Tranh cãi về đề thi học sinh giỏi văn lớp Chín của Hà Nội

10/01/2020 - 08:22

PNO - Đề thi học sinh giỏi lớp Chín môn văn ở Hà Nội ngày 8/1 đang gây tranh cãi giữa các phụ huynh, thậm chí cả giáo viên cũng bất đồng quan điểm vì nên hay không nên yêu cầu học sinh so sánh hình ảnh người cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà và người cha trong Chuyện người con gái Nam Xương.

Cụ thể, câu số 2 của đề thi yêu cầu: “So sánh nỗi niềm của người cha trong hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)”. Nhiều người cho rằng không nên yêu cầu học sinh so sánh nhân vật Trương Sinh và ông Sáu vì người đa nghi, hay ghen như Trương Sinh thì không có nỗi niềm gì để so sánh với người cha đáng kính như ông Sáu.

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho hay: “Đề đặt vấn đề so sánh giữa Trương Sinh và ông Sáu, khi điểm giống nhau duy nhất của họ là hai người đàn ông đi lính khi đã có vợ con. Yêu cầu so sánh nỗi niềm của người cha trong hai tác phẩm trên là hoàn toàn phi lý, phi logic.  Bởi Trương Sinh có con trai nhưng không có nỗi niềm của người cha mà chỉ có nhân cách kém cỏi của người chồng. Còn ông Sáu được Nguyễn Quang Sáng khắc họa đặc biệt sâu đậm trong tất cả mọi nỗi niềm của tình phụ tử. Đó là yêu cầu so sánh hai đối tượng không cùng loại...”.

Đề thi văn gây tranh cãi
Đề thi văn gây tranh cãi

Theo cô Tuyết, bất kỳ câu hỏi so sánh nào cũng phải xuất phát từ nguyên tắc: chỉ so sánh sự khác nhau của những đối tượng cùng loại. Không chỉ sai trong kiểu bài so sánh, nếu không xác định đúng bình diện quan sát, mục đích khắc họa nhân vật, dù phân tích độc lập cũng sẽ sai. Với câu hỏi trên, kỳ thi có thể sẽ tìm được học sinh giỏi và có bản lĩnh thực sự khi dám phản biện đề, dám chỉ ra: trong Chuyện người con gái Nam Xương chỉ có người chồng, trong Chiếc lược ngà chỉ có người cha - nên yêu cầu so sánh nỗi niềm của người cha trong hai tác phẩm ấy là bất khả thi.

Còn phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Hải Phong, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Tôi có ý kiến trái ngược với cô Tuyết. Cơ sở để so sánh hai tác phẩm chính là tình huống cổ mẫu “không nhận biết cha” nằm ở tình tiết trung tâm mạch truyện kể của cả hai tác phẩm. Cả hai tình huống không nhận biết đó đều có phần nguyên do chung - chiến tranh, sự cách mặt - cách lòng. Cuối mỗi truyện dù có tới được sự đồng lòng thì cũng vẫn là trong cách trở.

Trương Sinh ít học, hay ghen, ba năm không gặp vợ, chưa từng biết mặt con, hay ông Sáu ra đi chiến đấu khi con “chưa đầy một tuổi”, vợ còn đôi lần gặp lại, chứ con thì chỉ “thấy qua ảnh”, nôn nóng gặp con - đều bởi chiến tranh mà không được nhận biết là cha. Mọi sự trong cả hai truyện đều từ những trăn trở bởi không được nhận biết là cha mà ra”.

Thầy Phong cho rằng: “Trong trường hợp này, từ “nỗi niềm” không chỉ được hiểu nhất thiết phải có những biểu hiện diễn biến tâm trạng, biểu hiện tâm lý cụ thể, mà còn có thể hiểu đơn giản chỉ là vị thế “vướng mắc tâm tư” của người cha trong tình huống “không được nhận biết”. Chỉ cần họ là những nhân vật có cùng chức năng trong một tình huống truyện tương đương là đủ cơ sở so sánh. Tất nhiên, đã so sánh là phải chỉ ra và lý giải sự khác biệt. Tôi hy vọng đề thi ít nhiều có thể tìm thấy sự đồng cảm từ chính những học sinh giỏi lớp Chín còn chưa bị lời người khác lấn át cảm nhận độc lập”. 

Đại Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Võ Hà Trang 10-01-2020 19:39:16

    Tôi thấy đề hay. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, nhân vật Trương Sinh có nói với con "...lòng cha buồn khổ lắm rồi", tôi thấy so sánh 2 nhân vật này đề người đọc cùng suy ngẫm về hậu quả của chiến tranh, cái giá của hòa bình, sự bình yên và sự đoàn viên, như cách lý giải của thầy Phong là được. Học Văn, cho phép người học có cái nhìn đa chiều về nhân vật, về tác phẩm. Nên ra đề khác lạ như trên để có cách khám phá mới...về tác phẩm văn học.

  • nguyen nguyen 10-01-2020 18:00:07

    Thật buồn cười cho TS Phong. Tôi cứ nghĩ trình độ GV dạy Văn bây giờ quá kém nên HS mới chán môn Văn, chứ không ngờ một TS khoa Ngữ Văn của trường ĐH Sư Phạm cũng có trình độ và nhận xét về nhân vật Tác Phẩm như vậy thì đúng là HS sợ môn Văn cũng đúng. Rất rõ ràng Tác Phẩm Người Con Gái Nam Xương chỉ nói về Nỗi niềm tâm tư của người con Gái, yêu chồng, thương con, một lòng chung thủy, nhưng đáp lại là sự nghi ngờ ghen tuông nên lấy cái chết để giải oan. Nội dung câu chuyện đưa người đọc về một khía cạnh khác, Còn người cha trong chuyện, thì có nỗi niềm gì với Con mà so sánh, không có ước mong gặp vợ, con, Chỉ ghen tuông và nghi ngờ vợ phản bội. Sao lại so sánh với nhân vật ngày đêm mong ước được thấy con mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI