Tiếng gọi nơi hoang dã: Nghịch cảnh là món quà của cuộc sống

02/03/2020 - 17:16

PNO - Không tăm tối như truyện,Tiếng gọi nơi hoang dã (2020) để lại những trăn trở cho người xem về năng lực phải chăng là vô hạn,, chỉ là bản thân mỗi người đã khám phá ra chưa.

Ai đã từng đi qua những năm tháng học trò hầu như đều biết nhân vật chú chó Bấc qua trích đoạn Chú chó Bấc trong sách giáo khoa. Dẫu đoạn trích từ tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã của nhà văn Jack London khá ngắn, chưa tải hết “sức nặng” của tác phẩm, nhưng cũng đủ mang lại cho người đọc những rung động về tình yêu thương gắn bó giữa con người và loài chó.

Những ký ức đẹp đẽ đó về chú chó Buck một lần nữa ùa về trong bản phim mới nhất Tiếng gọi nơi hoang dã vừa ra rạp. Chú chó Buck trên màn ảnh thế kỷ XXI được tái tạo hoàn toàn bằng kỹ thuật vi tính, khiến cảm xúc đôi lúc bị chi phối, nhưng cuộc hành trình trở về nguồn cội của Buck, tuy ở cột mốc lùi xa 117 năm so với tiểu thuyết, vẫn đọng lại trong lòng người xem những nghĩ suy về tình yêu loài vật, về bản lĩnh sinh tồn giữa cuộc đời.

Những bài học nhân sinh sâu sắc từ tiểu thuyết gốc được tiếp tục lan truyền trong phiên bản điện ảnh  Tiếng gọi nơi hoang dã (2020)
Những bài học nhân sinh sâu sắc từ tiểu thuyết gốc được tiếp tục lan truyền trong phiên bản điện ảnh Tiếng gọi nơi hoang dã (2020)

Buck ở đầu phim là chú chó được cưng chiều của gia đình thẩm phán Miller. Lớn lên trong “nhung lụa”, nên việc hằng ngày của Buck chỉ là rong chơi, quậy phá. Cho đến một ngày bị bắt cóc bán qua phương Bắc lạnh giá làm chó kéo xe, cuộc đời Buck rẽ sang một bước ngoặt khác. Từ một chú chó được nâng niu, Buck phải chịu cảnh đói rét, bị đánh đập, bị ức hiếp. 

Không đi sâu vào tái hiện những cuộc hành hạ Buck, hay những màn chiến đấu sinh tử giữa Buck và đồng loại như trong truyện, bản phim 2020 mô tả khá sơ lược để phù hợp với mọi đối tượng người xem. Nhưng chỉ qua vài khung hình mô tả nét mặt hoảng sợ, bàng hoàng, giận dữ, bất lực của Buck mỗi khi chiếc dùi cui vung lên cũng đủ làm người xem xót xa.

Rất may, Buck không bị rơi vào tay kẻ xấu quá lâu, nó sớm được bán cho hai nhân viên đưa thư Perrault, Francoise. 
“Tao không biết mày từ đâu đến, nhưng tao biết mày đang ở đâu. Chào mừng đến nơi tận cùng của trái đất! Nào Buck, giờ chúng ta chung số phận rồi, chúng ta là một khối. Hãy cùng bắt đầu hành trình nào!”. Lời chào của Perrault dành cho Buck cùng thái độ thân thiện của anh như xoa dịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà Buck đang hứng chịu.

Sau vài lần kéo xe trầy trật, ngã lên ngã xuống, rốt cuộc Buck cũng quen với công việc mới, thậm chí làm rất tốt. Ít ai đặt lòng tin vào một con thú nuôi, như cách mà anh chàng Perrault tin vào Buck qua lời Francoise nói: “Tao chưa bao giờ thấy anh ấy tin vào điều gì nhiều như anh ấy tin vào mày, Buck!”. Lòng tin đó đến từ sau cái lần Buck không ngại hiểm nguy nhảy xuống dòng sông băng để cứu Francoise, và lần Buck nhanh trí cứu cả đoàn xe thoát khỏi trận tuyết lở - hai chi tiết được các nhà làm phim sáng tạo thêm. 

Từ một con chó quý tộc trong nông trại, Buck biến thành một con thú khôn khéo, thận trọng. Cách Buck thích nghi với môi trường mới, vươn lên chiếm lĩnh vị trí đầu đàn khiến người xem suy nghĩ nhiều về hai chữ “nghịch cảnh”. Nghịch cảnh không phải là thất bại, mà là món quà cuộc sống. Bởi nếu không rơi vào nghịch cảnh, hẳn Buck sẽ không biết giới hạn bản thân ở đâu. Buck sẽ không thể biết mình có thể kéo xe, biết cào tuyết đào thành chỗ ngủ, biết nhường nhịn thức ăn cho đồng loại, kể cả biết làm thủ lĩnh.

Nếu thời gian ở cùng Perrault và Francoise khơi dậy trong Buck bản năng sinh tồn mạnh mẽ, thì quãng đời bên cạnh John Thornton - chủ mới của Buck sau khi chia tay chủ cũ vì tuyến xe thư ngưng hoạt động - đã đánh thức bản năng hoang dã trong nó. Buck tìm được người bạn mới, nhưng may mắn hơn cả là Buck đã gặp được người đồng hành với nó cả trong suy nghĩ.

“Mày nghĩ thế nào về một hành trình vượt ra khỏi mọi bản đồ? Chúng ta sẽ đi, mày và tao, đến nơi chưa từng có dấu chân người. Chúng ta sẽ xem thế giới ngoài kia có gì”. Câu nói khích lệ của John Thornton dành cho một con chó, nhưng dường như là lời nhắn nhủ đến người xem: con người nếu ở quá lâu trong vùng an toàn, có thể sẽ rất nuối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều điều thú vị bên ngoài. 

Trailer phim Tiếng gọi nơi hoang dã

 

 

Hành trình mới đó, với Buck, chính là chuyến tìm về cội nguồn, tổ tiên. Mỗi ngày Buck trở về nhà với chủ muộn hơn, nó mải vào rừng sâu làm bạn với bầy sói xám - tổ tiên của loài chó. Loài vật cũng như con người đều có nguồn gốc từ tự nhiên hoang dã, chỉ là theo chu trình tiến hóa mà phát triển, thay đổi nơi trú ngụ.

Nhưng đến một lúc nào đó, bản năng sẽ thôi thúc người và vật muốn tìm lại nơi mình thuộc về. Buck đã làm được điều đó, còn John Thornton đã vĩnh viễn nằm lại bên suối sau phát súng oan nghiệt của một kẻ xấu. 

Không tăm tối như truyện, trái lại còn phảng phất màu sắc hài hước, nhưng Tiếng gọi nơi hoang dã (2020) vẫn để lại những trăn trở cho người xem về năng lực phải chăng là vô hạn, chỉ là bản thân mỗi người đã khám phá ra chưa. Kèm với đó là bài học về sự yêu thương, lòng trung thành, khuyến khích sống đúng đam mê, bản năng - những thông điệp nhân văn mà nhà văn Jack London đã truyền đi từ hơn trăm năm trước. 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI