Ai vào việc nấy
Bà Võ Thị Bạch Yến - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ, tuần đầu tiên sau khi chuyển từ Hội LHPN tỉnh Bình Dương về đơn vị mới, bà đã cùng tập thể Hội LHPN TPHCM tập trung vào việc sắp xếp phòng ốc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Từ tuần thứ hai, hoạt động chuyên môn mới chính thức bắt đầu, ai vào việc nấy.
“Mặc dù đã nhiều năm làm công tác hội nhưng tôi vẫn là “người mới” của cơ quan. Nhưng với tinh thần chan hòa, hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi và những đồng nghiệp từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhanh chóng tiếp cận công việc tại môi trường mới” - bà Yến chia sẻ.
 |
Thường trực Hội LHPN TPHCM mới gồm 1 chủ tịch và 6 phó chủ tịch. Bà Võ Ngọc Thanh Trúc (giữa) làm chủ tịch hội |
Để tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức ở xa, chính quyền TPHCM đã bố trí xe đưa đón. Tuy nhiên, trong tuần đầu, bà Yến sử dụng phương tiện cá nhân, bởi còn một số công việc cần hoàn tất ở cơ quan cũ. Dù khá mệt mỏi với chặng đường di chuyển hơn 40km và thời gian di chuyển khá dài (khoảng 1,5 giờ mỗi lượt), nhưng bà Yến tin mình sẽ sớm thích nghi.
Ở cấp cơ sở, những chuyển biến cũng diễn ra mạnh mẽ. Bà Ngô Thị Quế Băng - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hưng (sáp nhập từ các phường 12, 13 và 15 của quận 10 cũ) - cho hay, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp cùng bộ máy nhân sự mới mang đến những thử thách.
Phường Hòa Hưng mới hiện có 7.499 hội viên, đặc điểm từng khu dân cư cũng khác biệt. Tuy nhiên, Hội Phụ nữ phường cũng có thuận lợi khi có đến 2 phó chủ tịch và 5 chuyên viên để cùng triển khai các hoạt động và phong trào hội. Nhờ đó, Hội Phụ nữ phường đã ổn định bộ máy nhân sự ngay sau lễ công bố thành lập phường vào ngày 1/7 vừa qua.
Ngày 29/6, fanpage Hội Phụ nữ phường Hòa Hưng đã ra mắt, nhanh chóng kết nối các chi hội, hội viên và triển khai cập nhật những thông tin liên quan đến việc vận hành chính quyền 2 cấp và hoạt động của hội. Đến nay, fanpage đã đăng tải hơn 30 bản tin, bài viết với hơn 3.600 lượt người theo dõi.
Song song đó, Hội Phụ nữ phường Hòa Hưng đã thành lập các nhóm Zalo để thuận tiện liên lạc với 41 chi hội trưởng phụ nữ. Theo chia sẻ của bà Quế Băng, trong tuần thứ hai, phiên họp ban chấp hành Hội LHPN phường sẽ được tổ chức để các chi hội trưởng gặp gỡ nhau, công bố, triển khai chương trình công tác 6 tháng, đồng thời phân công lãnh đạo hội phụ trách các chi hội tại địa bàn mới.
Kết nối, tạo giá trị cho cộng đồng
Tại xã Hiệp Phước (sáp nhập từ các xã Long Thới, Nhơn Đức và xã Hiệp Phước cũ), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trần Thị Kim Đính đã nhanh chóng tiếp cận, yêu cầu 38 chi hội vận động hội viên phụ nữ trồng thêm cây xanh tại 15 tuyến hẻm, trồng và chăm sóc cây xanh tại 3 không gian xanh trên địa bàn, tiếp tục hỗ trợ người dân khó khăn tại địa phương… Theo đó, các chi hội đã trao tặng 128 phần quà, nấu và phát miễn phí 830 suất ăn.
 |
Hội Phụ nữ xã Hiệp Phước thực hiện mô hình “Hạt gạo nghĩa tình” |
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Phụ nữ xã Hiệp Phước tiếp tục phát huy điểm “Bán hàng - kết nối - trưng bày - tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của hội viên phụ nữ” tại điểm tạp hóa Hồng Hải giúp quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch do hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sản xuất; trao tặng tủ bán vé số cho chị Nguyễn Thị Nhãn - phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Tại địa bàn TP Dĩ An và TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũ, ngay từ những ngày đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Đông Hiệp (sáp nhập từ các phường Tân Đông Hiệp, Thái Hòa và Tân Bình), bà Chu Thị Thanh Thủy đã cùng tập thể cán bộ cơ quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của tháng Bảy và 6 tháng cuối năm, nắm vững địa bàn và thế mạnh của từng chi tổ hội. Hội đã thành lập fanpage của Hội Phụ nữ phường, 12 fanpage các chi hội khu phố và 50 nhóm Zalo để trao đổi thông tin.
Sau 1 tuần hoạt động, Hội Phụ nữ phường Tân Đông Hiệp đã tổ chức 4 chương trình hướng đến chăm sóc sức khỏe và chăm lo cho hội viên. Bà Thanh Thủy bộc bạch: “Được tiếp tục gắn bó với công tác hội và phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, với tôi là niềm hạnh phúc lớn nhưng cũng là thử thách. Tôi xác định đây là cơ hội để nỗ lực, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ. Tôi và tập thể sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, sẵn sàng cho một giai đoạn hoạt động mới, hiệu quả hơn, vững vàng hơn trong công tác chăm lo và phát triển phong trào phụ nữ”.
TPHCM và 5 nhiệm vụ trọng tâm sau sáp nhập Trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, với địa bàn hoạt động rộng lớn và quy mô dân số hơn 14 triệu người, trong đó có trên 2,1 triệu hội viên phụ nữ, Hội LHPN TPHCM xác định 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên tập trung triển khai ngay để giữ vững tổ chức, tạo sự chuyển động đồng bộ và hiệu quả cho cả hệ thống. 5 nhóm nhiệm vụ gồm: Ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự sau sáp nhập: Hội LHPN TPHCM đã chỉ đạo rà soát toàn diện mô hình tổ chức, nhân sự, đảm bảo việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhưng không làm gián đoạn công tác hội. Chúng tôi chú trọng lắng nghe tâm tư cán bộ hội cơ sở, tạo sự đồng thuận cao, giữ tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ hội các cấp, nhất là ở những địa bàn mới sáp nhập. Tăng cường kết nối, nắm bắt tình hình phụ nữ toàn địa bàn: Với đặc điểm địa bàn mở rộng, chúng tôi xác định phải đi thực tế, kết nối nhanh với các khu vực vùng ven, nông thôn mới, khu lao động di cư… để nắm bắt, không bỏ sót nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, nhất là nhóm yếu thế, để từ đó xây dựng kế hoạch hành động sát thực tiễn, có tính bao trùm, công bằng trong tiếp cận chính sách. Giữ vững nhịp độ và khí thế phong trào phụ nữ TPHCM: Hoạt động hội và phong trào phụ nữ 3 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM trước đây luôn là nơi xuất phát của nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Vì thế chúng tôi đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp hội duy trì đều các hoạt động truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng kiến mới phù hợp với bối cảnh địa phương sau sáp nhập. Trọng tâm là các hoạt động chăm lo an sinh, phụ nữ khởi nghiệp, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ứng dụng công nghệ trong kết nối hội viên… Đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều hành và truyền thông: Với quy mô dân cư lớn, địa bàn rộng, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, sắp tới, hội sẽ kết nối tài nguyên số để hoàn thiện hệ thống quản lý dữ liệu hội viên, tăng cường truyền thông số, triển khai các nền tảng trực tuyến, giữ kết nối thông suốt từ thành hội đến chi hội để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành và tương tác với hội viên phụ nữ. Gắn kết sức mạnh liên ngành và cộng đồng: Là thành viên, tổ chức trực thuộc MTTQ Việt Nam TPHCM, hội sẽ phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm lo phụ nữ, trẻ em, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, doanh nghiệp, mạnh thường quân và các cấp chính quyền để huy động nguồn lực xã hội trong chăm lo. Bà Võ Ngọc Thanh Trúc - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM |
Nguyệt Minh