Vị thế người thầy đang bị lung lay trước áp lực?

22/11/2022 - 12:28

PNO - Dù biết mỗi nghề đều có cái khó, nhưng chọn nghề gõ đầu trẻ chưa bao giờ là dễ dàng.

 

Chỉ khi đủ hy sinh, bao dung, nhẫn nại và tình yêu dành cho con trẻ đủ lớn, người ta mới can đảm chọn nghề giáo
Chỉ khi đủ hy sinh, bao dung, nhẫn nại và tình yêu dành cho con trẻ đủ lớn, người ta mới can đảm chọn nghề giáo

Khi 1 đứa trẻ bước vào cái tuổi cắp sách đến trường thì khoảng thời gian ở trường của chúng còn nhiều hơn ở nhà. Chúng trò chuyện, tiếp xúc với thầy cô còn nhiều hơn với cha mẹ. Ở cái tuổi cần sự quan tâm và yêu thương, những đứa trẻ sẽ dễ dàng chịu ảnh hưởng từ những người thầy người cô của mình, xem họ như người cha người mẹ thứ hai trong cuộc đời. Tôi tin những người thầy, người cô khi đã chấp nhận chọn cái nghề cao quý này thì họ cũng đã chấp nhận những được mất, hy sinh với tình yêu con trẻ  lớn lao. 

Với những người làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được thầy cô dạy dỗ, yêu thương. Cho con đi học, ai cũng kỳ vọng con nên người, thành tài. Và như vậy, không ít người đặt hết niềm tin vào các thầy cô giáo. Họ đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường. Việc thành bại của 1 đứa trẻ họ chất hết lên vai của thầy cô. Họ bỏ qua trách nhiệm của bản thân, vô tư nuông chiều con cái. Họ sẵn sàng ăn thua đủ vì con mình. Khi đứa trẻ lớn lên không được như kỳ vọng thì họ đổ lỗi cho người thầy. 

Có lẽ nhiều người khó mà quên được những dòng chữ tuyệt vọng trong bức thư tuyệt mệnh của cô giáo ở Quy Nhơn. Có lẽ nhiều người sẽ rất đau lòng nếu nghe qua những câu nói của một học sinh khiến thầy giáo tổn thương trong một đoạn clip được chia sẻ trên mạng, câu nói như vết cứa ấy khiến nhiều người cảm thấy bất lực trước một thế hệ. Và có ai không nhớ, không thở dài khi nhắc về cái tát của một phụ huynh dành cho chính người thầy đang dạy dỗ con mình... Quyền của người thầy phải chăng đang bị tước đoạt? Vị thế người thầy đang bị lung lay trước quá nhiều áp lực? 

Dù biết rằng mỗi nghề đều có cái khó, nhưng việc chọn dạy dỗ con người chưa bao giờ là điều dễ dàng. Người ta có thể đòi hỏi người thầy phải biết yêu thương con trẻ, đòi hỏi người thầy phải nhẫn nại, phải tuân theo chuẩn mực để làm gương cho học trò của mình. Đúng! Vậy người thầy cũng được quyền mong xã hội trao lại giá trị thực của người làm thầy? 

An Di

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI