30 năm học bổng Nguyễn Thị Minh Khai: “THẮP SÁNG NHỮNG ƯỚC MƠ”

26/09/2020 - 06:00

PNO - Suốt ba thập niên, với sự chăm lo của các má, các dì hội viên phụ nữ, các Mạnh Thường Quân... học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã đồng hành và kịp thời thắp sáng những ước mơ.

30 NĂM VÌ TRẺ NGHÈO HIẾU HỌC

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình, dù đời sống người dân đã dần được nâng lên nhưng bên cạnh đó vẫn còn những cảnh đời khó khăn, nhiều trẻ em cùng gia đình phải mưu sinh nên có nguy cơ nghỉ học. Trăn trở với thực trạng trên, Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, vận động, chăm lo đỡ đầu cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội LHPN Q.5 đã có sáng kiến lập Quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Ngay sau đó, Hội LHPN Q.3, Q.10 và Q.Bình Thạnh cũng đã vận động các nhà hảo tâm hình thành quỹ học bổng chăm lo cho trẻ em nghèo, hiếu học. 

Năm học 2020-2021, được sự hỗ trợ của nhãn hàng Maggi-Công ty Nestlé, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Quỹ Bàn tay ấm nhà hàng Khải Phương, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Nhà hàng làng nướng Nam Bộ cùng nhiều nhà hảo tâm khác, Hội LHPN TP.HCM đã trao 180 suất học bổng và quà cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Nhận thấy ý nghĩa thiết thực, nhân văn của chương trình, Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần V (1991-1996) đã chính thức phát động các cơ sở Hội toàn thành phố cùng xây dựng quỹ học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên. Suốt ba thập niên, kiên trì tiêu chí “Thắp sáng ước mơ”, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với sự chăm lo của các má, các dì hội viên phụ nữ, các vị Mạnh Thường Quân, các cơ quan, đơn vị đã động viên, giúp sức kịp thời, đồng hành và thắp sáng ngọn lửa soi đường cho các em bay cao, bay xa, thực hiện ước mơ của mình. 

Để nhận được sự giúp sức từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, các em học sinh, sinh viên phải nỗ lực phấn đấu vượt qua nghịch cảnh và vươn lên trong cuộc sống. Qua 30 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ cho 263.192 lượt học sinh, sinh viên trên bước đường học vấn với tổng kinh phí trên 179,8 tỷ đồng. 

CÂY LÀNH ĐÃ SINH QUẢ NGỌT 

Điểm đặc biệt của chương trình là không chỉ đồng hành với các em trong một hai năm học mà còn trợ sức các em suốt một chặng đường dài. Nhờ sự đồng hành của chương trình học bổng, nhiều em đã đạt thành tích cao trong học tập, công tác; thành đạt trong cuộc sống. 

Hà Phan Kim Nguyệt - Giám đốc Công ty Thiết kế Orionix, một trong những nữ sinh ở Q.6 từng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, nay trả ơn cuộc đời bằng hàng trăm chiếc FAB - ngăn giọt bắn được Orionix gửi tặng các bệnh viện tại TP.HCM và Đà Nẵng, chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Hà Phan Kim Nguyệt - Giám đốc Công ty Thiết kế Orionix, một trong những nữ sinh ở Q.6 từng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, nay trả ơn cuộc đời bằng hàng trăm chiếc FAB - ngăn giọt bắn được Orionix gửi tặng các bệnh viện tại TP.HCM và Đà Nẵng, chung tay phòng, chống dịch Covid-19

Đó là câu chuyện cổ tích có thật về Trần Bình Gấm, nữ sinh được nhận học bổng từ Hội LHPN Q.3 năm 1990. Khi được chọn nhận học bổng, gia đình Gấm rất khó khăn, cha mẹ em làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, Gấm phải đi bán vé số và khoai lang dạo để phụ giúp gia đình. Vậy nhưng em luôn là học sinh giỏi và đậu ba trường đại học cùng lúc. Hiện Gấm là thạc sĩ - bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Đó là nơi ươm mầm mơ ước của nữ sinh mồ côi Ngô Thị Kim Liên, từ nhỏ chỉ sống trong cảnh nghèo với ông bà ngoại ở Q.4 và nuôi ước mơ duy nhất: có tiền để đi học. Nhờ có học bổng, em mới được đến trường đồng thời tiếp tục dưỡng nuôi ước mơ làm cô giáo. Hiện nay, Liên đang giảng dạy tại Trường Bạch Đằng (Q.4) và cũng là người tích cực ủng hộ quỹ khuyến học tại trường để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như chính bản thân Liên đã từng để động viên các em cố gắng vươn lên trong cuộc sống. 

Đó là câu chuyện vượt dốc của Ninh Thanh Cầu (Q.5). Khi nhận được học bổng, em tiếp tục cố gắng học tập, đạt giải nhì môn toán toàn quốc năm 1993. Cầu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và theo học cao học (ngành công nghệ thông tin - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM)…

Và còn thật nhiều gương điển hình vượt khó học giỏi. Bà Đoàn Lê Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - từng chia sẻ rằng, mỗi câu chuyện vượt khó, học giỏi của các em đã chứng minh một sự thật: nếu có sự trợ sức kịp thời, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, ý chí vươn lên của những đứa trẻ cũng sẽ trỗi dậy và từ đó, những ước mơ sẽ được thắp sáng. 

Cô giáo trẻ Lê Thị Thùy Vân, 26 tuổi, giáo viên tin học, Trường THPT Nhân Việt (cơ sở H.Hóc Môn), từng nhận học bổng liên tục 10 năm, đang thực hiện chương trình “Sách đến vùng cao,  trao ngàn yêu thương” cho hơn 300 học sinh H.Mang Yang, tỉnh Gia Lai
Cô giáo trẻ Lê Thị Thùy Vân, 26 tuổi, giáo viên tin học, Trường THPT Nhân Việt (cơ sở H.Hóc Môn), từng nhận học bổng liên tục 10 năm, đang thực hiện chương trình “Sách đến vùng cao, trao ngàn yêu thương” cho hơn 300 học sinh H.Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Suốt 30 năm qua, từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, có 96.858 em thành đạt, trong đó có 1.218 em là doanh nhân, 368 em phục vụ trong quân đội, 1.761 em công tác trong ngành khoa học kỹ thuật, 15.956 em hiện đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, công ty nước ngoài, nhà máy, xí nghiệp… Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, đó cũng chính là lý do vì sao suốt hành trình 30 năm, dù có những năm nền kinh tế đất nước và thành phố gặp khó khăn nhưng chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn bền bỉ chăm lo cho các học trò nghèo, hiếu học. 

Không dừng ở cấp thành phố hay quận, huyện, đến nay nhiều khu phố, ấp cũng có quỹ học bổng của riêng mình. Từ hàng chục năm trước, hiệu ứng “Thắp sáng ước mơ” của chương trình học bổng đã lan ra mọi miền đất nước khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo phát động phong trào trong toàn hệ thống Hội. Có thể nói, cánh tay của quỹ học bổng đã nối dài và đang lan tỏa khắp nơi. 

TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH NÂNG BƯỚC EM ĐI 

Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức dự án “Nâng bước em đi”, xét chọn từ các em được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai thi đậu đại học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp tục trợ sức cho các em đến trường. Cứ nửa học kỳ, đại diện chương trình sẽ gặp các em để trao đổi và động viên các em học hành. Đồng thời, ban tổ chức cũng sắp xếp cho các em tham gia các chương trình an sinh xã hội do thành phố tổ chức để các em chia sẻ và có ý thức với cộng đồng. Trong năm đầu tiên, Hội hỗ trợ 10 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập khá giỏi, đậu đại học năm học 2019-2020, với mức hỗ trợ toàn phần là 18 triệu đồng/năm học, trong suốt quá trình học đại học. 

 

 

HẠNH CHI

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI