TPHCM thích ứng linh hoạt để phục hồi sau đại dịch

03/12/2021 - 06:37

PNO - Qua gần hai ngày làm việc, chiều 2/12, Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10 (mở rộng), khóa XI đã kết thúc, nhất trí thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TPHCM trong năm 2021 - 2022 và các năm tiếp theo.

TPHCM cần xung lực mới để phát triển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, cuối tháng 9/2021, TPHCM đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới” với nhiều tổn thất nặng nề trước đó.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị

Quý I/2021, kinh tế, xã hội của TPHCM phát triển khá đồng đều và ổn định (GRDP tăng 4,58%), sau đó bắt đầu chững lại và cuối năm 2021 thì sụt giảm nghiêm trọng. Lần đầu tiên từ giai đoạn đổi mới, TPHCM có tăng trưởng âm 6,78% (trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%). Dù vậy, vẫn có một số điểm sáng, như kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu ngân sách đến cuối năm có thể đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu tập trung góp ý về các nhóm giải pháp, nhiệm vụ, quyết sách có thể tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đô thị, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19; biện pháp hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, tạo động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; các giải pháp cụ thể hóa chiến lược y tế - chiến lược trụ cột trong giai đoạn “bình thường mới”.

Hội nghị đã ghi nhận 116 lượt góp ý tại tổ với 376 vấn đề và 14 phát biểu tại hội trường xoay quanh kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở các địa phương; những khó khăn về nhân lực y tế cơ sở và đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực y tế tham gia phòng, chống dịch với mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám gia đình; đề xuất chế độ, chính sách cho cán bộ xã; công tác xây dựng các chính sách hỗ trợ, chăm lo an sinh xã hội; các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Thủ Đức, chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi xác định, năm 2022, để thích ứng linh hoạt, TPHCM cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, bao gồm đảm bảo trụ cột y tế là hàng đầu, trọng tâm để đảm bảo an toàn cho việc phục hồi kinh tế; phục hồi kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; huy động các nguồn lực cho phát triển. 

Về nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM sẽ quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về TP.Thủ Đức và H. Cần Giờ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), chuẩn bị tổng kết và đề xuất cơ chế tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện; tiếp tục hoàn thiện đề án phân cấp, phân quyền cho TP.Thủ Đức và đề án cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức; tham mưu, đề xuất xây dựng nghị định mới của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước cho TPHCM; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, việc phối hợp giữa các sở, ngành với các quận, huyện về thủ tục. UBND TPHCM cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng và thực hiện đề án quản lý hiệu quả tài sản công, nhà, đất công; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đối tác công - tư (PPP)…

Ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị nhất trí đánh giá, năm 2021 là năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ. Toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân đã chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 và từng bước vượt qua thử thách, đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn “bình thường mới”. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 - Ảnh: Việt Dũng

Từ thực tiễn ứng phó với đại dịch, Đảng bộ TPHCM rút ra một số bài học quan trọng, đặc biệt là phải tập trung bảo vệ hệ thống y tế và đội ngũ tuyến đầu, trước hết là y tế cơ sở, y tế cộng đồng; huy động tối đa năng lực y tế; phát huy y tế tư nhân, quân y, đông y để chung sức với hệ thống y tế, bằng mọi cách không để quá tải.

“Những bài học kinh nghiệm bước đầu này vô cùng quan trọng, sẽ được tiếp thu, vận dụng, cụ thể hóa trong chiến lược y tế và kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố thời gian tới, trước mắt là bổ sung vào chiến lược y tế, chiến lược an sinh xã hội, truyền thông, khoa học công nghệ” - ông nói. 

Hội nghị cũng đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với chủ đề của TPHCM năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” và xác định chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6 - 6,5%.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, đây là chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin: “Cơ sở và niềm tin trước hết là sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của đồng bào thành phố; giới khoa học, công nghệ, doanh nhân đã được thử thách, tăng cường qua đại dịch. Chúng ta có niềm tin khi mối quan hệ chia sẻ từ bộ, ngành, các địa phương được tăng cường; các quận, huyện, ban, ngành đã tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, gắn kết qua công tác phòng, chống dịch”.

Hội nghị nhất trí rằng, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị TPHCM năm 2022 là tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”; từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội vững chắc, an toàn, có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt chú trọng triển khai đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng giữa TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học; tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt...

Hội nghị cũng nhất trí không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đề ra. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.

Hội nghị đã thảo luận và cơ bản nhất trí chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 là: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”. Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh giải pháp kiện toàn, củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; củng cố và vận hành linh hoạt mô hình tổ chức của hệ thống chính trị ở phường, xã, thị trấn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là tổ chức lại công tác đánh giá cán bộ, thực hiện nghiêm các quy trình công tác cán bộ. 

“Đánh giá phải trên cơ sở sản phẩm, công việc cụ thể theo quy trình công tác cán bộ. Việc đánh giá phải đảm bảo thiết thực. Đánh giá là để đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng. Đánh giá đúng thì sẽ phát huy được năng lực cán bộ” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói. 

Tam Bình

 

 
TIN MỚI