5.100 vụ choảng nhau dịp Tết: Bình thường họ rất hiền!

16/02/2016 - 07:37

PNO - Cả nước có hơn 19 triệu gia đình đạt gia đình văn hóa (chiếm 85,03%) nhưng chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 5.121 vụ đánh nhau xảy ra.

Theo thống kê từ 1.300 cơ sở y tế khắp cả nước cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước có 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó 13 người tử vong. Như vậy, trung bình mỗi ngày nghỉ lễ, cả nước có hơn 600 lượt khám, cấp cứu vì xô xát. Nếu so với số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau trong Tết phải cao hơn ít nhất 6-7 lần.

5 tỉnh, thành xảy ra đánh nhau dịp Tết nhiều nhất lại là những nơi có sô hộ gia đình văn hóa được xếp vào loại cao nhất cả nước, gồm: TP HCM: 317 ca, An Giang: 230, Kiên Giang: 224, Đồng Nai: 202 và Hà Nội: 197 ca. Nguyên nhân của các vụ đánh nhau ngày Tết là do tình trạng lạm dụng rượu bia tràn lan tại khắp các tỉnh thành.

Không thể lý giải

Chiều ngày 15/2, trao đổi với Phunuonline, ông Trần Trọng Tá - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Toàn dân Đoàn kết tỉnh Đồng Nai tỏ ra hoàn toàn bất ngờ với thông tin mà Bộ Y tế thống kê trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Theo ông Tá, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chứ không phải chỉ vì lạm dụng rượu bia.

"Đồng Nai là một trong những nơi có tỷ lệ gia đình văn hóa cao nhất cả nước. Hàng năm chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình thiết thực để gắn kết tình cảm cộng đồng, vận động mọi người đoàn kết xây dựng xã hội vững mạnh đi lên nhưng không hiểu sao họ lại gây lộn với nhau, đặc biệt là trong dịp Tết. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, sử dụng rượu bia cũng chỉ là một phần thôi. Cụ thể thế nào chắc bên công an sẽ có thống kê" - ông Tá nói.

Cũng theo ông Tá, con số 202 vụ đánh nhau ở tỉnh Đồng Nai trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng là con số đáng suy ngẫm, khi mà dịp Tết mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, không phải chịu những áp lực từ chuyện làm ăn. Thế nhưng tình trạng ức chế tâm lý dẫn tới không kiểm soát được hành động tăng đột biến là điều đáng lo ngại và cần phải có biện pháp giải quyết trong năm tới.

5.100 vu choang nhau dip Tet: Binh thuong ho rat hien!
Nhiều người mượn rượu, bia để giải quyết mâu thuẫn thường ngày (Ảnh minh họa).

Còn bà Nguyễn Tâm Tuyết Trinh - Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL An Giang cũng không thể lý giải được nguyên nhân vì sao người dân tỉnh nhà lại đánh nhau trong dịp Tết nhiều đến vậy. Theo bà Trinh, người dân miền Tây Nam bộ từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là chân chất, hiền lành, quý người, trọng tình cảm.

Văn hóa "ăn nhậu" của người dân miền Tây Nam bộ cũng đã có từ xưa chứ không phải chỉ tập trung trong dịp Tết. Do đó nguyên nhân mà Bộ Y tế đưa ra cũng khiến nhiều cán bộ ở An Giang cảm thấy chưa thỏa đáng. Từ đó, bà Trinh cho rằng con số thống kê của Bộ Y tế chỉ phản ánh được "bề nổi" mà chưa đánh giá hết "phần chìm" khi chỉ dựa vào con số báo cáo từ các cơ sở y tế.

Trong khi đó, Bùi Ngọc Thanh Trung - Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL Kiên Giang cũng tỏ ra bất ngờ trước thông tin tỉnh nhà xếp trong danh sách 5 địa phương có số vụ đánh nhau cao nhất cả nước. Ông Trung cho biết, chưa nhận được văn bản thông báo về thông tin này.

Mặc dù vậy, ông Trung vẫn cho rằng đây là một sự nhầm lẫn bởi người dân Kiên Giang bình thường rất hiền lành, quý người, trọng tình cảm. "Tôi sẽ cho kiểm tra và thông tin lại" - ông Trung nói.

Không bình thường

Nhận định về tình trạng đánh nhau tăng đột biến trong dịp Tết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã phải thốt lên: “Đó là điều không bình thường” trong những ngày đáng ra là dịp vui vẻ, sum vầy, nhân niềm vui.

"Dù với bất cứ lý do gì, việc gây hấn, đánh nhau trong những ngày Tết dẫn đến con số gần 3.500 người phải nhập viện vẫn là điều không thể chấp nhận được", ông Tiến bày tỏ quan điểm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI