Hội Phụ nữ và cuộc chiến chống đói sau ngày giải phóng

12/05/2025 - 06:19

PNO - Sau ngày đất nước giải phóng, cùng với các tầng lớp nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định, Hội Phụ nữ đã tiếp tục hỗ trợ chính quyền giải quyết nhiều vấn đề ngổn ngang. Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu lúc bấy giờ là giải quyết bài toán lương thực, đảm bảo nồi cơm cho hàng triệu người dân.

Người nội trợ của toàn xã hội

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 5/1975, chính quyền mới được thành lập. Sau chiến thắng, đất nước đối mặt với vô vàn khó khăn. Mặc dù Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn, nhưng những tàn dư đã đặt ra nhiều thách thức. Thường vụ Thành ủy lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội và cấp bách hơn là giải quyết nguy cơ dân bị đói.

Bà Lê Thị Thu - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho hay, bộ máy chính quyền Sài Gòn chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ của Mỹ, cho nên khi Mỹ rút, 4 triệu dân Sài Gòn với nhu cầu lương thực lớn, đối mặt với nguy cơ bị đói. Ngày 15/6/1975, Nghị quyết hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lần thứ nhất đề ra nhiệm vụ “nắm chắc số quần chúng nghèo đói và tìm mọi cách phát gạo đến tận tay”.

Một đại lý bán gạo ở quận 4 do cán bộ Hội Phụ nữ phụ trách - Ảnh tư liệu
Một đại lý bán gạo ở quận 4 do cán bộ Hội Phụ nữ phụ trách - Ảnh tư liệu

“Không ai hiểu nồi cơm gia đình hơn phụ nữ” - bà Lê Thị Thu khẳng định. Cùng với quyết tâm “không để bất cứ người dân nào đói” của thành phố, Hội Phụ nữ đã đưa cán bộ nòng cốt đi khắp 21 quận, huyện để tìm hiểu đời sống nhân dân, đưa ra sáng kiến “dùng dân phân phối gạo cho dân”, không để lọt gạo vào tay gian thương. Dựa vào sáng kiến đó, Hội LHPN TPHCM đã tiến hành xây dựng mạng lưới phân phối với hàng ngàn tổ phục vụ khắp các quận huyện nội, ngoại thành. Mỗi tổ có từ 3-5 cán bộ đến nhận gạo ở phòng lương thực các quận huyện rồi mang về phân phối cho bà con tại các xóm lao động, phường xã theo giá chính thức của Nhà nước.

Từ các hoạt động thực tiễn nói trên, ngày 19/12/1976, Hội LHPN TPHCM được Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ thiết lập mạng lưới phân phối các loại hàng hóa thiết yếu cho nhân dân các phường xã, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để thu mua các loại nông sản, thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung cho nhân dân thành phố.

“Lúc đó, điều kiện hết sức khó khăn, lương thực không được dồi dào, chủ yếu là bo bo, bột mì do các nước viện trợ. Má tôi - bà Năm Diệu - đang làm hội trưởng phụ nữ, được cất nhắc làm Phó chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp. Vì là phó chủ tịch phụ trách tài mậu nên bà phụ trách luôn việc thành lập các tổ phân phối lương thực, thực phẩm. Mỗi phường thành lập một tổ đi thu mua cá, rau, thịt mang về tập trung ở 1 điểm rồi phân công chị em phụ nữ, cán bộ, hội viên ra đảm trách việc phân phối thông qua tem phiếu” - bà Lê Thị Thu nhớ lại.

Các tổ rau cá này dần được nâng lên thành hợp tác xã mua bán và bà Năm Diệu được phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán phường 9, quận Gò Vấp. Một thời gian sau, bà được rút về làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán quận Gò Vấp. Theo hình thức đó, đến cuối năm 1976, Hội LHPN TPHCM đã tham gia thành lập 10 công ty chuyên thu mua, buôn bán các loại hàng hóa, 4 hệ thống bán lẻ gồm 270 cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, 184 hợp tác xã mua bán, 500 tổ bán cá, rau, thịt… góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, phát huy sức mạnh của hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

“Xé rào” vì bữa cơm của dân

Không chỉ là lực lượng chủ yếu đảm đương mạng lưới thương nghiệp, hoạt động phân phối lưu thông, tháo gỡ khó khăn cho bữa cơm gia đình, cán bộ Hội Phụ nữ còn là những người tiên phong “xé rào”, cởi bỏ tấm áo “cơ chế” vốn rất chật chội, bức bối đang khoác lên TPHCM.

Bà Lê Thị Thu nhớ lại, ngày mới giải phóng, chính quyền mới phấn khởi bắt tay vào xây dựng đất nước nhưng chưa có kinh nghiệm, cũng không có mô hình cụ thể nào để đi, nên cứ mò mẫm. Trúng thì đi tiếp, trật thì dừng lại sửa. Bởi vậy, Thành phố Sài Gòn - Gia Định vốn mang tính chất “kinh tế thị trường” dưới chế độ cũ, sau giải phóng được khoác cho chiếc áo “phân phối, bao cấp”, nên bức bối, vùng vẫy để thoát ra.

“Vì vận hành theo cơ chế bao cấp nên bất cứ cái gì Nhà nước cấp người dân cũng phải lấy. Nhà nào cũng có ruột xe đạp, tủ vải, dù không có nhu cầu. Trong khi đó, gạo, lương thực cho bữa cơm hằng ngày thì thiếu thốn, phải ăn độn bo bo, khoai lang, bột mì. Ngược lại, bà con miền Tây sản xuất ra lúa gạo thì không bán được, vì không ai cho lưu thông. Vải vóc để may quần áo không có. Ngay cố Tổng bí thư Đỗ Mười đi về miền Tây thăm bà con, được cho 10kg gạo mang về thành phố, nhưng qua trạm kiểm soát vẫn bị giữ lại. Anh tài xế nói “gạo là của bà con cho bác Đỗ Mười”, mấy cậu gác trạm trả lời: “Có Đỗ Mười Một cũng không được chứ đừng nói Đỗ Mười” - bà Thu kể.

Bà Ba Thi (thứ tư từ trái sang) trong chuyến công tác mở rộng mạng lưới phân phối lưu thông đưa hạt gạo về TPHCM - Ảnh tư liệu
Bà Ba Thi (thứ tư từ trái sang) trong chuyến công tác mở rộng mạng lưới phân phối lưu thông đưa hạt gạo về TPHCM - Ảnh tư liệu

Để giải quyết những vấn đề khó khăn nói trên, bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) - cán bộ Trung ương hội đã được rút về Công ty Lương thực TPHCM - đề xuất với thành phố xuống miền Tây mua gạo về phân phối cho dân. Đề xuất của bà được ông Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy TPHCM - đồng tình, dù ông hiểu đó là việc làm sai quy định. Ông Sáu Dân đã “bật đèn xanh” bằng cách tạm ứng cho bà Ba Thi một số tiền để bà dùng danh nghĩa cá nhân xuống miền Tây mua gạo đưa về TPHCM. Là người sinh ra, lớn lên ở tỉnh Trà Vinh, từng lăn lộn khắp đồng bằng sông Cửu Long và cũng từng trong vai “buôn gạo” thời kháng chiến, bà Ba Thi biết rất rõ thị trường gạo nên nhận nhiệm vụ đi “phá vỡ thế bao vây” do “mình tự trói mình”.

Bà Lê Thị Thanh (Hai Thanh) - nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - khẳng định, nhiệm vụ cứu đói cho 4 triệu dân Sài Gòn ghi dấu công lao rất lớn của bà Ba Thi. Xuất phát từ thực tiễn lăn lộn trong phong trào phụ nữ, thở cùng hơi thở của dân nên bà hiểu rõ điều gì cần thiết cho dân trong giai đoạn khó khăn đó. Bà Hai Thanh nhớ: “Từ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, sau giải phóng, tôi về làm công tác phụ nữ tại Hội LHPN TPHCM. Sau chiến tranh có rất nhiều việc cần làm, nhưng chị Ba Thi nói trước nhất phải lo cái bao tử của chị em đã, chị em có no thì mới tính tới chuyện khác được. Tôi là lính ruột của chị Ba Thi nên đi đâu chị cũng mang tui theo. 2 chị em đội nón lá đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ để mua gạo”.

Trong ký ức của bà Hai Thanh, khi bà Ba Thi bộc bạch chuyện về miền Tây mua gạo cho thành phố, các chủ vựa lúa gạo đều hoảng hốt: “Trời ơi, tụi em ở đây còn đói nữa, gạo đâu mà bán!”. Vậy mà, dựa vào Hội Phụ nữ, mạng lưới được gầy dựng từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng thời, nhờ khả năng “dân vận” khéo, những chuyến về miền Tây của bà Ba Thi luôn có kết quả. Hội trưởng phụ nữ các tỉnh miền Tây trực tiếp cầm xuồng máy đưa bà Ba Thi luồn lách qua các kênh rạch về ruộng đồng, thậm chí đi hỏi thăm, vận động để giúp bà mua được gạo.

“Khó khăn lắm mới mua được gạo, nhưng làm cách nào để chở gạo về thành phố mới là vấn đề. Vì chúng tôi đi mua gạo là đi lén nên đâu dễ qua được các trạm kiểm soát dọc đường. Vậy nên chị Ba Thi yêu cầu người bán tự tính toán đường sá chở gạo về thành phố. Dân có nhiều cách đi tránh được các chốt chặn trên đường” - bà Hai Thanh kể.

Mua được gạo về, chính bà Ba Thi đứng ra mở tiệm gạo lớn để phân phối cho dân. Nguồn gạo này cũng được phân phối về các tổ mua bán ở phường, xã để cán bộ hội đứng ra phân phối. Bà Hai Thanh khẳng định: “Chính nhờ phụ nữ len lỏi mà thành phố không thiếu gạo. Không chỉ xé rào đi buôn gạo, bà Ba Thi còn “lách luật” lén mang hàng hóa thiết yếu từ Sài Gòn như vải, đường, bột ngọt xuống miền Tây đổi gạo. Dù sai quy định lúc đó, nhưng những việc làm của bà đã góp phần xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ” đang gây khó khăn cho người dân và cả nền sản xuất”.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI