Tuyển sinh lớp Mười: Thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp?

26/07/2021 - 06:11

PNO - Tiêu chí cao nhất của bất kỳ cuộc tuyển sinh nào ở thời điểm này cũng phải là an toàn. Những băn khoăn về sự hợp lý, chất lượng phải chấp nhận ở mức tương đối trong một năm học đặc biệt. Xét tuyển gần như là phương án khả thi nhất để không ảnh hưởng năm học mới.

 Bao giờ có phương án tuyển sinh lớp Mười?

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM quyết định hoãn kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm 2021 chỉ ít ngày trước ngày thi và khẳng định vẫn sẽ tổ chức thi khi phù hợp. Khi đó là cuối tháng Năm. Suốt hai tháng qua, những học sinh lớp Chín đăng ký dự thi vẫn miệt mài ôn luyện, không dám lơ là. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đang đề xuất các phương án tương ứng với từng tình huống cụ thể. Nhiều phụ huynh chờ đợi quyết định phương án cũng bắt đầu nóng ruột, xót con. 

Chị Nguyễn Thị Hương (Q.Tân Bình) cho biết: “Mỗi lần nghe có thông tin mới về thi lớp Mười là tôi sốt ruột không yên. Tôi nghĩ cần có quyết định sớm vì đã quá mệt rồi. Nhìn mấy đứa nhỏ cứ phập phồng lo lắng, không dám bỏ ôn ngày nào dù chỉ là học online làm phụ huynh cũng bồn chồn theo. Người lớn chờ mấy tháng nay còn cảm thấy mòn mỏi huống hồ con trẻ, tâm lý căng thẳng đè nặng. Tôi hy vọng phương án xét tuyển, vào trường nào cũng được, nhưng dù quyết định thế nào vẫn mong thông báo sớm”.

Thí sinh TP.HCM dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm 2020 - ẢNH: TAM NGUYÊN
Thí sinh TP.HCM dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm 2020 - ẢNH: TAM NGUYÊN

Còn anh Đ.M., phụ huynh lớp Chín Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), chia sẻ: “Lúc trước, khi nghe thông tin xét tuyển thay cho thi tuyển sinh, phụ huynh có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Nhiều phụ huynh và học sinh trong lớp con tôi lên nhóm chat tranh luận: Một bên muốn xét tuyển cho an toàn, một bên muốn tổ chức thi cho công bằng. Nhưng đến giờ này, hầu như phụ huynh, học sinh không còn quan tâm đến việc thi hay không thi nữa mà mong sớm có một quyết định để an tâm ôn tiếp hoặc nghỉ ngơi. Ngày nào chưa có quyết định chính thức là ngày đó tụi nhỏ còn ôn tập, còn lo lắng”. 

Trong khi đó, chị N.Th. có con học lớp Chín Trường THCS Colette (Q.3), vừa xót con vừa khó xử. Bởi con chị là học sinh giỏi, có nguyện vọng học trường chuyên, hoặc chí ít cũng vào trường tốp đầu để thực hiện mục tiêu học tập. Mấy tháng nay, dù hoãn thi nhưng ngày nào con chị cũng nghiêm túc ngồi vào bàn học cho đến tối. “Nghe có khả năng xét tuyển, con có phần thất vọng nên tôi hy vọng nếu có xét tuyển thì cũng cần có phương án để các cháu có năng lực được vào trường phù hợp. Bởi, nếu xét theo địa bàn cư trú thì con phải học ở Q.7, không có trường mơ ước của con”, chị Th. đề xuất. 

Cũng giống như chị Th., nhiều phụ huynh có con muốn vào trường chuyên, trường tốp đầu gần như từ bỏ mong muốn này, vì nếu xét tuyển thì các tiêu chí sẽ mang tính tương đối, không thể sòng phẳng như thi tuyển. Nhưng hầu hết đều đồng tình với việc chọn phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. 

Xét tuyển hay kết hợp?

Kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm nay tại TP.HCM dự kiến có hơn 83.300 thí sinh tham gia tại 140 điểm thi. Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất hai phương án: tổ chức kỳ thi tuyển như kế hoạch ban đầu với thời gian thi vào ngày 16 và 17/8 nếu toàn thành phố ở mức độ bình thường mới trong phòng, chống dịch; phương án hai là chỉ tổ chức thi tuyển sinh lớp Mười chuyên và xét tuyển lớp Mười THPT cho các học sinh đã đăng ký các nguyện vọng lớp Mười nếu toàn thành phố ở mức độ nguy cơ hoặc bình thường mới trong phòng, chống dịch.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, cả hai phương án trên đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp Mười đã thực hiện đầy đủ, nếu tổ chức thi thì thuận lợi. Việc tổ chức thi cũng đảm bảo được sự công bằng đối với tất cả thí sinh. Nhưng diễn biến dịch tiềm ẩn nhiều phức tạp và xuất hiện các chủng vi-rút dễ lây lan nên việc tập trung tổ chức tại 140 điểm thi sẽ tác động rất lớn đến tâm lý khi đi thi của học sinh, của thầy cô coi thi và cả chấm thi. Chưa kể, khâu chấm thi và xét điểm chuẩn sẽ phải kéo dài qua đầu tháng Chín, ảnh hưởng đến thời gian năm học mới.

Nếu thực hiện phương án hai thì thuận lợi nhiều hơn khó khăn vì chỉ có 10 điểm thi chuyên sẽ đảm bảo tốt hơn về an toàn trong phòng, chống dịch. Đồng thời vẫn sàng lọc, tìm kiếm được nguồn học sinh giỏi cho các lớp chuyên. Phương án này có ưu điểm là các học sinh không đậu lớp chuyên vẫn được xét lớp Mười thường theo ba nguyện vọng đã đăng ký. Nhưng rõ ràng, phương án này cũng có khó khăn là tâm lý so sánh giữa các học sinh; việc cho điểm và đánh giá học sinh chưa đồng đều giữa các trường THCS nên việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp Chín hoặc bậc THCS khó có thể đạt được sự công bằng như thi tuyển...

Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi trong lễ khai giảng năm học mới
Nếu thi tuyển vào tháng giữa tháng 8 dễ ảnh hưởng thời gian bắt đầu năm học mới (Ảnh minh hoạ)

Nhiều phụ huynh và nhà sư phạm cho rằng, phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh nếu TP.HCM ở mức độ bình thường mới, dự kiến ngày 16-17/8 là khó khả thi khi mà số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm. 

Thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5), cho rằng: Trước đây, TP.HCM từng thực hiện việc tuyển sinh kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Với trường, lớp chuyên, trường có cạnh tranh cao nhiều học sinh giỏi dự tuyển thì thi tuyển; còn lại là xét tuyển. “Thực tế, thi tuyển vẫn là phương án khách quan và công bằng nhất. Nhưng với tình hình hiện nay, tôi cho rằng nên áp dụng hình thức xét tuyển để đảm bảo an toàn và giảm áp lực. Chúng ta phải chấp nhận giải pháp tình thế trong một năm học, có thể chất lượng không đồng đều nhưng an toàn. Với các trường chuyên, ngành giáo dục có thể thăm dò ý kiến của các trường lẫn thí sinh để tính toán”, thầy Võ Thiện Cang nhấn mạnh. 

Còn nhà giáo Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), đề xuất: Nếu tình hình không tiếp tục căng thẳng thì có thể tổ chức thi tuyển cho trường, lớp chuyên vì số lượng này không nhiều và học sinh đã nỗ lực học tập trong suốt thời gian qua. Hơn nữa, loại hình trường chuyên cũng có những yêu cầu riêng. Tuy nhiên, an toàn vẫn là trên hết, nếu dịch không thuyên giảm thì cần áp dụng hình thức xét tuyển. Nếu áp dụng hình thức này thì không thể đòi hỏi sự hợp lý tuyệt đối và cần tính toán các tiêu chí cụ thể để cho ra kết quả tuyển sinh tương đối chuẩn xác nhất. 

Các nhà giáo đề xuất, nên lấy tổng điểm trung bình cả năm của ba môn: văn, toán, tiếng Anh và điểm trung bình môn cả năm của lớp Chín làm căn cứ xét vào các nguyện vọng. Căn cứ này có thể đánh giá toàn diện về năng lực học tập của học sinh. 

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn UBND TP.HCM quyết định phương án xét tuyển lớp Mười cùng tiêu chí xét tuyển. Nếu có thể, thành phố tổ chức cho thí sinh đăng ký lại nguyện vọng qua hình thức trực tuyến để lựa chọn trường, lớp phù hợp hơn với điểm học bạ. Và quan trọng là làm sao để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong xét tuyển. 

Lắng nghe ý kiến chuyên gia để tuyển sinh lớp Mười công bằng, an toàn nhất
Tại cuộc họp về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng 25/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện UBND TP.HCM đang cân nhắc để quyết định việc tuyển sinh lớp Mười sao cho công bằng nhất, bởi tuyển sinh vào lớp Mười và tuyển sinh lớp Mười ở trường chuyên rất khác nhau.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang phức tạp, ngoài tính công bằng còn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tổ chức tuyển sinh với quy mô lớn sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, liên quan đến việc này, đến nay, UBND vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Hiện tại, công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải đặt lên cao nhất. TP.HCM đang thảo luận, lắng nghe ý kiến các chuyên gia để làm sao việc tuyển sinh lớp Mười được công bằng, an toàn nhất.

Phạm An

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI