Xăm kim loại lên… cơ thể

08/01/2015 - 15:09

PNO - PN - Xăm mình bằng miếng dán đang là trào lưu thu hút giới trẻ. Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội ồ ạt rao bán các hình xăm bằng kim loại.

Theo quảng cáo của cửa hàng T.V.S. trên facebook và instagram, dùng hình xăm bằng kim loại, khi ra nắng hay gặp ánh sáng sẽ lấp lánh trông cá tính, hấp dẫn, đặc biệt nổi bật với những người có làn da tối màu nhờ ánh kim bắt sáng. Hình xăm giữ được trên da từ 3 - 14 ngày. T.V.S. cũng cẩn thận khuyến cáo: không dùng cho khách có da dị ứng với đồ trang sức và kim loại.

Khách có da khó “ăn hình” không nên dùng. Khi dán hình xăm lên người, phải tránh chà xát và hạn chế nước vào vùng da đang xăm. Giá một miếng xăm từ 80.000 - 600.000đ, tùy độ phức tạp. Cách sử dụng khá đơn giản: cắt phần hình muốn dán ra, gỡ miếng kiếng trên hình, dán lên vùng da cần in rồi dùng khăn ướt chặm lên miếng hình dán cỡ năm phút, lột nhẹ ra là hoàn tất.

Cửa hàng T.V.S. (đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) vào dịp cuối tuần có khá đông các bạn trẻ tuổi “teen”. Nghe quảng cáo là hàng nhập về từ Mỹ, các bạn ồ ạt chọn mua. Thúy Lê, học sinh lớp 11 trường T.K.N. hồ hởi: “Một miếng dán giá rẻ nhất là 80.000đ có đến ba hình. Xài mùa Tết tha hồ…”. Đi chung với Lê, Thùy Minh cho biết: “Em thích xăm lắm nhưng cha mẹ cấm, bản thân lại sợ đau. Trước em hay mua xăm dán ở công viên Tao Đàn. Giờ có hàng “độc” xăm bằng kim loại, tội gì không xài”.

Xam kim loai len… co the

Trong lúc nhiều người đang chọn hình xăm, có một cô bé đến mếu máo “bắt đền” vì vùng da “nhạy cảm” nơi cô dán hình xăm bị mẩn đỏ, phồng rộp. Ngay lập tức, bà chủ “phủi tay”, không chịu trách nhiệm vì cho rằng đã “khuyến cáo” đầy đủ cho khách hàng trước khi mua.

Chỉ là miếng dán không có một dòng chữ ghi thành phần, xuất xứ, nên khi chúng tôi tìm đến xin ý kiến chuyên môn của các bác sĩ (BS), họ cũng... “bó tay”! Theo BS Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, loại xăm dán này có chứa một lượng chì để làm bóng và một lượng kim loại nặng để giữ màu. Kim loại nặng sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến da và thận, nên cần hạn chế sử dụng những sản phẩm này.

Cùng ý kiến với BS Khiêm, BS Trần Thế Viện, Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM khuyến cáo: dán hình xăm kim loại lên cơ thể, nhẹ thì người sử dụng có thể bị viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng; nặng hơn thì có thể dẫn đến nhiễm trùng da.

Thiết nghĩ, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu rõ về thành phần, xuất xứ của những miếng xăm bằng kim loại đang làm mưa làm gió trên thị trường, các bạn trẻ cần cẩn trọng. Đừng vì sở thích làm đẹp nhất thời mà chuốc lấy tai họa!

 KHÁNH THỦY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI