Tội phạm mang cấp hàm

30/07/2018 - 06:00

PNO - Họ rất ý thức về việc sử dụng, nuôi giữ và kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực gắn với xử lý tài sản nhà nước; quyền lực này càng cao, càng lớn thì việc giám sát càng nhẹ, càng dễ, càng buông.

Hôm nay, ngày 30/7, tại Hà Nội, dự kiến có hai phiên tòa cùng diễn ra, một do Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xét xử vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” của bị can Phan Văn Anh Vũ cùng hai tội danh khác là trốn thuế và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; một do Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của bị can Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm cùng tội danh khác là “sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.

Toi pham mang cap ham
Phan Văn Anh Vũ (trái) và Đinh Ngọc Hệ

Trước khi phạm tội, Vũ là thượng tá công an, Hệ là thượng tá quân đội. Trong khi phạm tội đều là những đại gia mang cấp hàm. Quá trình phạm tội đều không đơn lẻ mà cho thấy có sự bao che, dung túng, cấu kết của nhiều đối tượng, thành phần, tổ chức có trách nhiệm, có chức năng, có quyền lực. Lĩnh vực phạm tội tập trung ở đất đai, bất động sản, cơ sở hạ tầng và chuỗi sinh lợi thương nghiệp thông qua những cú bắt tay, đánh tráo, rút ruột, chiếm dụng và cuối cùng là… chia phần vào các túi tham. 

Những cặp bài trùng doanh nhân - tướng lĩnh như Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam - Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Anh Vũ - Phan Hữu Tuấn, Đinh Ngọc Hệ - Bùi Văn Tiệp… cho tới ngày bị pháp luật điểm mặt chỉ tên đã phơi bày mê cung và huyệt lộ của “tham nhũng cấu kết” - từ dùng của giáo sư Minxin Pei, tác giả cuốn Tư bản thân hữu Trung Quốc (nhà xuất bản Hội Nhà văn) - một hình thức tham nhũng trỗi dậy từ sau năm 1990 ở Trung Quốc mà sức tàn phá của nó “mạnh hơn tham nhũng cá nhân vì hành vi đó hủy hoại cơ cấu tổ chức và chuẩn mực của nhà nước, khó bị phát hiện hơn và mang lại lợi lộc tài chính lớn hơn cho thủ phạm”. 

Hơn thế, một khi hành vi phạm tội bắt nguồn từ sự tin cậy suy đồi và lợi ích liên minh; phạm tội ngay khi đã và đang thực thi nhiệm vụ công chính, thăng chức thăng hàm ngay khi đã và đang phạm tội; vi phạm luật pháp được ngụy trang và che đậy kéo dài ngay trong chính cơ quan thực thi pháp luật để tạo ra những bẫy cấu kết lũng đoạn và phá hoại sức mạnh từ bên trong của một tổ chức kiểm soát pháp luật thì sẽ dễ dẫn đến niềm tin xã hội ít nhiều bị lung lay. 

Và thật sự, đấy là lời cảnh báo cho sự tồn vong của chế độ, sự ổn định của xã hội, sự bền vững của quốc gia. Bởi, họ - một bộ phận cán bộ không nhỏ ấy - rất ý thức về việc sử dụng, nuôi giữ và kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực gắn với xử lý tài sản nhà nước; quyền lực này càng cao, càng lớn thì việc giám sát càng nhẹ, càng dễ, càng buông. Mâu thuẫn, bất bình nội tại cũng là từ đây. Bức xúc, xung đột xã hội cũng lan dần từ đó.

Vụ án đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu lãnh án tử hình tại Tòa án Binh Tối cao vào ngày 5/9/1950 vẫn còn đó. Ngay giữa thời điểm cam go, thiếu thốn về mọi mặt, là người đứng đầu Cục Quân nhu, Châu đã lệnh cấp dưới nâng khống giá mua vải, cấp con dấu giả, nhận hối lộ, hưởng thụ xa hoa… Vụ việc được điều tra và báo cáo về Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm”. 

Tử hình một đại tá quân nhu ngay trước thời điểm bước vào chiến dịch, đó là một quyết định không dễ dàng nhưng là quyết định nghiêm minh, sáng suốt. Hơn 10 ngày sau, quân dân đồng lòng bước vào chiến dịch Biên giới Thu - Đông. Đông Khê, Cao Bằng rồi Thái Nguyên, Hòa Bình được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng, nối dài cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến chiến thắng lịch sử Điện Biên. 

Ngày 27/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác. 

Ngày 28/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Bùi Văn Thành và công bố mức kỷ luật đối với các tướng lĩnh, tổ chức Đảng vi phạm. 

Không có bước lùi. Không có độ trễ. Quân pháp bất vị thân, quân pháp là vị nhân, là củng cố lòng tin nhân dân vào nền dân chủ pháp trị. 

Ngày 28/7, Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhận mức kỷ luật cảnh cáo. 

Cũng ngày ấy, lễ truy điệu hai liệt sĩ phi công, đại tá Phạm Giang Nam và thượng tá Khuất Mạnh Trí. Đồng đội, gia đình và nhân dân kính cẩn, tiếc thương tiễn đưa hai người con ưu tú của bầu trời về với lòng đất… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI