Trở ngại khiến trái cây miền Bắc chưa thể xuất khẩu nhiều

06/12/2024 - 17:51

PNO - Chiều 6/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Hội làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Diễn đàn tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hòa Bình, kết hợp trực tuyến tại 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Diễn đàn tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hòa Bình, kết hợp trực tuyến tại 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở các tỉnh miền Bắc thuận lợi để phát triển nhiều loại cây ăn trái, nhưng thị trường tiêu thụ chính vẫn là nội địa. Gần đây, một số loại như vải thiều, nhãn đã xuất khẩu chính ngạch được vào Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ.

Bộ NN-PTNT nhận định, phần lớn trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc, gây rủi ro cao nếu thị trường này thay đổi đột ngột về chính sách nhập khẩu. Trong khi đó, hạn chế của trái cây trong nước là bảo quản sau thu hoạch kém khiến sản phẩm dễ hư hỏng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp. Các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vườn cam phục vụ xuất khẩu sang Malaysia tại tỉnh Hòa Bình
Vườn cam phục vụ xuất khẩu sang Malaysia tại tỉnh Hòa Bình

Theo ông Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ Thực vật), hiện sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các quy định chung về kiểm dịch thực vật như: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu...

Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau. Như cây có múi, EU yêu cầu phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề do Cục cấp. Trong khi Hàn Quốc lại yêu cầu quả bưởi phải được cơ sở xử lý hơi nước nóng đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục phê duyệt. Quá trình xử lý thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh đó, miền Bắc vẫn chưa xử lý tại chỗ được một số loại trái cây mà phải đưa vào miền Nam xử lý.

Các chuyên gia nhận định, sản xuất cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc có tiềm năng lớn, nhưng cần giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo quản, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường bền vững… để phát triển lâu dài.

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI