niệm làm việc hết sức. Nếu bạn thấy đồng nghiệp “làm ít, hưởng nhiều” nên tự cho phép bản thân nhởn nhơ thì đây là suy nghĩ hết sức sai lầm.

Trong tập thể, mỗi người đều có một nhiệm vụ và vai trò riêng, nên sẽ rất khó để nói rằng việc ai “nhẹ” hơn nếu cả hai cùng cấp. Thêm nữa, đơn giản hay phức tạp đều chỉ là một mức độ tương đối vì có thể “dễ ta nhưng khó người”. Do đó thay vì so đo, có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc thì bạn hãy tập trung làm tốt nhiệm vụ, hoàn thành đúng thời hạn và duy trì sự chuyên nghiệp vốn có.

Chứng tỏ giá trị bản thân

Bên cạnh làm việc chuyên tâm, bạn cũng nên tìm các cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình. Hãy đánh giá vai trò hiện tại của bạn và tự hỏi làm thế nào để phát huy khả năng vốn có, sau đó lên kế hoạch hành động cụ thể. Khi bạn đã chứng minh mình là một phần quan trọng của công ty hoặc đội ngũ, có nghĩa là bạn đã đặt mình vào vị trí của người có tiếng nói trong tập thể. “Hữu xạ” sẽ nhanh chóng “tự nhiên hương”, bạn sẽ sớm được sếp “để mắt” đến và trọng dụng mà thôi.

5 cach ung xu khi sep thien vi
 

Trung Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI