Tình yêu thương như mùi hương của đất

08/02/2022 - 06:04

PNO - Gần 100 năm trước, những quán cơm từ thiện đầu tiên đã xuất hiện tại Sài Gòn, kịp thời cứu giúp biết bao cảnh đời khốn khó. Trăm năm sau, sự tử tế, lòng nhân ái và tình yêu thương tiếp tục nối dài, lan tỏa trên mảnh đất lành…

Bữa cơm bình dân “giúp nhau khi đói khó”

Sài Gòn thập niên 1930 là giai đoạn đầy khó khăn của đất nước khi kinh tế khủng hoảng trầm trọng, người dân phải liên tục đối mặt với bão lụt, người lao động ở các thành phố lớn thất nghiệp, công nhân có đồng lương thấp. Và người nghèo, người vô gia cư được miêu tả trong tình cảnh: “Dựa lề đường, dưới bóng cây, trên thềm gạch, có một đám người đàn ông có, đàn bà có, trẻ con có, áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc…”, theo Phụ nữ Tân văn số 121, ngày 3/3/1932. 

Thời điểm này, ở Hà Nội đã có Viện Tế bần, Phụ nữ Tân văn - tờ báo quốc ngữ thứ hai dành cho nữ giới lúc bấy giờ, sau tờ Nữ giới chung (1918) - mở lời kêu gọi Sài Gòn noi gương Hà Nội, thành lập các tổ chức, cơ sở để chăm sóc, cưu mang những cảnh đời bất hạnh. “Dân một nước cũng như con một nhà, cái nghĩa vụ của mọi người là phải thương yêu đùm bọc lấy nhau cho lắm. Thương yêu nhau là một cái quyền thiêng liêng của kẻ làm người”, “Nếu ta không biết tới một cái nghĩa vụ cần kíp trước mắt, thì cần gì phải biết tới những cái khác?” - lời nhắn gửi đồng bào của Phụ nữ Tân văn trên số báo 115, ngày 7/1/1932.

Những bản tin ngắn thông báo về “Bữa cơm bình dân” trên báo Phụ nữ Tân văn
Những bản tin ngắn thông báo về “Bữa cơm bình dân” trên báo Phụ nữ Tân văn

Những quán cơm cho người nghèo đã xuất hiện khắp nơi ở Sài Gòn, bây giờ trở thành hình ảnh thân thương trên đất lành. Nhưng có lẽ, không nhiều người biết mô hình ấy được khởi xướng từ một tờ báo nữ giới, hoạt động lần đầu vào năm 1932. Trái tim ấm áp của phụ nữ đã cùng gầy dựng nên một phong trào xã hội vô cùng ý nghĩa. Từ số báo 199, ngày 11/5/1933, Phụ nữ Tân văn chính thức đăng thông tin: “Một công trình về xã hội: Bữa cơm bình dân cứu giúp người thất nghiệp. 500 thiếp mời phát cho người thất nghiệp ăn tại: 1. Quán cơm Nguyễn Thị Khỏe, 54 Rue d’Ormay kế nhà in Ardin (nay là đường Mạc Thị Bưởi - PV); 2. Quán cơm An Nam ở gần ga Taberd (nay là đường Hai Bà Trưng). Phàm người lao động cần cứu cấp cứ tự do lại báo quán 48 đường Vanier để lấy thiếp không cần phải trình bày chi tiết”.

Sau đó, báo mở thêm được quán cơm thứ ba tại số 29 đường Amiral Roze (nay là đường Trương Định, Q.3). Nguồn kinh phí duy trì những quán cơm từ thiện này là từ các nhà hảo tâm “đàn ông có lương tháng, có đất vườn, cùng chia sớt công việc với nhau, giúp đỡ cho giống nòi Hồng Lạc”. Không kêu gọi Chính phủ và không nhờ đến phụ nữ vì “phụ nữ đều có việc ở Hội Dục Anh” - tổ chức chăm sóc trẻ em nghèo, mồ côi. Lấy sức dân mà cưu mang dân cũng là đây. Trên Phụ nữ Tân văn số 200 có bài Giúp nhau khi đói khó, bày tỏ tấc lòng của nữ lưu: “Nhơn thấy nhiều cảnh đói khát ở chung quanh Saigon ngày càng nhiều, mà phương pháp cứu cấp thì chưa có.

Chúng tôi đã thấy đã biết thì không thể nào làm lơ được, nên chỉ chúng tôi tùy theo sức mình lập ra cách cứu giúp tạm thời để đỡ ngặt cho mấy người hụt bữa”. So với những vấn đề xã hội khác, thông tin về bữa cơm bình dân chiếm vị trí khiêm tốn trên báo nhưng hiệu quả lan tỏa rộng rãi. Thông điệp “Chúng ta được no đủ thì nên nhớ kẻ đói thiếu” và những hoạt động từ thiện đã được tiếp sức, nối dài bằng những tấm lòng của người Sài Gòn. Huế - Sài Gòn - Hà Nội khi ấy đều có những Viện Tế bần, Hội Lạc thiện, Hội đồng tế bần… để “cứu những người nghèo khổ tàn tật, không cơm ăn, không áo mặc”. 

Lần giở những trang báo xưa mà thấy trăm năm như trước mắt. Đâu đó hình ảnh “những người khốn khổ” của Sài thành đã được “tiếp dọn tử tế” những bữa ăn ngon. Người trăm năm không còn nhưng giá trị của sự tử tế, lòng nhân ái và tình yêu thương như mùi hương của đất. 

Cơm xã hội nối dài những tấm lòng

Suốt những năm thập niên 1960 - 1970, giữa lòng Sài Gòn có những quán cơm 5 đồng đã nuôi lớn bao thế hệ sinh viên trưởng thành, thành đạt. Những gương mặt từng đi xe đạp đến “ăn cơm xã hội” trong những khuôn viên chùa ngày xưa có nhiều tên tuổi nhà văn, nhà báo nổi tiếng sau này. Trong đó có cựu nhà báo Nam Đồng - nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, người sáng lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười (đến nay đã có bảy chi nhánh trong thành phố).
“Hồi đó, các điểm tổ chức cơm xã hội thường là trong khuôn viên các chùa. Người ăn chủ yếu là người lao động, đạp xích lô, sinh viên nghèo. Chỉ cần mua phiếu 5 đồng là có được bữa cơm. Cơm trắng thì ăn miễn phí muốn lấy thêm bao nhiêu cũng được” - ông Nam Đồng nhớ lại.

Ký ức mấy mươi năm vẫn mãi ở lại trong tâm trí một người già, ông nói, chính nhờ những bữa cơm xã hội đó mà thế hệ ông - những sinh viên nghèo thời bấy giờ được yên tâm học hành, làm việc. Thuở ấy, ông còn là sinh viên hoạt động nội thành. Suốt ba năm từ 1967 - 1970, ngày ngày chàng sinh viên Nguyễn Minh Lộc (tên thật của nhà báo Nam Đồng) chạy xe đạp đến các điểm cơm xã hội trên đường Cống Quỳnh hoặc Điện Biên Phủ (trước năm 1975 là đường Phan Thanh Giản), Trần Quốc Toản (nay là đường Ba Tháng Hai) “ăn cho no bụng”. 

Cơm xã hội do Nha Xã hội (tương đương với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay) tổ chức và cung cấp gạo miễn phí. Còn các phật tử, tiểu thương ở các chợ Sài Gòn cùng nhau quyên góp rau củ thịt cá. Trong ký ức người xưa, những quán cơm xã hội đã được tổ chức từ những năm đầu thập niên 1960. Mỗi suất ăn được bán đồng giá 5 đồng - số tiền rất nhỏ nhưng vẫn thu để người nghèo đến nhận cơm ăn không phải ngại ngần, mặc cảm.

Gần nửa thế kỷ sau, người trai trẻ ngày trước được nuôi sống từ những bữa cơm xã hội ấy trở thành người sáng lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười với giá bán mỗi phần ăn chỉ 2.000 đồng, cũng với tinh thần để người lao động, sinh viên nghèo có thể thoải mái đến ăn mà không phải lo lắng nghĩ ngợi điều gì. Mỗi phần ăn của quán Nụ Cười gồm bốn món (thực đơn đủ các món mặn, canh, rau… cả trái cây tráng miệng và trà đá, cơm thêm miễn phí).

 

Chuẩn bị cơm cho bà con nghèo
Chuẩn bị cơm cho bà con nghèo

Ngoài việc cho người nghèo những bữa ăn ngon, Nụ Cười còn là nơi lan tỏa sự tử tế và tình yêu thương. Người đến ăn, người đến cho, người làm tình nguyện… Tất cả cùng kề vai san sẻ, gánh vác bằng lòng nhân ái để chuỗi quán cơm xã hội hoạt động gần một thập niên dù lúc đầu ai cũng lo kinh phí đâu cho đủ mỗi ngày 500 suất ăn, mỗi suất đều phải bù lỗ từ 18.000 - 20.000 đồng. 

Những tấm lòng gắn kết những tấm lòng, nối dài sợi dây yêu thương bền bỉ qua trăm năm. Trong những ngày căng thẳng nhất của thành phố, những tình nguyện viên của chuỗi quán cơm Nụ Cười vẫn lặng lẽ, miệt mài nấu cơm cưu mang người nghèo. Thời gian không có để ăn tại chỗ thì quán chia từng phần để người nghèo ghé lấy mang đi. Ngoài ra mỗi ngày có hàng ngàn phần cơm được nấu gửi đến y, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến. “Người Sài Gòn mình đặc biệt lắm, dù khó khăn đến mấy thì cũng tìm cách để đóng góp, gửi lương thực thực phẩm về quán. Ai cũng tưởng lúc người dân Sài Gòn không thể đi chợ thì nguồn thực phẩm dự trữ của Nụ Cười cũng bị hụt nhưng không phải vậy. Từ trong lòng phố, từ những vùng ven, các tỉnh thành lân cận đã tìm cách tiếp sức cho quán luôn đủ lương thực thực phẩm hỗ trợ đồng bào” - ông Nam Đồng chia sẻ. 

Chính chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười cùng hàng loạt những quán cơm, siêu thị 0 đồng mọc lên khắp thành phố trong suốt thời gian giãn cách đã cưu mang biết bao người nghèo trong cơn khốn khó, căng thẳng nhất của dịch bệnh. Những bữa cơm thơm lành đã nâng đỡ biết bao cảnh đời nghèo… 

Cơm từ thiện thương nhau qua đại dịch

Những quán cơm từ thiện thực ra đã có rải rác khắp Sài Gòn từ lâu, từ trước khi chuỗi quán Nụ Cười thành lập. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ điểm phát cơm từ thiện, cơm 0 đồng lại có mặt trên mọi ngả đường như trong thời gian dịch bệnh. Bếp ăn Thương Sài Gòn, bếp từ thiện Hoa Tâm, Nhất Tâm, bếp cơm Vui Vẻ, bếp Yêu Thương, quán cơm chay xã hội Cường Béo, cơm rau quả 0 đồng của ngoại My… Và thật không thể kể hết những quán cơm bình dân đã tự chuyển mình thành quán 0 đồng, những tổ chức/cá nhân thiện nguyện nấu cơm miễn phí phát cho người nghèo trong đại dịch.

 

Ông Nam Đồng hỏi thăm thực khách tại quán cơm Nụ Cười (trước khi có dịch Covid-19)
Ông Nam Đồng hỏi thăm thực khách tại quán cơm Nụ Cười (trước khi có dịch Covid-19)

Những khẩu hiệu: “Cơm di động miễn phí - Mỗi người một suất, ai cần đến lấy”, “Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần”, “Ai có thì cho, ai cần thì nhận”… hay những tấm biển đề “Cơm miễn phí”, “Cơm 0 đồng”… xuất hiện khắp mọi nơi, ngay giữa lòng thành phố lẫn trên những cung đường về quê. Những bếp ăn từ thiện đỏ lửa ngày đêm, hàng vạn suất ăn ấm nóng, đậm tình người đã được trao đi. Nếu như trước đây các phần ăn chủ yếu dành cho người nghèo thì nay những phần cơm nghĩa tình được gửi đến cho cả các y, bác sĩ bệnh viện dã chiến, bà con trong khu cách ly/phong tỏa. Tình nguyện viên có mặt khắp ngõ ngách Sài Gòn, đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già và cả phần góp ống heo tiết kiệm của các em nhỏ. Không một ai ngại ngần chuyện tương trợ đồng bào trong nguy khó.

Tất cả góp thành một “mặt trận yêu thương”, một “thế trận” vững vàng làm nên thành trì cho sự sống. Và từ khắp mọi ngả đường, hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở nông sản, lương thực - thực phẩm của bà con cả nước gửi về tiếp sức Sài Gòn, tiếp sức cho những quán cơm 0 đồng đỏ lửa. Những hình ảnh ấy, về sau nhớ lại, có lẽ vẫn luôn khiến người ta rơi nước mắt. Nghĩa tình trong đại dịch là điều quý giá nhất mà đời người, mãi mãi không quên.

 

Quán cơm Nụ Cười  luôn hết lòng phục vụ bà con
Quán cơm Nụ Cười luôn hết lòng phục vụ bà con

Nếu không có những bữa cơm nghĩa tình này, tự hỏi, bao cảnh đời nghèo khó biết cùng thành phố vượt qua đại dịch như thế nào? Nhìn những bức ảnh chụp lại, có đôi bàn tay của người già đưa qua khe cửa xin hộp cơm vào lúc chiều muộn hay những đôi mắt mừng rỡ trong thẫn thờ của người nghèo khi cầm được hộp cơm từ thiện trên tay khiến lòng người thắt lại. Đời người, suy đến cùng, sự sống và ấm áp có được, đều phải bắt đầu từ những bữa cơm.

Tính cách văn hóa của con người đất phương Nam một lần nữa được nhìn thấy rõ nhất trong đại dịch: trọng nghĩa, bao dung, hào sảng, năng động… Trên mảnh đất này, hàng trăm năm trước, những đoàn lưu dân vào mở cõi, khai phá đất hoang đã chung sức chung lòng, tựa vào nhau để chống chọi với thú dữ, thiên tai, dịch bệnh… Tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của người phương Nam như mạch ngầm chảy trong huyết quản, khi gặp biến cố thì rất nhanh, cộng đồng đưa tay dìu đỡ nhau qua tai ương, khốn khó.

Trong tình cảnh mà mọi người đều được khuyến cáo “ở yên trong nhà” thì vẫn có biết bao người sẵn sàng dấn thân ra đường, ngược xuôi vất vả và chấp nhận cả nguy hiểm, rủi ro về phần mình để chăm lo cho người khác. Đó có thể gọi là gì nếu không phải là tinh thần nghĩa hiệp, lòng nhân ái và sự tử tế mà con người dành cho nhau?

Trăm năm được nhìn thấy bằng yêu thương trên mảnh đất lành, được triệu trái tim Sài Gòn tiếp lửa. Báo Phụ nữ Tân văn khởi đầu mô hình “Bữa cơm bình dân” để cứu giúp người nghèo qua cơn khó ngặt. Nửa thế kỷ trước, những quán cơm xã hội cưu mang biết bao người nghèo và cả nạn dân. Bây giờ, cơm 0 đồng ấm tình người trong đại dịch. Chợt nhớ lời người xưa: “Thương yêu nhau là một cái quyền thiêng liêng của kẻ làm người”. 

Bùi Tiểu Quyên - Ảnh: Nguyễn Tập, Tam Nguyên

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=