Về quê, lại nhớ Sài Gòn

18/01/2020 - 07:00

PNO - “Tết rồi, về thôi”. Hơn 300 ngày “cày ải” trên mảnh đất Sài Gòn, những người xa quê lại về quê vui vầy bên người thân. Nhưng hẳn không ít người nửa muốn về ngay, nửa lại nấn ná, chưa muốn xa Sài Gòn.

23 tháng Chạp, cơ quan tôi nghỉ tết. Lịch đã có từ một tháng trước. Vé xe đò chiều 23 về quê được chị dâu tôi - chủ đại lý vé xe - gửi vào Sài Gòn cũng từ một tháng trước. 20 tháng Chạp, xác định còn việc, tôi nhắn cho chị dời lên ngày 25. Tần ngần một hồi, lại xin đôn lên 27 tháng Chạp. 

“Ở lại làm gì?” - chị hỏi. “Em còn việc” - tôi đáp. Xong, chợt ngượng với chính mình, bởi đó chỉ là cái cớ. Trong những ngày nấn ná chưa về ấy, tôi sẽ “đi thăm” Sài Gòn của riêng mình: quán cà phê nơi mỗi khi tôi vào, chủ quán vội bật dăm bản nhạc tôi thích; dạo những con đường đầy hoa, lặng ngắm sự đổi sắc của phố thị… Tôi sẽ dọn dẹp căn hộ, bài trí một chậu mai nơi phòng khách, mua ít bánh kẹo bày cho vui nhà. Chỉ là cho căn nhà tự nó đón xuân. Còn chủ nhân, từ 27 tháng Chạp, đã rời đi trong nỗi tơ vương, bịn rịn.

Đường phố Sài Gòn những ngày giáp tết - Ảnh: TPO
Đường phố Sài Gòn những ngày giáp tết - Ảnh: TPO

Nỗi tơ vương, bịn rịn đó chỉ tượng hình trong tôi đôi ba năm gần đây, mỗi khi tết về. Nhớ những năm đầu bươn bả giữa Sài Gòn, tôi chỉ đợi đến tết để leo lên xe, ngủ một giấc đến quê, thỏa khát khao mong ngóng. Mà khát khao nhiều quá, thành ra như bội bạc Sài Gòn. Còn giờ thì chốn này như níu chân. Năm tháng trôi đi, không biết từ bao giờ, tôi đã tự xem mình là người Sài Gòn. Một chốn dung thân, nuôi sống, ngày tháng đầy lên những mối quan hệ và kỷ niệm, có cả đôi cuộc tình và Sài Gòn thành “chứng nhân” cho buồn vui, khổ đau lẫn hạnh phúc. Nơi ấy không đơn thuần chỉ là một chốn mưu sinh. Nơi ấy đã là nơi mình thuộc về.

Cô bạn chuẩn bị về quê, hành trang đầy bánh mứt, nhân sâm, mật ong, quần áo mới. Trong tập phong bao lì xì, bạn cẩn trọng đặt vào đó những tờ tiền mới toanh, nói: “Cái này cho bà Tám, ông Năm xóm dưới. Má gọi điện vào, nói hai người đó khổ lắm”.

Bạn của hôm nay, sau 7 năm bôn ba Sài Gòn, đã thành giám đốc một doanh nghiệp nho nhỏ. Nhớ hồi vào đất này, bạn mang theo một trái tim tan vỡ, khi ở quê họ đòi một khoản tiền cho một chỗ làm. Sài Gòn đón một kẻ tứ cố vô thân, với ba-lô đầy sách và hồ sơ xin việc. Hai đêm đầu, bạn ngủ trên ghế đá bệnh viện. Chiếc xe cũ được má gom góp mua cho, bạn đành đứt ruột “cho ra đi” để trang trải chi phí trong tháng đầu. Sài Gòn cũng se duyên cho bạn gặp gỡ người đàn ông tốt, thành vợ chồng. Bạn trầm ngâm: “Mỗi cuối năm ngồi tính lại, thấy Sài Gòn đã cho mình nhiều quá”. 

Trong lịch về quê đón tết, bạn chia sẻ, đã tính trở lại Sài Gòn lúc còn “mùng”, vì chắc nhớ không chịu được. Chưa quen với giấc 21g đã đi ngủ của người quê, bạn trằn trọc, thèm đang ở Sài Gòn, ngó phố xá vẫn còn nhộn nhịp, hoặc mở cửa vào nhà, quăng mình trên sofa, rã rời vì một ngày vất vả. 

Có người bạn khác, người Sài Gòn “gốc”, bảo cứ thử một lần đón tết ở đây đi. Đường sá thênh thang, lặng vắng đến không ngờ. Thành phố trên dưới 10 triệu dân bỗng hoang vắng lạ thường. Bức tranh đó càng chỉ ra rõ ràng hơn về một Sài Gòn đã bao dung, đón nhận triệu thân phận từ tứ xứ ra sao.

Quê nhà nuôi lớn, Sài Gòn nuôi sống. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bao bọc dung thân - chốn nào cũng nặng ân tình. Nên, cái cảm giác bội bạc khi rời bỏ Sài Gòn để về quê đón tết dường như cũng là cái bội bạc đáng yêu, làm vẹn tròn hơn cho tâm hồn mỗi người. 

Nếu về đến đất quê, bỗng dưng lại nhớ, muốn trở lại Sài Gòn cũng là điều dễ hiểu. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”(*) là vậy. 

Tuyết Dân

(*) Thơ Chế Lan Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI